TPHCM nỗ lực cung cấp đủ hàng hóa, giá cả ổn định
Chánh Trung
(KTSG Online) - Hàng hóa tại TPCHM hiện đã được cung ứng ổn định; một số đơn vị dự trữ gấp 3 lần bình thường, theo Bộ Công Thương cho biết. Các đơn vị phân phối cũng đang khắc phục tình trạng thiếu hụt hàng hóa cục bộ, quá tải mua online, tăng giá...
Một số mặt hàng bị thiếu hụt tạm thời, giá cả tăng
Về việc nhiều người dân phản ánh vẫn khó mua các mặt hàng rau củ quả tươi và giá cả bị “thổi” lên gấp 2, 3 lần, Bộ Công Thương cho biết là do tình hình vận chuyển khó khăn cũng như nhiều chợ đầu mối đóng cửa nên chi phí vận chuyển tăng, một số mặt hàng bị thiếu cục bộ và giá cả tăng lên.
Hàng hóa đang được đưa đến các điểm bán hàng bình ổn, lưu động của Viettel Post tại TPHCM. Ảnh: Viettel Post |
Để nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng thực phẩm quan trọng của TPHCM qua các chợ truyền thống, TPHCM đang nỗ lực mở lại các chợ truyền thống đang bị đóng cửa phòng dịch.
Ngày 13-7, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) bắt đầu bổ sung các loại thực phẩm chế biến nấu chín để tăng tính tiện lợi mùa dịch. Đại diện Saigon Co.op cho biết giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng nào từ trước giãn cách cho đến nay dù giá các các mặt hàng này trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần. |
Ngày 11-7, TPHCM đã thông qua phương án mở cửa chợ Thủ Đức làm khu trung chuyển hàng hóa, không bao gồm hoạt động mua bán để sang xe, vận chuyển thực phẩm thu mua từ các địa phương (đặc biệt là rau củ quả) đến các chợ bán lẻ trên địa bàn.
Về phương án trung chuyển hàng hóa, chợ đầu mối Thủ Đức đã tổ chức phân lô, bố trí lực lượng bảo vệ chốt chặn để hướng dẫn xe ra vào.
Tối ngày 11-7 có 6 thương nhân đủ điều kiện để được giao nhận hàng hoá. Lượng hàng rau củ ước khoảng 124 tấn, trái cây 128,5 tấn. Tổng phương tiện đăng ký giao nhận là 40 xe. Đã bắt đầu giao nhận xe đầu tiên lúc 19 giờ 30 tối ngày 11-7.
TPHCM cũng đã có phương án tái mở cửa chợ đầu mối Hóc Môn theo giải pháp bảo đảm chống dịch. Theo kế hoạch, tối 12-7 sẽ bắt đầu vận hành trung chuyển rau củ quả tại chợ Hóc Môn và từ ngày 13-7, tình hình cung ứng thực phẩm tươi sống sẽ được cải thiện.
Sở Công Thương phối hợp với các hệ thống phân phối hiện đại tổ chức các điểm bán lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn TPHCM. Tính đến ngày 12-7, các hệ thống phân phối (MM Mega, Bách Hóa Xanh, Masan…) và các doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường (Công ty San Hà, Công ty Chân Thật…) đã tổ chức được 20 điểm bán hàng lưu động tại 7 quận, huyện.
Mua online vẫn tăng cao, khắc phục quá tải, tăng giá
Bộ Công thương cho biết các hệ thống phân phối tiếp tục khuyến khích người dân mua hàng online, lượng đơn hàng qua mạng và qua điện thoại tăng cao; nhiều cửa hàng bình ổn, siêu thị phải tăng cường thêm nhân viên soạn hàng (đi chợ giúp người dân), thời gian giao hàng đã khắc phục theo đúng cam kết của hệ thống trong vòng 24g.
Đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sendo.vn cho hay số lượng đơn hàng tại TPHCM trên sàn Sendo.vn tăng 30%, trong đó riêng ngành tiêu dùng nhanh/ bách hóa đã tăng đến 45% so với chỉ một tuần trước đó. Khó khăn lớn nhất ở thời điểm này với bán hàng online nói chung là công tác giao hàng do số lượng đơn tăng đột biến cộng thêm một số kho hàng nằm trong khu vực phong tỏa.
Đại diện sàn TMĐT Voso.vn cho hay đã kết nối với các nhãn hàng, nhà cung cấp và nhà sản xuất để có phương án tối ưu nhất cho người tiêu dùng. Đồng thời, Voso.vn cũng sẽ đảm bảo nguồn cung sản phẩm, giúp khách hàng bớt một mối lo khan hiếm hàng hóa hay mua phải thực phẩm chất lượng kém. Nhờ vậy, thị trường hàng hóa nói chung và các loại thực phẩm tươi như rau củ quả nói riêng sẽ không còn gặp tình trạng bị thổi giá như những ngày vừa qua.
Đóng gói hàng hóa chuẩn bị giao cho người dân đặt mua tại sàn TMĐT Postmart.vn. Ảnh: Vietnam Post |
Đại diện công ty xe công nghệ Gojek Việt Nam cho biết, trong ngày đầu tiên sau khi TPHCM thực hiện cách ly xã hội, hệ thống Gojek ghi nhận hàng ngàn đơn hàng được đặt trên nền tảng GoFood để mua hàng tại hệ thống các cửa hàng và siêu thị này. Mặt hàng được mua nhiều tập trung ở đồ ăn chế biến và đóng gói sẵn như cơm, bánh mì, mì trộn, xôi,... cùng các loại nước uống, trái cây.
Để đáp ứng nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu của người dân trong giai đoạn giãn cách này, Gojek đang đa dạng hóa các cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên nền tảng. Về phía tài xế, Gojek cũng đưa ra chính sách hỗ trợ mới nhằm chia sẻ những khó khăn cho đối tác khi vận chuyển. Theo đó, với mỗi đơn hàng GoFood và GoSend, đối tác tài xế sẽ được cộng thêm 5.000 đồng, không phụ thuộc vào hiệu suất hoạt động.
Đại diện sàn TMĐT Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) đã đưa nhiều sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT và hiển thị ưu tiên các sản phẩm từ các nhà cung cấp tại TPHCM để người tiêu dùng tiếp cận được nhiều hơn và giúp nhà cung cấp tiêu thụ được các sản phẩm thiết yếu. Postmart còn có chính sách miễn phí dịch vụ khởi tạo và duy trì gian hàng cho các nhà cung cấp.
Đội tình nguyện giúp dân đi siêu thị
Với số lượng đơn hàng tăng đột biến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Chỉ thị 16, nhiều siêu thị tại TPHCM luôn trong tình trạng bận rộn với các đơn đặt hàng của người dân. Trước tình hình này, nhiều tình nguyện viên đã chia nhau về các siêu thị để tham gia chung tay cùng các nhân viên xử lý đơn đặt hàng, đảm bảo hoàn thành đơn hàng nhanh chóng, kịp chuyển đến tay bà con.
Đội tình nguyện Go Volunteer đi siêu thị mua đồ giúp người dân tại TPHCM. Ảnh: Facebook Go Volunteer |
Tại TPHCM, hơn 40 tình nguyện viên Go Volunteer đã ra quân tại hệ thống siêu thị Co.op Mart để hỗ trợ xử lý đơn hàng, mua hàng giúp những người đặt qua mạng. Các tình nguyện viên khi tham gia mua hàng giúp người dân được trang bị các thiết bị y tế như khẩu trang, găng tay, kính chắn.
Nhiệm vụ của các tình nguyện viên là tiếp nhận các đơn hàng trực tuyến của khách hàng đặt trên hệ thống, lấy các loại hàng hóa theo đơn hàng, đóng gói và chuyển ra bộ phận giao hàng của siêu thị. Bộ phận giao hàng sẽ phụ trách vận chuyển hàng hóa đến người dân.
Đây là hoạt động hỗ trợ người dân có hàng hóa, nhu yếu phẩm kịp thời, vừa giảm tải một phần công việc tại các siêu thị do số lượng đơn hàng đặt trực tuyến hằng ngày khá lớn.
Đến nay, tình hình hệ thống phân phối đang tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại TPHCM gồm có: 6/106 siêu thị, 94/2.626 cửa hàng tiện lợi, 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối (chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức). |
Mời đọc thêm:
TPHCM tăng lượng cung ứng hàng thực phẩm chế biến sẵn
Xem thêm: lmth.hnid-no-ac-aig-aoh-gnah-ud-pac-gnuc-cul-on-mchpt/482813/nv.semitnogiaseht.www