Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi ngừng các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, nhưng giá lương thực, thực phẩm vẫn ổn định.
Hà Nội: Giá hàng hóa ổn định, thậm chí giảm
Theo khảo sát của PV Lao Động, ngày 13.7, ngày đầu tiên Hà Nội quay trở lại thực hiện dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng giá hàng hóa, thực phẩm vẫn ổn định, dồi dào.
Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn từ 120.000-160.000 đồng/kg; giá thủy sản từ 40.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Thịt bò từ 180.000-300.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp: 50.000-70.000 đồng/kg.
Mặc dù tình hình dịch bệnh có khả năng phức tạp hơn, giá thực phẩm, lương thực tại Hà Nội không tăng, thậm chí mặt hàng thịt lợn, thịt gà công nghiệp còn giảm nhẹ khoảng 5.000 đồng/kg do sức mua giảm. Giá rau xanh cũng giảm nhẹ 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại. Giá trái cây chính vụ như xoài, ổi, mận... cũng giảm khoảng 5.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội, để phục vụ người tiêu dùng yên tâm chống dịch, Co.opmart Hà Nội đã tăng lượng thực phẩm tươi sống, rau củ, quả, lương thực, hàng chế biến sẵn, các mặt hàng vệ sinh y tế, sát khuẩn… lên gấp 2-3 lần, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh, không lo thiếu hàng.
Tại hệ thống siêu thị Big C, GO! lượng hàng hóa, thực phẩm tươi sống hàng ngày rất dồi dào, đặc biệt là các loại thịt lợn, gia cầm, thủy sản, hải sản, gạo, mỳ, dầu ăn…vẫn ổn định, giá không đổi.
Hàng hóa ổn định, dồi dào tại các tỉnh phía Nam
Tại TPHCM - địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do số ca nhiễm tăng cao, giá hàng hóa trong siêu thị ổn định. Rải rác một vài nơi có hiện tượng tiểu thương gom hàng bán giá cao kiếm lời nhưng đã được chấn chỉnh.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Sagon Co.op - khẳng định, lượng hàng hóa đang đổ về các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food với số lượng gấp 2-3 lần.
Giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng nào từ trước giãn cách cho đến nay, dù giá các mặt hàng này trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần.
“Việc giá hàng hóa siêu thị giữ và giảm với mục đích chính là cùng chính quyền TP.HCM chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo phòng tuyến cho người dân an tâm chống dịch” – ông Nguyễn Anh Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và người dân có nhu cầu cao, tại các siêu thị của Saigon Co.op đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số cá nhân gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán để hưởng lợi cá nhân. Điều này khiến một số mặt hàng, cụ thể là trứng gà, bị "đứt hàng" cục bộ, không bổ sung hàng kịp dẫn đến việc một số người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, các đơn hàng online https://cooponline.vn/ đến thời điểm này đã được các siêu thị giao hàng thành công hơn 70% và đang được Saigon Co.op tập trung tăng cường đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá một số mặt hàng cũng có xu hướng giảm nhẹ. Trong đó, giá rau xanh giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg; nấm và các loại củ, quả giảm khoảng 2.000-4.000 đồng/kg. Giá thủy hải sản tại các siêu thị ổn định.
Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau - ông Dương Vũ Nam - cho biết: Để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh ứng phó dịch bệnh COVID-19, sở đã họp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, sở đã đề xuất tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất, thống nhất chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh và có hiệu lực lưu hành trong vòng 3 ngày nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa từ các nhà cung cấp liên tỉnh, nhà phân phối, nhà bán lẻ... được nhanh chóng, thông suốt góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa và giá cả ổn định.
Xem thêm: odl.920039-hnid-no-nav-coun-ac-nert-aoh-gnah-aig-pat-cuhp-91-divoc-hneb-hcid/et-hnik/nv.gnodoal