Từ năm ngoái, Hong Guang Mini EV – chiếc ô tô điện được sản xuất bởi General Motors (GM) và đối tác Trung Quốc Wuling, đã gây sốt trên khắp thế giới. Đây là loại xe điện cỡ nhỏ, còn xa mới đạt đến sự vận hành mạnh mẽ hay vẻ ngoài bóng bẩy của các sản phẩm đến từ những ông lớn sản xuất xe điện khác như Tesla.
Thế nhưng, nhờ kết hợp giữa các chiến lược marketing thông minh hướng tới Gen Z và mức giá rẻ đến giật mình là 4.400 USD (tương đương một chiếc xe máy Honda SH), Hong Guang Mini EV đã thành công rực rỡ về mặt doanh số.
Chris Jones, một nhà phân tích cấp cao mảng ô tô nhận định: "Việc ra mắt một mẫu xe mới vào năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến mọi người hạn chế di chuyển hơn vì phải làm việc tại nhà, là một sự mạo hiểm. Tuy nhiên, với chiến lược marketing thông minh và mức giá vừa túi tiền, Hong Guang Mini EV đã trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng muốn có không gian an toàn, sạch sẽ hơn so với phương tiện công cộng hay gọi xe công nghệ".
Một vài mẫu khác có giá cao hơn một chút nhưng nhìn chung, chúng vẫn là lựa chọn hoàn hảo cho Gen Z ở Trung Quốc – những người không có điều kiện kinh tế quá dồi dào nhưng lại muốn sở hữu ô tô thân thiện với môi trường.
Chỉ vài tuần sau khi chính thức ra mắt vào tháng 7/2020, mẫu xe điện cấu hình thấp này đã vượt mặt Tesla tại Trung Quốc. Chỉ trong 12 tháng đầu tiên, nhà sản xuất đã bán được hơn 200.000 chiếc xe – một con số đáng mơ ước của bất cứ người chơi mới nào trên thị trường.
Theo một số dự đoán, trong năm nay, Hong Guang Mini EV có thể bán được tới 400.000 xe. The Verge cho biết chiếc xe nhỏ bé này đã đánh bại Model 3 của Tesla để trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới với tổng cộng hơn 56.000 chiếc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021.
Hong Guang Mini EV hấp dẫn người mua vì mức giá chỉ hơn 4.000 USD nhưng điều này có nghĩa là nhà sản xuất không thu được nhiều lợi nhuận. Trên thực tế, tờ Xcar của Trung Quốc mới đây tiết lộ rằng GM và Wuling chỉ thu về lợi nhuận hơn 13,7 USD (khoảng 315.000 đồng) cho mỗi chiếc xe bán ra.
Bất chấp việc này, GM và Wuling dường như không tỏ ra thất vọng. Trước hết, nếu họ bán được 400.000 xe thì lợi nhuận sẽ lên tới gần 5,5 triệu USD – không lớn so với quy mô của GM nhưng cũng không là một vấn đề nghiêm trọng với họ.
Quan trọng hơn cả là việc GM đang "học lỏm" từ Tesla. Thực chất, GM và Wuling đang kiếm tiền từ cách bán tín chỉ khí thải. Còn số lãi thu được trên mỗi chiếc xe bán ra của họ chỉ là "tiền lẻ" khi hãng dùng giá thấp làm lợi thế cạnh tranh.
Giống như ở Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thêm tín chỉ khí thải cho những chiếc ô tô "xanh" mà họ bán được. Mỗi chiếc Hong Guang Mini EV bán ra giúp nhà sản xuất thu về 2 điểm tín chỉ khí thải. Mỗi điểm như vậy có thể bán lại cho các nhà sản xuất khác với giá 462 USD. Nếu nhân với 200.000 chiếc xe đã được bán ra, nhà sản xuất sẽ thu về 184,8 triệu USD – cao gấp hơn 68 lần so với lợi nhuận thu từ việc bán xe (2,7 triệu USD).
Bán tín chỉ khí thải chính là mảng kinh doanh béo bở nhất, giúp Tesla lãi ròng cả năm ngoái. Đến nay, đã có 11 bang của Mỹ yêu cầu nhà sản xuất ô tô phải bán được một tỷ lệ nhất định các dòng xe không khí thải tính đến năm 2025. Nếu không làm được, họ sẽ phải mua tín chỉ khí thải từ những đơn vị khác. Và tại Mỹ, Tesla không ai khác là "ông trùm".
Nhờ quy định trên, Tesla đã thu về tới 3,3 tỷ USD từ bán tín chỉ khí thải trong 5 năm qua. Trong đó, chỉ riêng năm ngoái, công ty của Elon Musk thu về 1,6 tỷ USD, vượt xa khoản lãi ròng 721 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không bán tín chỉ khí thải, hãng đã có thêm một năm thua lỗ.
Nguồn: Xcar
Kairosclerosis
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị