Nhân viên y tế phát cơm, thuốc cho bệnh nhân F0 không triệu chứng điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG AN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM - cho biết ủng hộ phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà theo đề xuất của TP.HCM.
Đối tượng thí điểm cách ly tại nhà theo ông là F0 không triệu chứng, bao gồm nhân viên y tế nhiễm COVID-19; các bệnh nhân sau thời gian cách ly và không còn khả năng lây nhiễm và những người trẻ, khỏe, có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trước đó, TP.HCM có đề xuất được cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, xin ý kiến của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM. "Chúng tôi ủng hộ phương án này và đang báo cáo Bộ Y tế, để giao Cục Quản lý khám chữa bệnh sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này" - ông Sơn nói.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1), với 80% ca mắc không triệu chứng, đưa tất cả vào bệnh viện điều trị gây áp lực lên hệ thống bệnh viện.
"Chưa kể người cách ly cũng không thoải mái như ở nhà, làm bệnh lý nặng lên. Đó là lý do chúng ta phải tính toán lại. Nếu cách ly tại bệnh viện, phải chuẩn bị nhân sự chăm lo cho họ bởi việc này không chỉ vài ngày, mà là nửa tháng hoặc dài hơn nữa" - bác sĩ Khanh dẫn chứng.
Vậy điều kiện để cách ly F0 không triệu chứng ngoài bệnh viện hoặc tại nhà là gì? Bác sĩ Khanh khẳng định không phải F0 không triệu chứng nào cũng được cách ly ở nhà, mà phải có sàng lọc kỹ.
Nếu F0 có nguy cơ cao (béo phì, bệnh nền, trên 60 tuổi) sẽ chuyển bệnh viện điều trị; người khỏe mạnh có thể cách ly ở nhà với điều kiện tất cả người trong gia đình phải khỏe mạnh, đồng thời nơi cách ly phải được "giới nghiêm" và giám sát chặt theo quy định. Điều này, theo bác sĩ Khanh, là có lợi hơn cho cả người bệnh và xã hội.
Tính đến hôm nay TP.HCM vượt ngưỡng 15.000 ca mắc COVID-19. Trong đó có đến 80% ca mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và ngành y tế đang phải bố trí nhiều bệnh viện dã chiến, nhân lực để chăm sóc số bệnh nhân không triệu chứng này.
TTO - Hết ngày 11-7 TP.HCM có trên 13.000 ca mắc COVID-19, 80% ca mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tương ứng với tình trạng bệnh lý, ngành y tế chia ra "3 tầng" điều trị riêng biệt, bao gồm nặng; có triệu chứng; nhẹ và không triệu chứng.