Theo hãng tin CNN, đợt nắng nóng kỷ lục tại Canada đã khiến 1 tỷ con trai cùng các sinh vật biển khác bị "nướng chín", nằm chết la liệt dọc vùng bờ biển phía Tây của nước này.
Thông thường loài trai tại đây thường dính trên các tảng đá và đôi khi lộ ra dưới ánh mặt trời lúc thủy triều xuống. Dẫu vậy chúng không thể sống sót dưới cái nóng 37 độ C quá lâu.
Trong khi đó, nhiệt độ ngoài trời đo được tại Vancouver đã đạt 38,6 độ C vào ngày 28/6/2021. Mức nhiệt này thậm chí còn nóng hơn rất nhiều tại các vùng biển lộ thiên dưới ánh nắng mặt trời. Nghiên cứu của giáo sư Christopher Harley thuộc trường đại học British Columbia cho thấy nhiệt độ tại những bãi biển trên có thể lên đến 51,6 độ C.
Giáo sư Christopher Harley
Mức nhiệt quá cao vào lúc thủy triều xuống khiến rất nhiều loài sinh vật biển bị nướng chín trên cạn hoặc luộc sống ở các vùng nước nông.
Theo giáo sư Harley, khoảng 1 tỷ sinh vật biển tại bờ Tây Canada bao gồm hàu, ngao, cua, ốc đã chết vì nắng nóng và con số có thể còn cao hơn do chưa được thống kê đầy đủ.
Những vùng biển phía Tây Canada thường có nhiều bãi biển nước lạnh, phù hợp cho các sinh vật biển như ngao, hàu sinh sống. Thế nhưng biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển ở đây tăng cao và ngày càng khiến nhiều sinh vật khó sống.
Thậm chí, những ngư dân nuôi trồng thủy sản tại đây cũng phải thừa nhận họ đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Khoảng 50% số hàu tại các trang trại dọc bờ miền Tây đã chết trong khi số ngao thì nhiều hơn vì chẳng thể chịu nổi nắng nóng.
Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo những đợt nắng nóng bất thường khó dự đoán tại Canada, Tây Bắc Thái Bình Dương hay ở Mỹ là do ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong tương lai.
Chuyên gia khí hậu Kristina Dahl của tổ chức Union of Concerned Scientists nói với hãng tin CNN rằng các đợt nắng nóng tại Canada đã liên tiếp phá kỷ lục và điều này diễn ra ở cả những vùng không hay chịu nhiều nắng nóng.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc World Weather Attribution cho thấy sự thay đổi bất thường này chắc chắn có liên quan đến việc biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Vào ngày 30/6/2021, thị trấn Lytton của Canada đã ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục 49,4 độ C và bị thiêu rụi hoàn toàn sau một vụ cháy rừng trong khu vực.
Nắng nóng không chỉ làm chết sinh vật, các báo cáo cho thấy Canada đã ghi nhận 719 người thiệt mạng trong khoảng 25/6-1/7/2021, cao gấp 3 lần so với mức bình quân qua các mùa nóng hàng năm. Tương tự ở Mỹ, hàng trăm người đã chết và nhiều người cũng đã phải nhập viện vì đợt nóng bất thường chưa từng có.
Các tính toán cho thấy việc biến đổi khí hậu đã khiến những sự kiện nắng nóng bất thường có khả năng xảy ra cao hơn 150 lần so với bình thường, khiến chúng diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và khắc nghiệt hơn.
"Điều khiến tôi lo ngại là những đợt nắng nóng như thế này trước đây thường chỉ xảy ra cách mỗi 1.000 năm thì nay nó có thể tiếp diễn liên tục mỗi 5-10 năm. Hệ sinh thái sẽ bị tác động khá mạnh và quá gấp để có thể phục hồi. Cuối cùng chúng ta sẽ phải chứng kiến một hệ sinh thái hoàn toàn khác với trước đây do biến đổi khí hậu", giáo sư Harley cảnh báo.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.135327131701202-adanac-neib-ob-cod-teil-al-tehc-iart-oagn-nihc-gnoun-gnon-gnan-ib/nv.zibefac