Thông tin được đại diện Sở Công thương TPHCM thông báo trong buổi họp báo chiều ngày 13/7. Cụ thể, Sở đã có công văn hỏa tốc, hướng dẫn tổ chức hoạt động chợ truyền thống nhằm gia tăng điểm cung ứng hàng hóa, giảm lượng khách đến siêu thị khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16.
Theo đó, TP. Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo đơn vị quản lý chợ đang phải đình chỉ hoạt động trên địa bàn chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp trong khu vực chợ. Khu vực sạp, tiểu thương bố trí đảm bảo giãn cách; tận dụng các diện tích trống như khu bán thức ăn, sân chợ để tổ chức kinh doanh.
Trước mắt, các địa phương rà soát, thí điểm giới hạn từ 2 đến 10 tiểu thương kinh doanh rau củ quả tùy theo mô hình hoạt động chợ.
Trong trường hợp nhiều tiểu thương có chung nhu cầu kinh doanh, đơn vị quản lý chợ cần sắp xếp, tổ chức cho các tiểu thương này bán luân phiên. Tiểu thương phải chủ động nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng cho cả người bán và mua.
Chính quyền các địa phương thông tin qua khu phố, tổ dân phố về các điểm bán này trước để người dân nắm rõ. Ngoài ra, đơn vị quản lý cần phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, khống chế lượng khách ra vào chợ.
Chợ đầu mối Thủ Đức lập trung tâm trung chuyển nông sản tại bãi xe trước chợ chính để làm điểm tập kết hàng - Ảnh: Quốc Thái |
Sở Công thương TPHCM cho biết, lượng thực phẩm (chủ yếu là hàng tươi sống) vào TP ngày 13/7 đạt 1.900 tấn, tăng 100 tấn so với hôm 12/7.
“Lượng hàng tăng là do UBND TP. Thủ Đức và Công ty CP Quản lý kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (chợ đầu mối Thủ Đức) đã triển khai xong điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại hai bãi container của chợ đầu mối Thủ Đức. Khu vực này được một số thương nhân kinh doanh các mặt hàng rau củ quả vận chuyển hàng hóa về và bốc xếp sang các xe nhỏ để đưa về chợ truyền thống”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết.
Lượng hàng ở điểm trung chuyển khoảng 150 tấn góp phần làm giảm tình trạng thiếu nguồn hàng về TPHCM. Các thương nhân giao dịch, điều phối hàng hóa chủ yếu qua điện thoại, các ứng dụng trực tuyến, chỉ sử dụng địa điểm làm bãi tập kết, không phát sinh mua bán tại bãi tập kết.
Khu trung chuyển hàng hóa phải đáp ứng vô cùng nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch. Tài xế, phụ xe đều phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, và đều phải được kiểm tra, kiểm soát, khai báo lịch trình chặt chẽ. Khu vực cho một xe container và các xe khác vào được bố trí với diện tích 500m2, những người trong khu vực hạn chế tối đa tiếp xúc để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Hàng hóa lưu thông bên trong chợ đầu mối Thủ Đức trước thời điểm chợ tạm dừng hoạt động - Ảnh: Quốc Thái |
Ông Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết, Sở Công thương đang tích cực triển khai mô hình này ở chợ đầu mối Hóc Môn. Khả năng tối ngày 14/7 sẽ bắt đầu, như vậy, nguồn hàng về TPHCM sẽ tăng đáng kể.
Thông thường, lượng hàng về 3 chợ đầu mối đạt từ 7.000 - 7.500 tấn/đêm, tuy nhiên do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân ít mua sắm, do đó nhu cầu tiêu thụ giảm. Trong thời gian vừa qua, lượng hàng về 3 chợ đầu mối đạt khoảng 4.500 - 5.000 tấn/đêm, khi ba chợ đầu mối tạm dừng hoạt động thì lượng hàng đạt chừng 2.000 tấn/đêm.
Tất cả nguồn hàng thiếu sẽ dồn về hệ thống phân phối hiện đại. Trong những ngày qua, các hệ thống phân phối hiện đại tăng lên 1,5 - 5 lần. Ngày 12/7 thành phố có 68/234 chợ truyền thống hoạt động, ngày 13/7 chỉ còn 59/234. Cùng thời gian, 14 siêu thị dừng hoạt động nhưng đến ngày 13/7 chỉ còn 6 siêu thị. "Kênh phân phối hiện đại ngày càng khó khăn, do dịch bệnh nên một số siêu thị tạm ngưng hoạt động. Vì vậy, việc cung ứng hàng hóa tới người dân sẽ khó khăn hơn", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.
Quốc Thái