Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, sau 6 tháng triển khai các quy định mới về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành riêng lẻ đạt 168.702 tỷ đồng và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng và tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020 đồng thời chiếm 8,3% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành (184.077 tỷ đồng). Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bước đầu có sự dịch chuyển từ hoạt động phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng.
Các ngân hàng vẫn chiếm ưu thế
Báo cáo cho thấy trong sáu tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất và chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành. Tuy nhiên, khối lượng phát hành tại nhóm các doanh nghiệp bất động sản lại giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành).
Điều đáng nói, lãi suất phát hành có xu hướng giảm, đạt bình quân 7,9%/năm, thấp hơn 1,6%/năm so với cùng kỳ năm ngoái (9,5%/năm).
Về nhà đầu tư, báo cáo chỉ ra nhóm các công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng chỉ chiếm 25% tổng khối lượng phát hành.
Trong khi đó, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân (là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chỉ chiếm 5,7% khối lượng phát hành và giảm mạnh so với năm 2020 (12,68%).
Động thái trên cho thấy các quy định mới tại Nghị định số 153 (như nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ) đã có tác động hạn chế các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, qua đó bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn tồn tại những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp và nhà đầu tư và thị trường.
Cụ thể, các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay - tự trả và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Song, các doanh nghiệp phát hành khối lượng trái phiếu quá lớn, với lãi suất cao. Trong khi đó, việc sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn có thể dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Điều này sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính trong nước nói chung.
Nhà đầu tư cá nhân tự chịu trách nhiệm
Bên cạnh đó, pháp luật có quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Song, các hành vi “lách” quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với mục đích để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro... sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, như có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu.
Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm nói trên.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng lưu ý các nhà đầu tư cá nhân không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bộ Tài chính nhấn mạnh việc các tổ chức cung cấp dịch vụ (các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này sẽ đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Theo đó, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Do đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ phải ký kết hợp đồng có nêu rõ quyền và trách nhiệm của từng bên đồng thời xác định đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu (đối với từng đợt phát hành). Đặc biệt, các tổ chức này phải tuân thủ quy định của pháp luật về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư về tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành./.
Triển khai Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, gồm: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (gồm nội dung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng).
Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm các hành vi vi phạm về phát hành, giao dịch cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Xem thêm: lmth.14250000042210202-yt-000081-nert-tad-ueihp-iart-auq-nov-gnod-yuh-peihgn-hnaod/nv.semitaer