Vừa chống dịch, vừa đảm bảo đáp ứng tốt đơn hàng
Trọng Nghĩa
(KTSG Online) - Dù TPHCM đang trong thời gian giãn cách xã hội nhưng những nhóm ngành hàng trọng yếu của thành phố như cơ khí, dệt may, đồ gỗ vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Các công ty cơ khí trên địa bàn TPHCM vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất để kịp hoàn thiện các đơn hàng. Ảnh: DNCC |
Những tín hiệu tín cực từ đơn hàng
Đầu tháng 5-2021, Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành (TPHCM) liên tục hoàn thành thủ tục xuất khẩu nhiều lô hàng đồ gỗ sang các nước châu Âu. Hiện tại, dù TPHCM đang trong thời điểm giãn cách xã hội nhưng công ty này vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, để kịp thời bàn giao các đơn hàng cho đối tác. Theo đại diện Gỗ Đức Thành, ngay từ những tháng đầu năm công ty đã nhận số lượng đơn hàng đủ sản xuất cho đến hết năm 2021. Ở thời điểm hiện tại, công ty đã hoàn thành được khoảng 70% kế hoạch đơn hàng trong năm nay, và từ đây đến cuối năm sẽ hạn chế nhận những đơn hàng mới.
Trong khi đó, nhóm ngành hàng cơ khí cũng đón nhận những tín hiệu tín cực trong hoạt động xuất khẩu. Đơn cử như Công ty chế tạo máy Thép Việt (TPHCM), doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của đơn vị này đạt trên 3,5 triệu đô la Mỹ. Ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc công ty, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, tình hình kinh doanh của công ty vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, số lượng và giá trị đơn hàng đều tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cũng là một trong những đơn vị ăn nên làm ra tính tới thời điểm hiện tại. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico, cho biết hiện tại các dòng sản phẩm nước giải khát của công ty đã chinh phục được thị trường Nhật Bản, với doanh thu xuất khẩu mỗi tháng đạt khoảng 70.000 đô la Mỹ. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến hoạt động tiêu thụ nước giải khát trong nước sụt giảm thì hoạt động xuất khẩu đang là điểm sáng của công ty. Do đó Bidrico đang cố gắng tổ chức duy trì hoạt động sản xuất để giữ các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới.
Thích nghi để nắm bắt cơ hội
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam, cho biết hiện tại nhà máy của tập đoàn này tại Việt Nam vẫn là nơi sản xuất phần lớn các sản phẩm của Intel trên thế giới. Nếu vì dịch bệnh mà khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ thì tất nhiên tập đoàn sẽ chuyển đơn hàng sang các nhà máy tại các quốc gia khác. Điều đó đồng nghĩa sau khi dịch bệnh qua đi tập đoàn buộc phải cắt giảm nhân sự tại Việt Nam.
Bà Uyên cho rằng, chính quyền TPHCM nên có những chính sách hợp lý để các doanh nghiệp trên địa bàn có thể an tâm sản xuất. Theo đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện bố trí cho công nhân ăn, ở ngay tại công ty. Với Intel Products Việt Nam, nhà máy sản xuất không đáp ứng được điều này nên buộc lòng phải cho công nhân ở tại các khách sạn. Sẽ có những tổ tự quản và các tổ tự quản sẽ giám sát chéo nhau để chắc chắn rằng người lao động tuân theo các yêu cầu về giãn cách của chính quyền.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, cho rằng những khách hàng từ Mỹ, châu Âu (EU), Nhật, Hàn Quốc rất quan trọng, bằng giá nào cũng phải giữ, như vậy thì phải duy trì sản xuất để nắm bắt cơ hội sau khi dịch bệnh qua đi. Ông Tống cho biết, hiện tại nhiều đối tác xuất khẩu còn yêu cầu các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam phải livestream quá trình sản xuất để chắc chắn rằng các công ty vẫn đang duy trì hoạt động, nếu không họ sẽ chuyển đơn hàng sang các nước khác.
Do đó, Công ty Cơ khí Duy Khanh nơi ông Tống là Chủ tịch Hội đồng thành viên đã thực hiện biện pháp nhận diện công nhân ra vào nhà máy thành hai nhóm: nhóm ở lại công ty sẽ được mang thẻ xanh (60% công nhân ở lại nhà máy), nhóm đi - về mỗi ngày sẽ mang thẻ vàng và thẻ đỏ.
Với việc sắp xếp cho công nhân ở lại nhà máy sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí cho Công ty Duy Khanh nói riêng và hơn 200 doanh nghiệp ngành này trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, chi phí bỏ ra lúc này không phải là vấn đề nghiêm trọng, nỗi lo lớn nhất là để lây nhiễm trong nhà máy dẫn đến ngưng sản xuất.
Với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho biết ngành này đang là điểm đến của nhiều đối tác trên thế giới. Dù dịch bệnh đang diễn ra nhưng các đơn hàng từ các đối tác châu Âu, Mỹ, Nhật Bản vẫn liên tục đặt các đơn hàng mới. “Hiện các doanh nghiệp thuộc Hội Dệt may Thêu đan TPHCM đang liên kết, sẵn sàng chia sẻ đơn hàng để các hội viên kịp thời giao hàng cho đối tác. Ngay thời điểm quận Gò Vấp giãn cách theo theo Chỉ thị 16, các doanh nghiệp trong hội đã có phương án hỗ trợ sản xuất cho các đơn vị như X28, X22 trong quận Gò Vấp”, ông Hồng nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại Việt Nam vẫn là điểm đến của việc dịch chuyển đơn hàng. Do đó để nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải cố gắng duy trì hoạt động xuất khẩu, nếu không cơ hội sẽ trôi qua một cách đáng tiếc.
Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành. Và để duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới, sở đã đề xuất lãnh đạo TPHCM nghiên cứu thành lập 7 trung tâm logistics tại Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi với tổng diện tích 623 ha để tăng cường kết nối tỉnh, thành, nhằm nâng cao năng suất trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. |
Xem thêm: lmth.gnah-nod-tot-gnu-pad-oab-mad-auv-hcid-gnohc-auv/803813/nv.semitnogiaseht.www