Sinh viên khoa Ngoại ngữ - HUFLIT, trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh tại cuộc thi Language In Action 2020
Đối với thị trường lao động Việt Nam, sinh viên là lực lượng lao động nhiều tiềm năng khi vừa có tri thức, vừa có tiềm năng cập nhật nguồn kiến thức hiện đại. Tuy vậy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định nhu cầu người đi làm có trình độ chưa được đáp ứng đầy đủ với tỉ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ đạt 24,5% năm 2020, trong khi kỹ năng lao động còn nhiều hạn chế (xếp thứ 103 trên thế giới).
Do đó, có thể nói những sinh viên có khả năng ngoại ngữ, có năng lực nghiên cứu, thực hành nghiệp vụ bằng tiếng nước ngoài sẽ gia tăng tỉ lệ lực lượng lao động trình độ cao, có lợi thế cạnh tranh ở những tổ chức trong và ngoài nước.
Hiểu được thực tế trên, từ lâu các trường đại học tại TP.HCM đã gắn vai trò của ngoại ngữ vào chương trình học để sinh viên có cơ hội cải thiện năng lực dùng tiếng nước ngoài, đồng thời đủ trình độ thực hiện những nghiên cứu khoa học và học các môn chuyên ngành hoàn toàn bằng ngoại ngữ từ năm 2 trở lên.
Đơn cử như việc sinh viên phải sử dụng tiếng nước ngoài để thuyết trình, phản biện, phân tích tài liệu khoa học, viết tiểu luận, khóa luận hay thực hiện các đề tài chuyên môn 100% bằng ngoại ngữ.
Dùng ngoại ngữ để làm dự án
Thực hành dự án là một trong những hoạt động hướng đến việc vận dụng lý thuyết vào thực tế một cách hiệu quả. Tùy vào yêu cầu và nội dung của từng môn học mà sinh viên sẽ ghép nhóm, cùng nhau giải quyết các vấn đề và xây dựng phương án triển khai đề tài.
Để phát triển dự án từ nhiều góc độ, nhiều quá trình sẽ cần sinh viên ứng dụng kỹ năng ngoại ngữ để phỏng vấn các chuyên gia nước ngoài, đọc và trích dẫn tài liệu, bài nghiên cứu quốc tế để củng cố tính khả thi của dự án. Đồng thời, cũng có những môn chuyên ngành yêu cầu người học sử dụng ngoại ngữ để viết luận, viết báo cáo trong suốt quá trình thực hiện.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), ngoại ngữ chính là thước đo về năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động khi nguồn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây.
Thông qua nhiều dự án, sinh viên sẽ đến gần hơn với nguyện vọng của nhà tuyển dụng, nhanh chóng có việc làm sau khi ra trường.
Bên cạnh các dự án có tính ứng dụng ngoại ngữ cao, môi trường đại học còn mang đến hàng loạt cuộc thi. Tại HUFLIT nhiều cuộc thi sử dụng tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung được diễn ra hằng năm mang đến cho sinh viên các khoa nhiều sự trải nghiệm và đòi hỏi người tham gia phải sử dụng nhuần nhuyễn kỹ năng ngôn ngữ.
Nghiên cứu khoa học bằng ngoại ngữ
Theo ThS. Châu Thế Hữu - giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh - HUFLIT, vai trò của sinh viên là phải thực hành nghiên cứu để phát triển kỹ năng đào sâu vấn đề, tư duy phản biện. Trong đó, ngoại ngữ đóng vai trò cốt lõi để người học hiểu được tài liệu quốc tế, luyện tập phân tích số liệu và diễn đạt ý tưởng bằng tiếng nước ngoài.
"Đa số các công trình khoa học được công bố đều sử dụng tiếng Anh nên sinh viên cần trau dồi tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung để mở mang hiểu biết", thầy Hữu cho biết.
Sinh viên ngành Hàn Quốc học HUFLIT (bìa phải) và du học sinh các nước thảo luận đề tài nghiên cứu tại Hàn Quốc
Có cùng quan điểm trên, ThS. Trần Mỵ Uyên - Phó trưởng khoa Ngoại ngữ - HUFLIT, cho rằng ngoại ngữ vốn dĩ là phương tiện giao tiếp của con người nên cũng giống như chiếc "chìa khóa vàng" để sinh viên tiếp cận được nguồn tư liệu quý giá của thế giới.
Đồng thời, cô Uyên cho biết thêm rằng viết nghiên cứu khoa học bằng ngoại ngữ rất khó song các em vẫn thực hiện đều đặn vì mỗi bài luận mà sinh viên trải qua đều giúp cải thiện ngoại ngữ, học được tư duy mạch lạc và logic.
Du học trao đổi văn hóa với nước ngoài
Đối với HUFLIT, ngoại ngữ sẽ không chỉ gói gọn với tiếng Anh mà còn bao gồm tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Trung. Thường niên, nhà trường luôn có sinh viên du học trao đổi văn hóa tại Hàn Quốc, Nhật Bản, được sống và học tập cùng người bản địa.
Theo ThS. Nguyễn Thị Phương Thu - Giảng viên Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa phương Đông - HUFLIT, kiến thức về văn hóa và xã hội rất cần thiết đối với người học ngoại ngữ nên cơ hội được sang nước ngoài sẽ giúp sinh viên thêm yêu quý ngôn ngữ, trân trọng giá trị mà ngôn ngữ mang lại.
Sinh viên HUFLIT kết thúc khóa học tại trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc)
Ngoài ra, với định hướng dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ gần 30 năm, NGƯT. Huỳnh Thế Cuộc - một trong những người sáng lập HUFLIT, đã khẳng định vai trò quan trọng của việc đào tạo ngoại ngữ như một công cụ then chốt để đáp ứng các mục tiêu chiến lược về kinh tế - xã hội, phát triển khoa học kỹ thuật và mở rộng quan hệ quốc tế của đất nước trong những năm 90.
Thầy còn nhấn mạnh việc cần có một mô hình đào tạo ngoại ngữ ở đại học cần có 2 giai đoạn: dạy ngôn ngữ cơ sở trước, sau đó là ngôn ngữ ứng dụng trong các chuyên ngành để sinh viên có thể sử dụng ngoại ngữ để phục vụ cho công việc.
Vì vậy, từ những ngày đầu thành lập HUFLIT, nền tảng ngoại ngữ do trường đào tạo còn là bệ phóng cho nhiều sinh viên tự tin gửi hồ sơ du học tại các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều quốc gia ở châu lục khác.
Xem thêm: mth.3051658041701202-ugn-iaogn-gnud-us-ed-gnout-yl-gnourt-iom-al-coh-iad/nv.ertiout