Khu trung tâm TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
1. Sài Gòn - TP.HCM là hòn ngọc Viễn Đông một thời, vì thế nên xây dựng thương hiệu TP.HCM theo phẩm chất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, TP.HCM nên lấy tên Friendship City, thành phố nghĩa khí, thành phố bằng hữu không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo.
Ba từ friendship, bằng hữu, nghĩa khí sẽ nói lên bản chất TP.HCM hôm nay và của Sài Gòn xưa.
Phương Nam là vùng đất mới, khai phá vùng đất mới này toàn hảo hán, giống như những người đi khám phá nước Mỹ, nước Úc, đó là những người tiên phong. Người Mỹ tây tiến để chinh phục miền Tây, người Anh tiên phong khám phá chinh phục nước Úc.
Từ góc độ thời đại, câu chuyện đầu tư mạo hiểm chỉ có vài nơi làm được, nó gắn với tố chất chinh phục, khám phá chứ không ngồi giữ mãi cái cũ. Nếu phát huy được tố chất chinh phục, khám phá của người Sài Gòn - TP.HCM thì cả Nam Bộ sẽ phát triển.
Miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ ngày nay là một cụm, chụm lại ở Sài Gòn - TP.HCM. Đi sau, muốn phát triển, bứt lên phải hội tụ năng lực. Giờ từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... lên Sài Gòn - TP.HCM, người ta vẫn quen gọi lên thành phố, câu nói giản đơn nhưng ăn sâu vào tiềm thức người dân, cho thấy sức mạnh hội tụ của Sài Gòn - TP.HCM.
2. TP.HCM đang bị trói quá nhiều dù luôn nhận được sự quan tâm lớn từ trung ương. Đã có 3 nghị quyết của Bộ Chính trị định hướng phát triển TP.HCM vào các năm 2002, 2012 và 2018. Nghị quyết nào cũng xác định TP.HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, nhưng đến nay đầu tàu vẫn rất vất vả vì thể chế phát triển chưa mở ra theo định hướng của Bộ Chính trị.
Nếu thể chế 18 năm qua được mở ra thì thành phố đã "cất cánh" xứng tầm hòn ngọc Viễn Đông. Nghị quyết định hướng xây dựng thể chế, tiếc rằng đến nay chúng ta chưa định hình được chính sách, cơ chế mở để TP.HCM có thể thoát khỏi cấu trúc thông thường.
Sài Gòn - TP.HCM vẫn mặc đồng phục với tất cả các địa phương khác, trong khi phẩm chất, năng lực của thành phố là khác biệt.
TP.HCM từng là hòn ngọc Viễn Đông nhưng chưa thể tỏa sáng mà đang bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh với nhiều thành phố trong khu vực như Singapore, Bangkok... Ở trong nước, TP.HCM tuy dẫn đầu nhưng đang tụt lại vì đi chậm hơn các tỉnh khác.
Thể chế lạc hậu đã làm cho TP.HCM không tỏa sáng, không phát huy được lợi thế. Để phát huy tối đa lợi thế TP.HCM, không nên tư duy thành phố tốt hơn các địa phương khác thì không cần ưu tiên, ưu đãi, như vậy rất cục bộ.
Vai trò của TP.HCM trong tăng trưởng, phát triển quốc gia rất lớn, thành phố đang đóng góp 22-23% GDP, 26% tổng thu ngân sách cả nước. Nên đầu tư cho TP.HCM là tạo động lực cho nền kinh tế, có lợi cho cái chung nên cần thoát khỏi tư duy cục bộ, địa phương.
3. Muốn phát triển, định hình thương hiệu TP.HCM ở tầm quốc tế phải vượt qua cái cũ để đưa cái mới vào. Năm 2017, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Cơ chế này là cơ hội để thành phố bứt phá nhưng lại vướng vào câu chuyện đất đai Thủ Thiêm.
Hai đời thủ tướng gần đây đã định hướng dồn nguồn lực cho phát triển TP.HCM, chẳng hạn tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách trung ương cho TP.HCM hằng năm từ 18% lên 23%. Chính phủ cũng nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền cho TP.HCM, vì thế thành phố đang có cơ hội bứt phá.
Điều quan trọng hiện nay là phải thay đổi cách tiếp cận trong phát triển TP.HCM. Đề án phát triển TP.HCM phải là đề án của trung ương. Thay đổi cách tiếp cận sẽ không vướng những định kiến tại sao TP.HCM khá thế mà phải xin, phải cho.
Cần đặt vấn đề tạo cơ hội cho TP.HCM thành mẫu hình phát triển thì cả nước sẽ phát triển. Trung ương đã giao TP.HCM xây dựng TP Thủ Đức theo mô hình thành phố trong thành phố. Đây là một cơ hội lớn, TP.HCM cần tập trung trí tuệ để học và vượt lên những mô hình có trước.
Theo tôi, nên tạo điều kiện cho Thủ Đức phát triển thành thành phố tự do phát triển khoa học công nghệ, mở biên với thế giới tự do, trở thành khu thương mại tự do. Từ đó định hình khung thể chế phát triển riêng cho Thủ Đức, đi sau mà không có cơ chế vượt lên sẽ mãi đi theo.
Thủ Đức là phạm vi hẹp, xa hơn nên định hướng phát triển TP.HCM thành một khu kinh tế tự do và tạo lập thể chế hỗ trợ tứ giác phát triển công nghiệp TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu vì 4 tỉnh, thành phố này đang hội tụ đủ yếu tố đột phá hạ tầng, có sân bay quốc tế Long Thành, trung tâm cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Lịch sử đã chứng minh mỗi lần "mở cửa" là một lần đất nước "bay lên". Năm 1987 chúng ta mở cửa thu hút đầu tư gắn với cơ chế tỉ giá hối đoái theo thị trường nền kinh tế đã khởi sắc; năm 2001 ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã tạo ra sự nhảy vọt về thương mại;
Đến năm 2007 tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng tạo ra chuyển đổi mạnh mẽ về thương mại; và các hiệp định thương mại thế hệ mới EVFTA, CPTPP mà Việt Nam vừa ký kết đã thu hút nhiều "đại bàng" FDI tới Việt Nam "làm tổ".
Đất nước luôn cần những thể chế vượt trội để đua tranh với thế giới, thể chế vượt trội cho những thành phố tiên phong bứt phá là trách nhiệm của trung ương chứ không riêng địa phương nào.
TTO - TP.HCM cũng có thể tận dụng vị thế trung tâm khu vực Đông Nam Á để trở thành nơi hội tụ những ý tưởng hàng đầu, từ đó xây dựng chiến lược phát triển dựa vào thương hiệu "think-city" và các yếu tố quyền lực mềm tự kiến tạo.
Xem thêm: mth.15480932141701202-neirt-tahp-ut-ioh-od-ut-ohp-hnaht-et-couq-mat-gnan-mch-pt-ek-neih/nv.ertiout