Vietnam Airlines giãn nợ quốc tế được 105 triệu đô la để tái cấu trúc tài chính
Lan Nhi
(KTSG Online) - Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines ngoài việc trông đợi được hỗ trợ các khoản giải ngân từ Chính phủ thì vẫn phải tích cực đàm phán với các chủ nợ để giãn nợ, nhất là các khoản nợ quốc tế. Tính đến nay Vietnam Airlines đã giãn nợ quốc tế được 105 triệu đô la Mỹ.
Doanh thu từ vận tải hàng hóa năm 2020và 2021 đang cứu một phần tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn của Vietnam Airlines. Ảnh: VNA |
Phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông 2021 để thông qua các kế hoạch tăng vốn điều lệ, kế hoạch sản xuất-kinh doanh… cho phù hợp với tình hình thực tế, ông Dương Thanh Hiền - Trưởng ban tài chính- kế toán của Vietnam Airlines, cho biết: “Năm 2020, hãng đã giãn nợ được khoản vay đến hạn 65 triệu đô la đối với các tổ chức tín dụng cho vay xuất khẩu và năm 2021 sẽ giãn được 40 triệu đô la nữa. Việc giãn nợ được chấp nhận và cam kết thanh toán đảm bảo cho uy tín của Vietnam Airlines, an toàn nợ công của Chính phủ vì đây là các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh”.
Năm 2020, Vietnam Airlines âm lợi nhuận sau thuế hợp nhất 11.178 tỉ đồng và dự kiến năm nay lỗ tiếp 14.526 tỉ đồng trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh ngày càng làm tê liệt toàn bộ ngành hàng không trong nước và các đường bay quốc tế với mức độ mạnh hơn năm ngoái.
Tuy nhiên, vấn đề lỗ do dịch bệnh không thể lớn bằng chuyện các khoản vay đến hạn phải trả không được cơ cấu, giãn hoãn vì số tiền này thực ra rất lớn. Cụ thể, trong báo cáo tài chính 2020 của doanh nghiệp, hãng đã giãn hoãn nợ được tổng cộng 5.958 tỉ đồng, trong đó 871 tỉ đồng là nợ trung và dài hạn. Ngoài ra, giãn riêng khoản vay bảo lãnh Chính phủ để đầu tư đội tàu với US- Eximbank được 24 triệu đô la, ghi giãn hoãn các khoản vay khác của các tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu (ECAs) với số tiền còn lại trong tổng mức 65 triệu đô la để có thêm 5.120 tỉ đồng dòng tiền nhằm bù đắp thâm hụt cho năm tài chính 2020.
Sở dĩ nói việc giãn được các khoản trả nợ vay nước ngoài có tác động rất lớn đến “sức khỏe” của Vietnam Airlines vì vay tín dụng xuất khẩu thì chi phí bảo lãnh của các hợp đồng cho thuê tài chính phải được thanh toán khi giải ngân tiền vay, trả trước và phân bổ theo từng năm. Nói khác đi là máy bay chưa đưa vào khai thác nhưng hàng năm, hãng phải trả hàng trăm tỉ đồng riêng cho khoản này. Ví dụ, ước tính năm 2016, chi phí này là 267 tỉ đồng, sang năm 2017 là 334 tỉ và đến năm 2020 lên đến 515 tỉ đồng. Tính ra, chi phí bảo lãnh trả trước năm 2016 sẽ chiếm khoảng 33,7% lợi nhuận sau thuế của hãng, sang năm 2017 chiếm 22,08% là “ăn” quá nhiều vào lợi nhuận.
Cái khó của Vietnam Airlines cũng như toàn bộ các hãng hàng không khác năm nay là năng lực sản xuất ở mức rất thấp, nói khác đi là ngoài chuyên chở hàng hóa thì vận tải hành khách chỉ là “bay cho có”. Từ mức 500-550 chuyến bay/ngày ở thời điểm bình thường, nay chỉ còn 40 chuyến/ngày. Thị trường trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi nên tình hình tài chính của Vietnam Airlines tiếp tục gặp nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ ở mức cao, dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt.
Do đó, ngoài 4.000 tỉ đồng được Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và đang giải ngân, hãng hy vọng trong quí 3 năm nay sẽ nhận được 8.000 tỉ đồng vốn điều lệ phát hành thêm, bán cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để cân bằng một phần tài chính, tránh âm vốn chủ sở hữu và trả các khoản nợ vay quá hạn của các công ty cho thuê máy bay…
”Chúng tôi vẫn tiếp tục tính toán các đợt phát hành tăng vốn bán cho cổ đông hiện hữu và cổ đông nhỏ lẻ để phục hồi dần Vietnam Ailines”, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines, nói.
Mời xem thêm: