Tiểu thương tại một khu chợ ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti, gần 1 tuần sau vụ ám sát tổng thống - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, gần như tất cả các trạm xăng ở thủ đô Port-au-Prince đã đóng cửa. Bên ngoài những trạm còn mở thì người dân xếp hàng dài chờ tới lượt.
Người dân đổ lỗi cho các băng nhóm tội phạm kiểm soát các tuyến đường cung cấp hàng hóa chính và sự lũng đoạn của những người buôn nhiên liệu ở chợ đen.
Người dân xếp hàng dài bên ngoài một số ít các trạm xăng còn mở cửa - Ảnh: REUTERS
Một số người biểu tình đặt lốp xe bốc cháy ngay giữa những con đường đông đúc của thành phố.
Tổng thống Jovenel Moise đã bị ám sát tại nhà riêng vào rạng sáng ngày 7-7, bởi một đơn vị sát thủ, bao gồm 26 người Colombia và 2 người Mỹ gốc Haiti.
Vụ giết người diễn ra trong bối cảnh bạo lực băng đảng gia tăng trong những tháng gần đây, khiến hàng ngàn người phải di dời và ảnh hưởng hoạt động kinh tế ở quốc gia gần như nghèo nhất châu Mỹ.
Ông Eugene France (63 tuổi), cho biết ông đang chật vật bán giày và lo sợ bạo lực sẽ tiếp tục nổ ra.
"Không ai an toàn, ngay cả cảnh sát. Tôi sợ hãi khi các băng nhóm tiếp tục giết người và tôi không thể bán bất cứ thứ gì", ông Eugene nói.
Người dân đặt hoa tưởng niệm Tổng thống Moise bên ngoài cung điện quốc gia ở thủ đô Port-au-Prince - Ảnh: REUTERS
Bên ngoài cung điện quốc gia ở thủ đô, một đám đông nhỏ tập trung tại đài tưởng niệm tạm thời, cắm hoa và đặt nến trước bức ảnh lớn của Tổng thống Moise.
"Ông ấy đã chết khi cố gắng tái kiến thiết Haiti. Tôi muốn bạn biết rằng ý tưởng của ông sẽ không chết theo ông ấy", anh Damy Makenson, nhân viên văn phòng 30 tuổi, nói khi đặt hoa tưởng niệm.
Anh Damy cũng so sánh ông Moise với Jean-Jacques Dessalines, người sáng lập Haiti và là nhà lãnh đạo quân sự giúp chấm dứt chế độ thuộc địa Pháp cai trị vào đầu những năm 1800.
Chính phủ Haiti cũng đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, với việc nhiều quan chức đòi quyền lãnh đạo chính phủ.
Ngày 14-7, ông Antonio Rodrigue, đại sứ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) của Haiti đã kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Theo đó, thách thức mà quốc gia này đang phải đối mặt là tổ chức bầu cử dân chủ và đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội của người dân.
Kinh tế khó khăn khiến người dân Haiti chật vật trong cuộc sống hàng ngày - Ảnh: REUTERS
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield cho biết phái đoàn Mỹ tại Haiti đã kêu gọi đối thoại, nhằm tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội tự do và công bằng.
Mỹ vẫn đang xem xét yêu cầu hỗ trợ của Haiti và trọng tâm của họ là giúp chính phủ nước này trong "cuộc điều tra về vụ ám sát Tổng thống Moise", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.
Cùng ngày 14-7, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power nói đang xem xét viện trợ cho Haiti, hướng tới vạch ra lộ trình cho bầu cử càng sớm càng tốt.
TTO - Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát, khoảng trống quyền lực bị xâu xé, nguy cơ Haiti rơi vào tình trạng vô chính phủ với bạo lực bủa vây đang ở rất gần.
Xem thêm: mth.29874226051701202-gnoht-gnot-tas-ma-uv-uas-itiah-iat-gnor-nal-no-tab-av-hnit-ueib/nv.ertiout