Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vào đầu năm 2020, nhiều người đã tự hỏi, khi nào thế giới sẽ trở lại "bình thường". Nhưng liệu mọi thứ có bao giờ quay trở lại như trước đây hay không thì vẫn chưa rõ. Theo Economist, xu hướng làm việc từ xa có thể tiếp tục được duy trì, và việc đi xem phim, có thể sẽ không bao giờ phổ biến như trước đây nữa.
The Economist đã xây dựng một "chỉ số bình thường" để theo dõi sự thay đổi hành vi của người dân toàn cầu. Chỉ số này bao gồm tám chỉ tiêu nhỏ, được chia thành ba lĩnh vực.
Nhóm thứ nhất là giao thông và đi lại: được tính toán bằng tình hình giao thông công cộng ở các thành phố lớn; số lượng đợt tắc nghẽn giao thông trong cùng các thành phố đó; và số lượng các chuyến bay quốc tế và nội địa.
Nhóm thứ hai là giải trí: đo bằng lượng thời gian mọi người không ở nhà; doanh thu phòng vé của rạp chiếu phim (một thước đo đại diện cho lượng khán giả đến rạp); và lượng người tham dự các sự kiện thể thao chuyên nghiệp.
Nhóm thứ ba là bán lẻ và việc làm: đo bằng số lần đặt chân vào các cửa hàng; và tỷ lệ lấp đầy các văn phòng ở các thành phố lớn.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất, Việt Nam hiện đang đứng thứ 47 trong bảng xếp hạng này với 49,8 điểm. Trong hai tuần vừa qua, điểm số của Việt Nam đã giảm 1,3 điểm do đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19.
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng bị giảm 1,1 điểm, Indonesia giảm tới 8,7 điểm. Tình hình khả quan hơn ở Philippines khi điểm số của quốc gia này tăng 1,7 điểm. Singapore đang dẫn đầu quá trình trở lại bình thường ở Đông Nam Á khi được đánh giá tăng 11 điểm.
Bảng chỉ số của The Economist bao gồm 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 90% GDP toàn cầu và 76% dân số thế giới. Mức độ tương đương trước đại dịch được đặt là 100 để dễ so sánh. Dữ liệu được cập nhật mới mỗi tuần. Chỉ số bình thường trung bình trên toàn cầu giảm mạnh bắt đầu từ tháng 3/2020, do nhiều quốc gia và khu vực áp đặt các hạn chế đối với công dân của họ để phòng dịch.
Thái Quỳnh
Nhịp sống kinh tế