Trào lưu sống FIRE (Financial Independence, Retire Early), hay còn được gọi là nghỉ hưu non đang khá thịnh hành ở nhiều quốc gia châu Á, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều người lại nhầm lẫn cuộc sống nghỉ hưu non này với những thế hệ "chuột túi" (Kangaroo), ám chỉ những người trưởng thành nhưng vẫn ăn bám bố mẹ.
Những hiểu lầm về FIRE
Để được tự do về tài chính, những người muốn nghỉ hưu non thường dùng công thức 4%, tức là lấy chi tiêu hàng năm nhân với 25 (100%/4%) để ra số tiền cần có trước khi bỏ việc.
Tại Phương Tây, một gia đình tối thiểu tiêu hết 50.000 USD/năm thì họ cần khoảng 50.000*25=1.250.000 USD để có thể đi đến quyết định bỏ việc. Tuy nhiên con số này vẫn biến động do mức 4% chỉ áp dụng trên nghiên cứu 30 năm và chưa tính đến lạm phát.
Đừng nhầm lẫn giữa cuộc sống hưởng thụ lười biếng với FIRE
Dẫu vậy tại nhiều nước châu Á, khá nhiều bạn trẻ lại nhầm lẫn giữa việc nghỉ hưu sớm với ăn bám bố mẹ hoặc có nhiều thời gian rảnh đi làm thêm. Có những trường hợp tự xưng tiết kiệm được 100 triệu đồng đã nghỉ hưu non. Nếu tính theo quy tắc 4% thì cá nhận này chỉ tiêu 4 triệu đồng mỗi năm và khoảng 10.000 đồng/ngày.
Rõ ràng mức chi phí trên là phi thực tế và có phần hiểu sai lối sống FIRE trên thế giới. Mặc dù trào lưu nghỉ hưu non khuyến khích mọi người tiết kiệm nhưng cũng đồng thời đề nghị các cá nhân tìm cách tăng thu nhập của bản thân. Việc có thu nhập thấp cũng có thể nghỉ hưu non nhưng sẽ rất chậm và cực kỳ khó để chi tiêu tiết kiệm.
Tại các nước Phương Tây và mới đây là nhiều nền kinh tế mới nổi ở Châu Á, những người sống theo FIRE chủ yếu trả hết nợ và cắt giảm các chi tiêu không cần thiết nhưng vẫn duy trì chi phí sinh hoạt tối thiểu. Hơn ai hết, họ hiểu rằng việc tiết kiệm quá mức gây ảnh hưởng đến sức khoẻ hay công việc, qua đó làm giảm thu nhập chỉ khiến kế hoạch tự do tài chính khó đạt được hơn.
Ngoài ra, rất nhiều bạn trẻ ngộ nhận việc ăn bám bố mẹ, dựa vào nhà ở có sẵn hay không tính các chi phí sinh hoạt chung nhờ gia đình để đạt được FIRE cũng là một sai lầm. Như đã nói ở trên, FIRE là lối sống độc lập về tài chính, sống tiết kiệm và gia tăng thu nhập để nghỉ hưu sớm chứ không phải ăn bám, dựa dẫm vào điều kiện gia đình nhằm đạt được mục đích đó.
Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ hiện nay hiểu nhầm FIRE là lối sống chậm, giảm chi tiêu và cũng giảm lao động, sống hưởng thụ, tiết kiệm chút tiền để nghỉ hưu non và tiêu dè sau này. Lối sống này khác hoàn toàn với những bạn trẻ FIRE của nước ngoài khi họ cố gắng tăng thu nhập, lấy tiền đi đầu tư dù vẫn hạn chế chi tiêu những thứ không cần thiết.
Quan điểm FIRE của những thanh thiếu niên quốc tế là dù nghỉ hưu non nhưng vẫn tích cực làm việc, đóng góp cho xã hội. Họ đạt được tự do tài chính là nhờ kết hợp tiết kiệm lẫn đầu tư, làm giàu cho bản thân chứ không gò ép quá mức nhu cầu cá nhân để rồi gặp rắc rối về sức khoẻ hay lâm vào tình trạng lười biếng.
Một hiểu nhầm tai hại nữa về FIRE là nhiều bạn trẻ tích luỹ được một số tiền nhỏ để rồi bỏ việc, đi làm thêm những thứ mình thích, lựa chọn các công việc bán thời gian để có thu nhập phụ. Đây không phải cuộc sống của một FIRE bởi những người tự do về tài chính họ đi làm vì đam mê, nghĩa là bỏ việc hoàn toàn, cắt đứt thu nhập và lao động chỉ vì đóng góp cho xã hội lẫn bản thân.
Những FIRE chân chính không dùng các công việc bán thời gian như một nguồn thu, họ có thể bỏ việc bất cứ lúc nào và sống thoải mái nhờ số tiền tiết kiệm đem đi đầu tư. Nói cách khác, FIRE là việc tiết kiệm tiền để đầu tư, chuyển từ thu nhập chủ động sang bị động và giải phóng thời gian cho bản thân. Nếu bạn vẫn phải dựa vào các công việc bán thời gian để sống thì đó chưa phải là FIRE.
Thế hệ ăn bám
Việc hiểu nhầm lối sống FIRE khiến rất nhiều bạn trẻ gò ép chi tiêu cá nhân, sống hưởng thụ để rồi khi bước qua tuổi trung niên, họ không thể chịu đựng được cuộc sống vất vả đó nữa và đi làm trở lại. Rất nhiều trường hợp sống ích kỷ, đi làm bán thời gian hưởng thụ để rồi khi hết tiền tiết kiệm hoặc phát sinh những chi phí lớn như cưới xin, bệnh tật, họ lại quay lại đời làm công ăn lương.
Sự nhầm lẫn này cũng bị chỉ trích là vô trách nhiệm khi thay vì tăng cường lao động góp ích cho xã hội, làm giàu cho bản thân thì lại đi gò ép bản thân để sống đời lười biếng, hưởng thụ. Xin được nhắc rằng tiêu dùng cá nhân đóng góp khá lớn cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, việc làm ở góc độ vĩ mô.
Nguy hiểm hơn, việc hiểu sai về FIRE khi hưởng thụ quá sớm dù chưa đạt tự do hoàn toàn về tài chính sẽ tạo nên cả một thế hệ "chuột túi", những người ăn bám bố mẹ ở tuổi trung niên. Thuật ngữ này xuất phát từ Hàn Quốc khi hơn 50% số người trong độ tuổi trung niên vẫn sống với bố mẹ.
"Thế hệ chuột túi đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và khiến mọi người có cái nhìn tiêu cực về xã hội Hàn Quốc", Chuyên gia nghiên cứu Oh Ho Young của Viện KRIVET nhận định.
Đồng quan điểm, Chuyên gia nghiên cứu Kim Ji Gyeong của Viện chính sách cho giới trẻ quốc gia Hàn Quốc (NYPI) nhận định thế hệ chuột túi đang tạo nên hàng loạt những hệ lụy cho xã hội như kết hôn muộn, tỷ lệ sinh thấp và hàng loạt các rắc rối khác.
Liệu một người không có công ăn việc làm ổn định, chỉ có chút tiền tiết kiệm và suốt ngày rảnh rỗi có thể nuôi được gia đình, cha mẹ vợ con hay không? Một FIRE chân chính có tự do về tài chính sẽ phải tính toán kỹ lưỡng thay vì trở thành gánh nặng cho người khác như vậy.
Bên cạnh đó, các cuộc khảo sát cũng cho thấy 75,1% số người già trên 60 tuổi tại Hàn Quốc không muốn sống cùng con cái để giảm gánh nặng cho chúng. Thế nhưng trên thực tế ngày càng nhiều thanh thiếu niên và cả người trung tuổi Hàn ăn bám vào cha mẹ mình.
Nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ người già trên 65 tuổi lâm vào cảnh nghèo đói tại Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất trong các thành viên của nhóm này.
Rõ ràng, việc nhầm lẫn về FIRE và không đạt được tự do tài chính hoàn toàn sẽ khiến nhiều bạn trẻ trở thành gánh nặng cho người thân khi họ đến tuổi trung niên. Lối sống không chịu xây dựng sự nghiệp mà chỉ nghĩ đến nghỉ hưu sớm là một tư tưởng hoàn toàn không đúng với những gì trào lưu FIRE hướng đến.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị