Nếu mỗi người không tự thu xếp, vẫn ra đường để giải quyết nhu cầu chưa thiết yếu, chắc chắn sẽ thêm vất vả cho lực lượng chống dịch và áp lực lên đội ngũ y tế - Ảnh minh hoạ: BÔNG MAI
Đã là "thời chiến" thì khó khăn lắm. Trong khi lực lượng tuyến đầu đã chiến đấu gần như kiệt sức...
Đội ngũ y tế đã bỏ tất cả ở lại phía sau, gia đình và người thân, để trực chiến trong bệnh viện và chưa biết lúc nào được trở về nhà. Sự vất vả của các y bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện dã chiến ai cũng biết, ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc.
Đã sang năm thứ hai chống COVID-19, dù đã có kinh nghiệm ở những lần chiến đấu trước nhưng chưa bao giờ đội ngũ y tế lại chịu áp lực cam go, dữ dội như lần này khi hằng ngày phải đối diện với số lượng bệnh nhân khổng lồ và tăng nhanh như vậy.
Đã là "thời chiến" thì khó khăn lắm. Người lao động đến nơi làm việc phải qua nhiều chốt kiểm soát với giấy tờ đầy đủ. Người nội trợ đi siêu thị phải xếp hàng dài chờ tới lượt hoặc phải mua đồ theo giờ hẹn lúc đêm khuya. Vào được siêu thị có khi lại không tìm thấy món hàng mình đang cần. Nhiều sở thích cá nhân khác đành gác lại. Cuộc sống bình thường của người dân ít nhiều bị xáo trộn.
Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng mọi người đều hiểu rằng những khó khăn thường nhật của chúng ta không là gì so với sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm lao lực. Nhu cầu thiết yếu của mỗi người đa dạng lắm, nhưng có khi thiết yếu với cá nhân lại chưa thiết yếu với xã hội.
Nếu mỗi người không tự thu xếp, vẫn ra đường để giải quyết nhu cầu chưa thiết yếu, chắc chắn sẽ thêm vất vả cho lực lượng chống dịch và áp lực lên đội ngũ y tế.
Đây là lúc các nhân viên y tế cần hơn bao giờ hết sự ủng hộ về tinh thần của cộng đồng. Hãy dành cho họ tình cảm yêu thương, tôn trọng. Hãy tiếp thêm sức mạnh để họ có thể đứng vững nơi tuyến đầu chống dịch bằng cách hạn chế tối đa đi lại. Hãy hành động để ngăn đà lây lan của dịch bệnh.
Mong người dân mỗi chúng ta hy sinh một chút, sắp xếp lại cuộc sống của mình và gia đình cho phù hợp với "thời chiến", ăn "khổ" hơn chút, tập thể dục trong nhà thay vì ra công viên, làm việc trực tuyến thay vì đến cơ quan, hạn chế tối đa việc đi lại để tránh lây lan dịch bệnh... Nếu không, cuộc chiến sẽ kéo dài thêm và khó khăn hơn.
Khi nhiều hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị hạn chế, thậm chí phải dừng lại, để chống dịch, khó tránh khỏi thiếu hụt như ngày thường. Dù chính quyền, các đơn vị cung ứng có xoay cỡ nào cũng không thể đem lại sự hài lòng, thuận lợi cho hàng triệu người.
Chúng ta không thể sống trong cảnh này mãi. Mỗi người hy sinh một chút mới có thể giúp đội ngũ y tế sớm đưa xã hội thoát ra khỏi cảnh giãn cách này, không để phải áp dụng những biện pháp mạnh hơn.
"Ở nhà còn quý hơn ở bệnh viện, đeo khẩu trang tốt hơn là đeo máy thở" - lời khuyến cáo này trong mùa dịch năm trước lại càng đúng hơn với biến thể Delta. Trước khi cần giải quyết một nhu cầu thiết yếu, phải ra đường, hãy nghĩ đến sự an toàn cho mình, cho cộng đồng và đội ngũ y tế.
TTO - Sáng nay 15-7, Bộ Y tế cho biết có thêm 805 ca mắc COVID-19 mới, riêng TP.HCM 603 ca. Hôm qua 14-7, lô vắc xin Pfizer thứ 2 đã về Việt Nam.
Xem thêm: mth.84372547051701202-91-divoc-neihc-ioht-gnos-couc/nv.ertiout