Cần sống bớt... bình thường trong những ngày bất thường
Trương Trọng Hiểu (*)
(KTSG) - Khi bài viết này đến tay các bạn thì cũng là lúc TPHCM đã vượt qua nửa chặng đường giãn cách xã hội toàn thành phố. Đây là lần thứ hai người dân TPHCM phải sống cuộc sống giãn cách ở cấp độ cao nhất. Chỉ khác là, so với lần đầu áp dụng vào năm ngoái, chính quyền thành phố đã phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều trước khi buộc phải đưa ra quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần này.
TPHCM những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: N.K |
Câu chuyện Nhật Bản
Số lượng ca nhiễm virus Sars-CoV-2 tăng theo cấp số nhân ở TPHCM hiện thời khiến tôi nhớ lại những lần đỉnh dịch bị phá vỡ ở Nhật Bản, cũng tầm những ngày, tháng này năm ngoái.
Để ngăn chặn mức độ lan rộng của dịch, sau nhiều lần đắn đo giữa mục tiêu dập dịch và yêu cầu bảo toàn các hoạt động kinh doanh lẫn quyền tự do của cư dân, Chính phủ Nhật Bản quyết định ban bố rồi duy trì tình trạng khẩn cấp trong một khoảng thời gian đủ dài. Khi đỉnh dịch qua đi, khu vực bị yêu cầu giãn cách và mức độ khuyến cáo giảm dần, nhưng lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp vẫn không vội vàng được thu hồi.
Có một đặc trưng pháp lý khá đặc biệt ở quốc gia này là mặc dù tình trạng khẩn cấp đã được ban bố, người dân vẫn có thể tự nhiên đi - về và thậm chí là tình trạng tập trung đông người ở một vài nơi vẫn tiếp tục xảy ra. Thực chất, tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản chỉ có thể được thực hiện theo những... khuyến cáo của chính quyền.
Sở dĩ như vậy là vì Nhật Bản có những vướng bận về mặt pháp lý được định hình từ lịch sử, mà cụ thể là xuất phát từ những lo lắng hình thành từ sau Thế chiến thứ hai. Chính đặc điểm thời cuộc lúc bấy giờ buộc thể chế Nhật Bản phải tạo ra những ràng buộc nhằm tôn trọng quyền tự do cá nhân của con người. Và cho dù tình trạng khẩn cấp được ban bố thì việc thực hiện nó ở Nhật Bản cũng chủ yếu thông qua các yêu cầu mang tính khuyến nghị. Điển hình là, việc trưng dụng tài sản của tư nhân rất chừng mực, và đều phải dựa theo quyết định của Tỉnh trưởng.
Chúng ta có thể tin rằng, không một quyết định nào được đưa ra lúc này là không vì mục đích để dập dịch và để giảm thiểu thiệt hại nhất về mặt lợi ích kinh tế cho dài hạn. Không một quyết định nào được đưa ra với mong muốn rằng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn. |
Nhưng dù vậy, những cuộc chống chọi với đại dịch như thế này sẽ phụ thuộc nhiều vào các quyết định chính trị hơn là pháp lý. Trong điều kiện bất thường của đại dịch, những điều bình thường có thể sẽ được bỏ qua. Theo nhận định của một chuyên gia lịch sử và pháp lý Nhật Bản, nếu muốn, Thủ tướng Abe Shinzo lúc bấy giờ vẫn có thể có trong tay công cụ pháp lý hữu hiệu, nếu ông có đủ động lực chính trị để đệ trình dự luật đặc biệt lên Quốc hội.
Thực tế, khi cơn đại hồng thủy xảy ra vào năm 2011, Nhật Bản ngay lúc đó đã ban hành lệnh di tản cách xa vị trí của các lò điện nguyên tử 20 ki lô mét bằng phương thức này. Chỉ có điều, với đại dịch Covid-19 hiện tại, Nhật bản đã lựa chọn tiếp tục duy trì những khuyến cáo về giãn cách xã hội với những kỳ vọng về sự hỗ trợ từ cộng đồng dựa trên những nền tảng về văn hóa, ý thức, và tính kỷ luật cao mà đa phần người dân Nhật vốn dĩ đã sẵn có.
Và bằng cách đó, cùng với việc triển khai chương trình tiêm vaccin trong khoảng thời gian gần đây, Nhật Bản đã từ từ vượt qua đại dịch, và thậm chí còn kỳ vọng là sẽ tổ chức thành công kỳ Thế vận hội sắp tới sau khi phải dời vì dịch từ năm ngoái.
Cần bớt sống... bình thường
Có thể đó là những áp đặt không... bình thường so với trước đây, nhưng rõ ràng trong hoàn cảnh bất thường như hiện tại, những yêu cầu về một cuộc sống bình thường cũng cần phải thay đổi, hoặc chí ít cũng phải giảm bớt.
Có một thực tế khác có thể nhận thấy là cho dù giãn cách theo chính sách khuyến cáo thì Nhật Bản cũng không phải vì thế mà lơ là. Trong suốt gần hai năm chống dịch, lệnh cấm đi máy bay vẫn được Nhật Bản áp dụng và thực hiện khá gắt gao đối với những người đi - đến từ vùng dịch.
Trở lại với quyết định nâng cấp mức độ giãn cách trên toàn TPHCM được áp dụng từ 0 giờ ngày 9-7-2021. Khác với Nhật Bản, đây không phải là lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp mà pháp luật Việt Nam đã quy định. Cũng khác với Nhật Bản, không cần lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, chúng ta vẫn buộc phải thực hiện yêu cầu về giãn cách dựa trên những đặc trưng về hệ thống chính trị-pháp lý riêng của mình.
Nhưng sẽ giống với Nhật Bản, lệnh yêu cầu giãn cách này rất cần sự đồng thuận tuân thủ của cộng đồng. Biện pháp hành chính có thể được sử dụng, nhưng đó là lựa chọn... cực chẳng đã. Quan trọng hơn hết là tinh thần tự giác, tự động của mỗi người để có thể chấp nhận bớt... bình thường trong những ngày tạm sống cùng với điều kiện không bình thường của đại dịch.
Sau khi có quyết định trưng dụng, lực lượng chấp pháp lẫn tình nguyện viên hỗ trợ chỉ có một, hai ngày đêm để chuẩn bị cho con số lên đến hàng trăm, hàng ngàn phòng, căn hộ tại các tòa nhà bỏ trống suốt mấy năm qua. Họ vì vậy rất cần sự cảm thông của bạn khi bước vào những khu cách ly đó nếu phòng ở còn bụi bặm, hay chỉ vì chưa kịp cung cấp một số nhu yếu phẩm khác.
Dự phòng, bạn đặt hàng siêu thị sớm nhưng vài ngày sau hàng có thể vẫn chưa đến nơi. Trong điều kiện bình thường, bạn có thể than phiền về chính sách chăm sóc khách hàng của hệ thống siêu thị. Nhưng với điều kiện ngăn cấm nhiều hoạt động mua - bán hiện tại, bạn có thể chấp nhận thực tế không bình thường đó nếu hiểu rằng hệ thống siêu thị khó tránh khỏi tình trạng quá tải.
Hàng hóa hỗ trợ người thân gửi về từ các nơi vài ngày qua vẫn còn nằm trong kho hàng của bên vận chuyển, bạn có thể cần chờ thêm ít thời gian nữa vì shipper mùa cao điểm không những không tăng mà còn sụt giảm rất nhiều.
Bạn thậm chí phải ăn mì gói dài ngày thay vì cơm ngon canh ngọt dù có thể trong điều kiện bình thường đó là món ăn chỉ nhìn cũng chẳng muốn. Tôi nhớ mình đã từng đọc được thông tin ở đâu đó rằng, người trẻ ăn mì gói trong vòng một tháng vẫn có thể kịp khôi phục sức khỏe và... vóc dáng nhanh chóng sau đó. Thông tin này có thể không đúng. Nhưng điều tôi muốn được chia sẻ là không ai bắt chúng ta phải chấp nhận điều đó nếu ở trong điều kiện bình thường.
Thay vì cần phải bước ra khỏi nhà để tản bộ, hít thở không khí thoáng đãng và chơi thể thao, bạn có thể chống đẩy tại phòng trong vòng mười bốn ngày khi chưa vội quên rằng chỉ có tình huống bất bình thường nhất thời mình mới buộc phải như vậy.
Nhiều khu cách ly, kiểm tra dịch tễ... có thể sẽ rất đông. Ngày hè tại TPHCM, trời sẽ càng thêm nóng. Áp lực công việc, đời sống và thời tiết, bạn có thể sẽ dễ cáu gắt với những lỗi nhỏ. Nếu nhớ rằng, chúng ta đang ở trong những ngày không bình thường, dễ để chúng ta bình tĩnh và bỏ qua. Nếu có bị... la sảng, cũng mong bạn để nó... bay đi vì có thể cuộc sống ràng buộc hiện thời khiến con người ta dễ căng thẳng hơn mọi ngày.
Là người dân, rất cần mọi người hiểu áp lực và gánh nặng của Nhà nước và lực lượng thừa hành. Là những người gánh vác trọng trách và nhiệm vụ nặng nề, cũng mong mọi người hiểu rằng với một số người, họ cần thêm thời gian để làm quen và bắt nhịp với điều kiện cuộc sống đặc thù này. Thông cảm và chia sẻ, là cách để chúng ta có thể có được cuộc sống bình thường mới trong hoàn cảnh bất thường hiện tại.
Có thể nhận thấy, quyết định áp dụng yêu cầu giãn cách xã hội lần này được chính quyền TPHCM lần lựa và cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là tình thế buộc chúng ta đứng trước lựa chọn ngăn cản bước nhảy của con virus và đặc biệt là cần phải bảo toàn hệ thống y tế để tránh nguy cơ vỡ trận như một vài nơi.
Quyết định đó có thể đúng, nhưng cũng có thể chưa phù hợp vì mọi quyết định hiện tại là dành cho tương lai nhưng lại dựa trên cơ sở dữ liệu và căn cứ có từ những ngày cũ vừa qua. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, không một quyết định nào được đưa ra lúc này là không vì mục đích để dập dịch và để giảm thiểu thiệt hại nhất về mặt lợi ích kinh tế cho dài hạn. Không một quyết định nào được đưa ra với mong muốn rằng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn.
Quyết định tham vấn chuyên gia dịch tễ để tìm phương án phòng chống dịch phù hợp của Bí thư Thành ủy TPHCM vào đúng một ngày sau khi áp dụng việc giãn cách xã hội toàn thành phố cũng có thể đặt thêm một bước hy vọng mới. Chắc rồi, những ngày sống bớt bình thường cũng sẽ qua mau.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).
Xem thêm: lmth.gnouht-tab-yagn-gnuhn-gnort-gnouht-hnib-tob-gnos-nac/592813/nv.semitnogiaseht.www