Hãng AFP đưa tin chính quyền quân sự Myanmar hôm 14-7 đã bác bỏ nghị quyết do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HĐNQ LHQ) đưa ra nhằm kêu gọi hòa giải với cộng đồng người thiểu số Rohingya.
Theo đó, chính quyền quân sự chỉ trích LHQ đưa ra "những cáo buộc phiến diện" khi cho rằng Myanmar đang đàn áp nhóm người Rohingya.
Trước đó, vào ngày 12-7, HĐNQ LHQ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi "đối thoại và hòa giải mang tính xây dựng và hòa bình, phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar, bao gồm cả cộng đồng người Hồi giáo Rohingya".
Phản hồi trước động thái trên, chính quyền quân sự Myamar cho rằng nghị quyết "dựa trên thông tin sai lệch và các cáo buộc từ một phía", thêm rằng người Rohingya "chưa bao giờ được công nhận là người dân của Myanmar".
Cộng đồng người Rohingya tại trại tị nạn Thet Kay Pyin ở bang Rakhine, Myanmar, ngày 5-6. Ảnh: AFP
Ở Myanmar, người Rohingya từ lâu được coi là những người nhập cư từ Bangladesh và đã bị từ chối quyền công dân cũng như các quyền được tiếp cận các dịch vụ dân sinh khác, theo AFP.
Hơn 700.000 người Rohingya hiện đang sống mòn mỏi trong các trại tị nạn ở Bangladesh sau cuộc tấn công quân sự chết người vào năm 2017 nhằm vào nơi ở của cộng đồng người Hồi giáo này ở bang Rakhine, Myanmar.
Thống tướng Min Aung Hlaing, Chủ tịch Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar, đã bác bỏ từ “Rohingya” và nói đây là "một thuật ngữ tưởng tượng".
Bên cạnh đó, nghị quyết của HĐNQ LHQ cũng lên tiếng "ủng hộ người dân Myanmar và nguyện vọng dân chủ của họ", đồng thời kêu gọi ngừng ngay lập tức các cuộc giao tranh cũng như các hành động thù địch giữa các bên.
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội nước này tiến hành cuộc chính biến vào ngày 1-2 và bắt giữ nhiều lãnh đạo của chính quyền dân cử, gây ra sự giận dữ trên toàn quốc, dẫn đến các cuộc biểu tình và giao tranh giữa người dân và chính quyền quân sự.
Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 900 người đã bị lực lượng quân đội Myanmar giết hại kể từ khi cuộc chính biến xảy ra vào ngày 1-2, AFP dẫn một nguồn tin địa phương cho hay.