Các đám cháy ở rừng Amazon tạo ra 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm - Ảnh: REUTERS
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature ngày 14-7, các nhà khoa học ước tính lượng carbon dixoxide thải ra từ rừng Amazon là 1 tỉ tấn 1 năm, tương đương với phát thải của cả Nhật Bản.
Phần lớn lượng khí thải này là từ các hoạt động đốt và khai hoang để lấy đất chăn nuôi bò và trồng đậu nành. Việc đốt phá tạo ra 1,5 tỉ tấn CO2 mỗi năm và rừng chỉ "xử lý" được 0,5 tỉ tấn.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận 'lá phổi' Amazon thải khí carbon nhiều hơn hấp thu.
Trong khi đó, tại khu vực đông nam Amazon, dù không bị đốt phá, nhưng nhiệt độ cao và khô hạn cũng khiến rừng thải ra nhiều CO2 hơn. Đây là điều khiến các nhà khoa học lo ngại. Nguyên nhân được cho là việc đốt, phá rừng nhiều năm qua đã làm rừng suy yếu.
Cây rừng tạo ra một lượng mưa lớn cho khu vực và ít cây hơn sẽ gây hạn hán, nắng nóng và tạo ra vòng lặp cây cối bị chết, cháy rừng.
"Chúng ta đang có một vòng lặp rất tiêu cực khiến rừng dễ bị tổn hại từ những đám cháy không kiểm soát" - tờ Guardian dẫn lời nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu là Luciana Gatti, thuộc Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil, nhận định.
Nghiên cứu dựa trên gần 600 dữ liệu do đạc bằng máy bay nhỏ bay trên các khu vực ở Amazon trong 1 thập kỷ qua để ghi nhận sự thay đổi của cánh rừng.
"Tin xấu thứ nhất là việc đốt rừng thải ra gấp 3 lần lượng CO2 mà rừng có thể hấp thu. Tin xấu thứ 2 là những nơi có tỉ lệ phá rừng trên 30%, sự phát thải carbon cao gấp 10 lần những khu vực rừng bị phá dưới 20%" - bà Gatti nói.
Các nhà khoa học cảnh báo việc Amazon dần mất đi khả năng hấp thu CO2 một lần nữa cho thấy sự cấp bách phải cắt giảm khí thải. Cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu lượng khí thải thế giới suốt nhiều thập kỷ qua.
Trước đó cũng đã có một số nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil cho rằng trong 1 thập kỷ qua, rừng Amazon thải ra nhiều hơn 20% khí thải mà nó hấp thu.
"Đây là một nghiên cứu thật sự ấn tượng" - giáo sư Simon Lewis, từ Đại học London (Anh), nói, cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng về việc phá rừng và biến đổi khí hậu khiến các cánh rừng tăng giải phóng carbon.
"Điều này thật tệ. Việc nguồn hấp thu carbon năng suất nhất trên hành tinh chuyển từ hấp thu sang nguồn phát thải có nghĩa là chúng ta phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sớm hơn chúng ta tưởng" - giáo sư Scott Denning, Đại học Bang Colorado (Mỹ), đánh giá.
Trong ba tháng đầu năm, tổng diện tích rừng Amazon bị chặt phá là 796km2, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2019.