Quán ăn ngừng bán mang về, người trẻ bắt đầu vào bếp nhiều hơn
TP.HCM ban hành chỉ thị 16 tăng cường phòng chống dịch bệnh. Dịch vụ ăn uống mang về bị ngừng khiến nhiều người, nhất là bạn trẻ ở trọ, "khóc không thành tiếng". Bởi họ chẳng quen nấu nướng do không có thời gian hoặc nhà trọ không cho nấu bếp. Và chị Linh là một trong số đó.
"Dịch căng thẳng, khó khăn thế này, những người lao động bị giảm thu nhập như chúng tôi lo lắng nhất là có tiền để mua đồ về nấu hay không, chứ không phải là nấu ngon hay dở.
Anh Trần Văn Bảo
"Cuộc chiến" trong bếp
"Tôi phải chuẩn bị sớm để lúc nấu trừ hao thời gian làm chậm, quên cái này thiếu cái kia, chưa tính thời gian lên mạng coi cách nấu" - chị Nguyễn Ái Linh (ngụ Q.Bình Thạnh) cười nói.
Trước giờ, Linh ít khi vào bếp, cả ngày làm việc bên ngoài và hay đi công tác khiến cô xa chuyện bếp núc.
"Tôi ở một mình, lại đi làm từ 8h sáng tới 6h chiều rất mệt, ăn uống thất thường, nên ăn ở ngoài cho nhanh, thèm gì chạy tới quán ăn rồi về. Tôi chỉ biết nấu xoay đi xoay lại vài món ăn tạm. Bình thường ăn không bao nhiêu mà đi chợ, nấu lên xong ăn được một chút rồi dọn dẹp mất thời gian" - chị Linh kể.
Và rồi mấy hôm nay, "ác mộng" đến với Linh khi hàng quán không bán mang về. Bếp ở phòng trọ của Linh không rộng rãi, lâu nay không nấu nên chỉ để bếp gas mini, nồi cơm điện với cái chảo nhỏ và vài tô chén.
Do ít nấu, nên khi phải vào bếp chị Linh làm cá áp chảo bị khét, canh thì quá mặn. Chị kể người bạn mình cũng có một khởi đầu cười mếu khi làm cá ba sa áp chảo thành... cá khét chảo do không biết canh lửa thế nào. "
Có bữa trong tủ lạnh còn gì, tôi cho hết vào nấu ăn cho qua bữa, hợp hay không thì tính sau. Mà cũng chẳng biết gọi nó là món gì" - chị cười kể.
Ở quê nhà, biết con gái không quen nấu nướng, mẹ chị Linh hỏi con thèm món gì và đang chuẩn bị gửi lên thành phố "tiếp tế" cho con một thùng xốp to. Trong đó đựng đồ tươi, đông lạnh như thịt heo, gà, cá, ếch, chả giò, một ít đồ hộp để con "sống sót" qua mùa giãn cách.
Thức ăn được rửa sạch, ướp sẵn, chị Linh chỉ việc bỏ tủ lạnh ngăn đông rồi đến bữa lấy ra làm chín. Ấy vậy mà Linh vẫn tâm sự mỗi lần nấu ăn với cô là một "cuộc chiến" trong bếp.
"Sáng thì tôi ra cửa hàng tiện lợi gần nhà mua bánh trái, mì trộn ăn tạm. Trưa với chiều mới đau đầu. Các món tôi thèm thì không biết nấu, cũng không đủ dụng cụ để làm. Tôi chỉ làm được vài món đơn giản như trứng chiên thịt băm, rau muống xào tỏi, canh cà chua trứng..." - cô gái 23 tuổi cho biết thêm mấy ngày nay vào bếp, có khi một món mà phải gọi hỏi mẹ 2-3 lần, hay chạy tới chạy lui ra cửa hàng gần nhà vì quên gia vị, nguyên liệu, thiếu đồ nấu...
"Hôm qua thèm canh chua, tôi phải gọi về "cầu cứu" mẹ hai lần vì khó nấu quá, nhất là nêm nếm, rồi khi nấu cho cái nào vào trước, cái nào sau, cắt thịt cá làm sao cho đúng.
Trên mạng không thiếu cách hướng dẫn nhưng rối quá, tôi lại muốn nấu theo kiểu của mẹ nên gọi hỏi cho xong" - Linh nói và cho hay một số món đơn giản hơn chị lên mạng xem chỗ nào hướng dẫn dễ hiểu, dễ làm thì thực hiện.
Món chả giò chiên bị khét của bạn trẻ chưa quen nấu ăn
Phải thích ứng để tồn tại
Gọi điện thoại "cầu cứu" mẹ cũng là cách travel blogger Lê Hà Trúc đang làm. "Năm ngoái giãn cách, tôi còn xen kẽ ngày nấu, ngày đặt đồ ăn về. Còn đợt này phải tự thích ứng rồi" - Hà Trúc nói.
Hà Trúc cho biết cô mở mắt ra là nghĩ trưa ăn gì, tối ăn gì... "Tôi nấu lâu lắm, 1-2 tiếng mới xong dù không phải món quá khó, nên vừa ăn trưa xong đã phải nghĩ ra món chiều để nấu kịp ăn.
Hôm qua làm món cơm rang kim chi, ghi công thức ra giấy thì có 4 gạch đầu dòng thôi mà nấu một tiếng rưỡi mới xong. Nêm gia vị cũng không dạn tay, cứ một thứ một xíu hoài như vậy" - cô gái 25 tuổi kể.
Các đợt dịch trước, người yêu của cô lo nấu ăn, Trúc chỉ việc rửa chén. Song đợt này, cô nàng phải nấu cả ngày để thích ứng. Trước đây, việc nấu ăn qua đôi mắt của Hà Trúc khá đơn giản, nhưng mấy hôm nay khi trực tiếp đứng bếp, cô mới nhận ra chỉ cần làm xê dịch một chút thì món ăn đã mất ngon.
"Bởi vậy giờ nấu là tôi phải tập trung, tính toán, định lượng nêm ra sao cho hợp lý chứ không phải muốn làm sao thì làm. Sau đợt này tôi mới thấy khâm phục những bà mẹ vì họ vừa đi làm, vừa nấu ăn ngon mà nhanh gọn, trong khi tôi một ngày mất tới 4 tiếng để nấu hai buổi" - Trúc nói.
Tuy nhiên, Linh và Hà Trúc vẫn may mắn có góc bếp để nấu. Nhiều người lâu nay chỉ ăn cơm ngoài, vì phòng trọ không có bếp, đã gặp khó khăn thật sự.
"Buổi trưa trước đêm thực hiện chỉ thị 16, tôi mới nghe tin cấm quán ăn bán mang về. Hoảng quá, phòng trọ một mình ở còn không có dụng cụ gì để nấu ăn, chứ nói chi tới thịt cá, rau quả" - anh Trần Văn Bảo (công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân) kể.
5h chiều hôm đó anh mới đi làm về, liền nháo nhào vào siêu thị mua nồi niêu nhưng không kịp vì đông đặc người. May là bà chủ nhà trọ thấy tội nghiệp cho mượn ấm siêu tốc để nấu nước pha mì gói. Gần ba ngày chỉ ăn mì, anh mới nhờ bạn tìm mua giúp được bếp từ và nồi cơm điện cùng một cái nồi, cái chảo nhỏ. Còn chén đũa thì được bà chủ nhà trọ... cho mượn.
"Cũng mừng là bà chủ giờ thông cảm cho cắm điện bếp từ để nấu ăn trong phòng trọ, chứ cấm tiệt như hồi trước thì chắc tôi chỉ còn cách nhai mì sống" - anh Bảo cho biết thêm quanh đi quẩn lại anh chỉ có món trứng chiên, bầu bí luộc hay thịt kho mặn. Mỗi ngày anh chỉ nấu một lần để ăn ba bữa và được bạn bè chỉ bí quyết... cho nhiều muối mặn để chống thiu.
"Rồi mình cũng phải thích ứng thôi, đến ăn mà không thích ứng nổi thì làm sao vượt qua mùa dịch này" - anh Bảo cười kể thêm nhiều bạn bè mình cũng vậy. Có người không biết đổ nước khiến nấu cơm thành cháo và nấu cháo thì lại thành cơm. Nhưng rồi tất cả cũng phải quen dần để sống...
Mối lo của nhiều người lao động là có tiền để lo bữa ăn (ảnh chụp trước khi áp dụng chỉ thị 16) - Ảnh: D.QUÍ
Tập nấu ăn từ con số 0
Từ ngày thành phố tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, anh Cao An Biên (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) phải chật vật với việc tự nấu ăn tại nhà. "Trước giờ mình chưa từng tự nấu ăn, nên khi nhận được thông báo đã bị sốc, và rồi cũng phải tự xoay xở thôi" - anh Biên nói.
Tuy nhiên, đối với người chưa từng vào bếp như anh thì chuyện này không hề dễ dàng. Từ đồ dùng nấu ăn, nguyên liệu nấu, gia vị, công thức nấu anh đều bắt đầu từ con số 0.
Những ngày đầu tập nấu, dụng cụ anh phải mượn chủ trọ. Sau đó, anh mua sẵn vài gói gia vị chuyên dụng dành cho món kho và canh, rồi lên mạng học nấu hai món canh, mặn cơ bản nhất cho bữa ăn.
"Tôi chưa từng nấu nên khi bắt đầu nấu ăn rất khó nuốt, nhưng phải cố gắng ăn vì không còn lựa chọn thứ hai" - anh Biên nói và chia sẻ việc nấu nướng tại nhà khiến anh khá mất thời gian nhưng cũng là một trải nghiệm thích ứng đáng nhớ trong mùa Covid-19.
KIM ÚT
Nấu ăn những ngày giãn cách
Tuổi Trẻ Online mở chuyên mục Nấu ăn những ngày giãn cách để các chuyên gia ẩm thực, những người nổi tiếng giới thiệu những món ăn, thức uống dễ làm, hiệu quả lại đơn giản phù hợp những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-10.
Bạn đọc có món ngon, thức uống hay và muốn chia sẻ cùng mọi người, xin mời gửi bài, ảnh, video về email catkhue@tuoitre.com.vn. Bài được đăng tải sẽ được trả nhuận bút xứng đáng. Cảm ơn bạn đọc.
TTO - Nhiều người nói vui, giãn cách xã hội chính là thời gian mà ai cũng có thể trở thành đầu bếp giỏi. Bởi khi hàng quán ngưng bán mang về thì chỉ còn cách làm bạn với bếp nếu không muốn mỗi ngày 3 bữa mì tôm.