Rashford (trái) nhận nhiều lời lẽ phân biệt chủng tộc sau khi sút hỏng quả 11m ở trận chung kết - Ảnh: AFP
Đó là lời đáp trả Ozil dành cho những kẻ chỉ trích anh sau kỳ World Cup 2018 thất bại cùng tuyển Đức. Và những gì từng xảy ra với Ozil dường như đang lặp lại với Rashford, Sancho cùng Saka của tuyển Anh.
Vẫn được số đông bảo vệ
Đó là những cầu thủ đã lần lượt đá hỏng luân lưu trong trận chung kết Euro 2020 của tuyển Anh. Chuyện CĐV ném đá các cầu thủ đá hỏng luân lưu không phải là chuyện lạ. Nhưng khi cơn giận trở thành sự miệt thị về sắc tộc, đó là một vấn đề hoàn toàn khác.
"Tôi là Marcus Rashford, một người da màu 23 tuổi đến từ Withington và Wythenshawe, phía nam Manchester. Tôi có thể nhận mọi chỉ trích về màn trình diễn của mình, quả 11m của tôi không đủ tốt, nhưng tôi sẽ không bao giờ xin lỗi cho việc tôi là ai và tôi đến từ đâu", Rashford mạnh mẽ đáp trả lại những luận điệu phân biệt chủng tộc nhắm về anh sau trận chung kết.
Rashford không hề đơn độc. Ngay sau khi bức tường mà người hâm mộ vẽ chân dung anh ở Withington bị những kẻ quá khích bôi nhọ, nhiều người dân đã đến đó và dán lên những thông điệp ủng hộ anh.
Nhiều nhân vật nổi tiếng của nước Anh, bao gồm Thủ tướng Boris Johnson hay Hoàng tử William, cũng đã lên tiếng bảo vệ Rashford. Mới mấy tháng trước, anh còn được xem là người hùng của dân nghèo nhờ chiến dịch quyên góp rộng rãi để giúp đỡ mọi người trong mùa đại dịch.
"Ba chàng trai này đã tỏa sáng suốt mùa hè vừa qua và có đủ can đảm để bước lên thực hiện một quả 11m. Họ xứng đáng được ủng hộ thay vì những lời lẽ phân biệt thấp hèn như vậy", đội trưởng tuyển Anh Harry Kane viết trên Twitter.
Lằn ranh màu da
Rất nhiều người đã bênh vực và bảo vệ Rashford, Sancho cùng Saka, nhưng liệu đã đủ để mang đến sự công bằng tuyệt đối về sắc tộc trong bóng đá?
Chắc chắn là không. Quay trở lại câu chuyện của Mesut Ozil 3 năm trước, tiền vệ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã nói đúng vấn đề. Nếu đội thắng, sẽ chẳng có mâu thuẫn nào xảy ra, nhưng khi đội thua, người hâm mộ sẽ chĩa mũi dùi về những cầu thủ "khác biệt" so với những người còn lại.
Các cầu thủ da màu ngày càng quan trọng ở những nền bóng đá đa sắc tộc như Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha... Nhưng hãy nhìn vào băng đội trưởng để đánh giá về quyền lực thực sự cũng như thị hiếu của CĐV. Đội trưởng tuyển Anh là Harry Kane, Pháp là Hugo Lloris - đều là những người da trắng. Lịch sử bóng đá Anh cũng chưa bao giờ ghi nhận một đội trưởng người da màu nào.
Sau thất bại gây sốc ở Euro 2020, một loạt mâu thuẫn nội bộ vỡ lở ở tuyển Pháp. Mbappe công kích Giroud từ đầu giải đấu, có thông tin anh còn muốn cạnh tranh ngầm với Griezmann. Varane và Pavard thì đổ lỗi cho nhau sau các bàn thua, Rabiot cãi nhau trực tiếp với Pogba trên sân. Thậm chí cả... mẹ của Rabiot cũng lao vào cuộc chiến, liên tiếp dùng lời lẽ không hay dành cho Pogba và Mbappe.
Ngoài những hiềm khích cá nhân, sâu xa hơn có thể thấy được "lằn ranh" trong một chuỗi mâu thuẫn đó - Giroud, Griezmann, Pavard và Rabiot là người da trắng; còn Mbappe, Pogba cùng Varane là người da màu. Suốt nhiều giải đấu lớn, Pháp thường xuyên sa lầy vào các cuộc mâu thuẫn nội bộ với một lằn ranh tương tự.
Trong vụ việc ở World Cup 2010, phe "nổi loạn" của tuyển Pháp là nhóm cầu thủ da màu - gồm Toulalan, Evra, Anelka, Abidal - đã công khai "bật" vị HLV trưởng da trắng - ông Raymond Domenech.
Tuyển Pháp có nhiều cầu thủ da màu nhất
Trong số các đội bóng dự VCK Euro 2020, Pháp là đội tuyển có nhiều cầu thủ da màu nhất với 17 người (nhiều hơn phân nửa lực lượng). Kế đến là tuyển Hà Lan với 11 cầu thủ da màu, Anh và Bỉ (9), Thụy Sĩ (7), Bồ Đào Nha (5)... Dù vậy, tiền vệ Wijnaldum của tuyển Hà Lan là cầu thủ da màu duy nhất được chọn mang băng đội trưởng.
TTO - Tiền vệ Mesut Ozil đã tỏa sáng rực rỡ với một bàn thắng và hai đường chuyền dọn cỗ giúp Arsenal đá bại Leicester 3-1 trên sân nhà Emirates ở trận đấu muộn vòng 9 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Xem thêm: mth.31371529051701202-uam-ad-uht-uac-uad-ion/nv.ertiout