Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho rằng việc nước này với Trung Quốc không giải quyết được những bất đồng về tranh chấp biên giới ở khu vực dãy Himalaya sẽ không đem lại lợi ích cho bên nào.
Tuyên bố trên được đưa ra khi Ngoại trưởng Jaishankar và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có cuộc hội đàm kéo dài một giờ tại thủ đô Dushanbe (Tajikistan), bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Theo hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Ấn Độ khẳng định mâu thuẫn giữa cả hai tại khu vực biên giới ở dãy Himalaya vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để dù đã được một thỏa thuận vào năm ngoái.
“Ngoại trưởng Jaishankar đã nhắc lại việc hai nước đều đồng ý rằng việc kéo dài tình hình hiện tại không đem lại ợi ích cho bên, mà còn đang tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai quốc gia" - Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố.
Kết thúc cuộc gặp, hai bộ trưởng nhất trí sẽ tìm kiếm một giải pháp được cả hai bên chấp nhận và đảm bảo sự ổn định ở khu vực biên giới bằng cách tránh bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tham dự cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sau cuộc hội đàm của họ tại Moscow, vào ngày 9-7. Ảnh: REUTERS
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù hai nước đã đạt được thỏa thuận trong việc rút quân vào năm 2020.
Vào tháng 2, chỉ huy quân sự hai nước đều thông báo đã hoàn thành việc rút quân, xe tăng và pháo binh khỏi khu vực Hồ Pangong, bước đầu tiên hướng tới việc rút toàn bộ số quân khỏi các điểm xung đột khác.
Hàng nghìn binh sĩ hai bên đã đụng độ nhau nhiều lần tại đường kiểm soát thực tế (LAC) – ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát với lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn giữa hai nước.
Trong một cuộc đụng độ vào tháng 6 năm ngoái, nhiều binh sĩ hai nước đều thiệt mạng, gây nên những tổn thất nghiêm trọng đầu tiên trong cuộc xung đột giữa hai nước tại khu vực biên giới tranh chấp trong hơn bốn thập niên qua.