- Người dân tha thiết trả lại tiền công trợ tôn tạo di tích
- Hoàn thành tôn tạo di tích Ủy ban Kiểm tra TW
- Tràn lan tu sửa tôn tạo di tích: Đừng để “mạnh ai nấy làm…”
Từ nhiều năm trước, tôi gặp nhà nghiên cứu di sản, PGS-TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hoá). Công việc chính của ông là gần như tuần nào, tháng nào ông cũng có những chuyến đi thực tế để xem xét các di sản văn hoá tâm linh. Lúc nào cũng thế, bao giờ cũng vậy, ngay kể cả bây giờ, mỗi lần gặp, nói về vấn đề này ông cũng bức xúc trước thực trạng một số di tích sau khi trùng tu, tôn tạo đã được khoác chiếc áo mới. Ông gay gắt nói: “Anh có thể cúng đâu cũng được, nhưng di sản văn hoá ấy mất đi là mất đi chứng tích về bước phát triển của dân tộc. Giá trị của di tích cực kì quan trọng. Phá hoại nó là bôi nhoè lịch sử. Muốn bước vào tương lai một cách vững chắc thì bắt buộc phải ngoái nhìn quá khứ”.
Đình Lương Xá khi bị bê tông hoá mất đi vẻ đẹp 300 tuổi. |
Những mái đình rêu phong nhuốm màu thời gian. |
Và quả thật, thời gian qua trên khắp đất nước ta, có không ít di tích lịch sử văn hóa đã bị làm sai lệch, biến dạng đi khác hẳn những công trình vốn có từ trước. Có những ngôi chùa tên vẫn là tên cũ nhưng kiến trúc thì hoàn toàn mới, trông phản cảm và xa lạ. Để xảy ra tình trạng trên, một phần là do con người thiếu hiểu biết về trùng tu di tích, nhưng phần lớn là vì chính lòng tham của chính con người.
Hiện tượng phá di tích xảy ra quá nhiều
Nhà lý luận, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt) |
- Là người đi nhiều, chứng kiến nhiều di tích xuống cấp, anh thấy việc trùng tu tôn tạo hiện nay có điều gì bất cập không?
+ Phải nói ngược một tí cho mọi người hiểu, có những ngôi đình xuống cấp, mong mỏi mãi để được tu bổ, Nhà nước cũng cấp phép cho để tu bổ thì họ không tu bổ. Còn có những ngôi đình chưa xuống cấp gì nhiều nhưng nhờ nguồn tiền xã hội hoá (dân đóng góp) trong thôn bảo nhau muốn trùng tu tôn tạo cho to, mới, hoành tráng nên làm hỏng đi hết vẻ đẹp của kiến trúc di tích cổ vốn có. Vấn đề này cuối cùng là của người cán bộ giám sát.
- Vấn đề để xảy ra tình trạng đáng tiếc này là nằm ở đâu, thưa anh?
+ Hiện nay, trong quản lý về di sản hầu hết là quản lý hành chính, tức là trên văn bản báo cáo. Cụ thể là thôn báo cáo xã, xã báo cáo huyện, huyện báo cáo tỉnh, tỉnh báo cáo Trung ương. Và cán bộ quản lý trực tiếp hầu hết là không đến hiện trường di tích, không nắm bắt được di tích xem đang có chuyện gì, thực trạng ra sao, xuống cấp đến mức nào rồi, có thực sự là cần trùng tu tôn tạo hay không và nếu có tôn tạo thì ở hạng mục nào nên làm cái gì và làm như thế nào?!
- Anh có thể cho biết những di tích sau khi trùng tu, tôn tạo đã không còn giữ được nét văn hoá truyền thống của di tích?
+ Cụ thể về việc đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), đình nằm cách trung tâm thị trấn, phòng văn hoá của UBND huyện có mấy trăm mét, nhưng việc để người ta thay cả một cái cổng đình cán bộ cũng không biết, đến khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin ầm ĩ lên thì mới tá hoả. Cả đình Lương Xá (Liên Bạt, Ứng Hoà, Hà Nội) phá đi hết, sau khi hoàn thành thì gần như là ngôi đình mới, cán bộ huyện ngày nào cũng đi qua nhưng cũng không biết, hay biết mà họ cũng không có ý kiến gì? Cái này do cán bộ quản lý không sâu sát, ví dụ phải nắm xem tâm tư nguyện vọng của người dân thế nào, người dân không biết điều luật thì người cán bộ phải giải thích cho họ. Dân họ muốn làm thế này, thế kia nhưng nếu họ không gặp mình, họ không gặp những anh em khác hiểu biết về di sản thì chắc chắn họ sơn đình, rồi đưa cái nọ cái kia vào đình.
- Vâng, thực trạng đưa nhiều đồ mới của người dân cung tiến vào khu di tích xảy ra ở khắp nơi, người dân có lòng muốn cung tiến và họ chỉ nghĩ công đức vào là mình có ý tốt, nhưng họ không có chuyên môn, không hiểu Luật Di sản...
+ Phải nót thật rằng. không thể trách được người dân, kể cả cán bộ văn hóa ở địa phương phường, xã cũng rất kém hiểu biết và yếu về chuyên môn.
Ví dụ như là cúng tiến đồ mới vào trong di tích, xây mới di tích, sơn mới di tích làm biến dạng di tích… đều do cán bộ thôn và xã. Cần phải thay đổi nhận thức, phải có quy định về cách thức quản lý di tích ở địa phương. Đơn cử như có lần ở đình Văn Xá (Hà Nam), chi bộ thôn họp lại ra nghị quyết là phải sửa sang đình. Điều ấy là trái với Luật Di sản. Họ sơn lại, sửa sang một số chỗ, vấn đề ở đây là do chính lãnh đạo thôn ở đấy. Đúng ra là họ họp, ra nghị quyết rồi thì họ phải làm tờ trình lên Sở Văn hoá để có được sự đồng ý của Sở thì họ mới được làm theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng họ lại tự ý dùng sơn sơn lên đình. Sau này cũng đã khắc phục.
Nhưng có những di sản không khắc phục được đó là hai ngôi đình Trùng Thượng và Trùng Hạ ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là hai di tích cấp quốc gia, không khắc phục được vì sơn toàn bộ bằng sơn công nghiệp. Và việc đấy không phải do cán bộ của xã làm mà là do cán bộ Sở làm. Còn một trường hợp nữa là đình Đồng Kị (làng Đồng Kị) xin cấp phép của Sở Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đồng ý rồi, đến khi địa phương làm thì họ làm kiểu khác. Tức là họ thay mới gần như hoàn toàn, riêng tiền gỗ hết đến 21 tỉ tiền xã hội hoá do dân đóng góp. Di tích sau khi trùng tu trông như làm mới hoàn toàn.
- Từ nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều hồi chuông cảnh báo về việc trùng tu, tôn tạo di tích nhưng xem ra vẫn chưa có một giải pháp nào triệt để.
+ Chúng ta cần phải có cơ chế quản lý và quy định cụ thể đối với cá nhân cụ thế nào đấy về chuyên môn tại những di tích đã được công nhận thì mới quản lý được. Hiện nay rất nhiều xã, phường họ đưa ý chí chủ quan của họ vào quản lý di tích, họ không biết là họ đã làm biến dạng di tích. Đóng đinh lên tường cũng là làm biến dạng di tích, làm thay đổi viên gạch cũng là làm biến dạng di tích. Nhưng nhiều khi vì không hiểu nên lại quá thận trọng, máy móc, chẳng hạn như thấy ngói bị xô, mưa dột thì ở dưới địa phương ngay lập tức phải khắc phục tạm đã, sau đó làm đơn kiến nghị lên các cấp, chứ chờ đơn lên được đến cấp trên giải quyết mất 1 năm, 2 năm thì lỗ dột lại to hơn rồi, công trình đã hư hại lại càng hư hại hơn.
Có nhiều địa phương, Ban Quản lý di tích tự sửa thì đỡ hơn, nhưng có nơi Ban Quản lý di tích họ không sửa, họ làm đúng theo pháp luật, làm đúng theo quy trình. Quản lý di tích bây giờ rất nhiều vấn đề về nhân lực, nguồn lực, kinh phí… đặc biệt là nhận thức. Kinh phí gặp rất nhiều khó khăn, không phải địa phương nào cũng có, bởi vì kinh phí đấy phải nằm trong trung hạn của địa phương, phải nằm trong dự toán của địa phương.
Trùng tu, tôn tạo di tích đừng làm anh thầu khoán
Nhà nghiên cứu di sản, PGS, TS Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) |
- Cả cuộc đời gắn bó với di sản, ông có vui khi thấy những di sản văn hoá tâm linh ngày nay đang được bàn tay “chăm sóc” của các Mạnh Thường Quân không? Họ thay kèo, cột bằng gỗ thượng hạng, đúc chuông làm tượng thật to, hay cung tiến những đôi bình rất lớn và còn khắc tên mình lên trên những đồ dâng tiến ấy.
+ Đình, đền, chùa, miếu, phủ là nơi của thế giới bên kia. Anh đến đó anh lại không nghiêm chỉnh, anh lại ghi tên kỉ niệm của mình vào đấy. Đã có thời tôi nói họ đã bỏ không dám ghi, bây giờ lại nhan nhản. Chẳng hạn như cái lọ độc bình, người ta gọi độc thì chỉ là một cái bình biểu hiện về tâm không của đạo, cốt lõi của bất kì đạo nào, thì bây giờ họ lại chơi song bình. Song bình là đồ chơi thì đừng có đem vào chỗ thờ, mà lại còn cố tình làm thật to để khoe mẽ. Khoe mẽ cái gì với thế giới bên kia. Không ai có thể hối lộ được thần linh, bởi thần linh là trong sáng tuyệt đối, không ai có thể kéo thần linh về cuộc đời trần tục này. Không hối lộ được thần linh đâu. Đừng có làm những chuyện bậy bạ để các đồ thờ quá nhiều, thần linh không còn có chỗ len chân thì thần linh bỏ đi chứ đời nào ngồi đấy để cho thế gian dày vò. Làm gì có cái chuyện ấy. Tưởng rằng hối lộ thần linh để “tốt lễ dễ kêu” nhưng không có đâu. Đó là một sự xúc phạm đến danh dự, đến đạo cao đức trọng của thần thánh.
- Trùng tu, tôn tạo di tích, biến sự cổ kính trang nghiêm, thành loè loẹt phô trương là một hiện trạng đáng báo động đang diễn ra hiện nay. Với tư cách là một nhà quản lý, một người nghiên cứu di sản, ông thấy vấn đề này cần phải chấn chỉnh thế nào?
+ Trong quan niệm hiện nay về vấn đề di tích, nhiều khi ý thức thực dụng và nhận thức về văn hoá có độ chênh. Ý thức thực dụng và nhận thức văn hoá không cùng một cung bậc thì đó là câu chuyện muôn thuở dẫn đến mâu thuẫn. Muốn tu bổ di sản văn hoá trước hết phải hiểu di sản văn hoá từ chân tơ, kẽ tóc. Nếu làm bừa làm ẩu để nhận về một số tiền nào đấy, đó là hình thức của anh thầu khoán chứ không phải là của anh làm tu bổ di tích. Bởi di tích văn hoá được tu bổ không thể áp dụng theo lối xây dựng nhà cửa được. Nếu cứ làm bừa mặc dù chất liệu có đắt tiền, có tốt thế nào đi nữa thì đấy cũng là hành động phá hoại.
Dân tộc trường tồn ở hình ảnh văn hoá
Hoạ sỹ Lương Xuân Đoàn (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam) |
- Là một người gắn bó sâu sắc với di sản truyền thống của cha ông, ông có ý kiến gì với sự đổi thay của di sản hiện nay sau khi trùng tu tôn tạo...
+ Trùng tu tôn tạo mà không chuẩn cũng dẫn đến làm biến tướng vẻ đẹp của đình, đền, chùa Việt Nam. Nhiều di tích được nâng cấp, hồi xưa các cụ hay có câu: “To như cái đình”, nhưng bây giờ lại là “cao như cái đình”. Ví dụ như ở nơi có cái đình cổ thì người ta đập đi xây lên hai tầng để thờ quan Thành hoàng làng ở trên cao, còn tầng dưới là các bô lão sinh hoạt (hội người cao tuổi ở dưới), điều đấy khác đi mục đích của đình làng mà lại không đúng là đình đâu. Cái đình Việt không có chuyện đó, chỉ là một tầng...
- Có ý kiến cho rằng: “Di tích thì cũng là để “phục vụ” tốt nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng người Việt. Mỗi thời một khác đi, những kiến trúc di tích hồi xưa nó phù hợp với thời đại ngày xưa. Còn hiện nay thì di tích cũng phải phù hợp với xã hội hiện đại...
+ Xu thế phát triển đô thị là không thể cưỡng lại được, nhưng vấn đề là trong quy hoạch tổng thể ta phải tìm cách để mà hài hoà. Thị hiếu không đứng yên mà luôn luôn thay đổi và chính người đến sau làm thay đổi thị hiếu thẩm mỹ, thói quen của người Việt truyền thống. Văn hoá thì có tiếp biến văn hoá, cái đấy nên ghi nhận. Nhưng làm thế nào hài hoà mang tính di sản, để bản thân hình ảnh của người Việt Nam trước người nước ngoài luôn luôn là vẻ đẹp đặc trưng của văn hoá Việt, của văn minh Việt. Điều đó không dễ một chút nào, nhất là trong thời đại hiện nay, không ít người luôn muốn gây sốc, muốn “chơi nổi” chính vì thế cũng rất sốc cho người hiểu giá trị của di sản truyền thống Việt.
Biến tướng đầu tiên là có những ngôi chùa của các đại gia, chùa của người có tiền xây lên không còn mang sắc thái của ngôi chùa Việt cổ, mà là lai căng pha tạp những văn hoá ngoại lai. Có những nơi người ta trưng bày 500 pho La Hán cũng không phải của người Việt. Tượng bên trong chùa to lừng lững cũng không phải của người Việt. Chùa cổ là hài hoà nương nép vào cây cỏ thiên nhiên chứ không chế ngự thiên nhiên, nhưng giờ đây đình, đền, chùa là chế ngự thiên nhiên và mất hoàn toàn vẻ đẹp thiên nhiên của người Việt. Quan niệm sau này gần như đã phủ nhận hoàn toàn những giá trị di sản truyền thống cũ...
- Tôi đã từng thắc mắc như vậy với vị sư trụ trì trong một ngôi chùa to, ông nói đại ý rằng: Dân số ngày xưa ít, người ngày xưa thấp bé nhẹ cân, nhà ở thành phố thì chỉ một hai tầng, còn nhà ở quê thì nhà tranh vách đất nên ngôi chùa cũng theo đó mà bé. Còn thời đại hiện nay, dân số Việt Nam tăng, hiện nay đã gần 100 triệu dân, chiều cao con người cũng nhích hơn, nhà chung cư mấy chục tầng ngất ngưởng, chót vót nên ngôi chùa cũng không thể lọt thỏm trong không gian nhỏ hẹp đấy được, vì vậy là không cân xứng. Nhiều đại gia công đức, cung tiến cho chùa, để xây to, xây mới, xây thật hoành tráng... thế là “theo kịp thời đại” chứ.
+ Đã đành người đông lên, dân tứ xứ kéo về, nhưng nếu có quy định, quy hoạch tổng thể, Hà Nội được mở rộng nhưng bên trong nó những giá trị di sản vẫn được bảo vệ. Đất nước phát triển, văn hoá hội nhập vào thì cũng nhiều thứ nhố nhăng lắm chứ không phải cái gì cũng hay đâu. Đấy cũng là bi kịch của người Việt hiện đại. Chúng ta đang phải chứng kiến sự thay đổi lớn đời sống của người Việt đương đại, kéo theo đấy là những giá trị cũ đang bị uy hiếp. Bao giờ cũng thế, sự kế thừa giữa cái tiếp nhận và cái phủ nhận, phải phủ nhận thì mới có sự thay đổi, không phải chỉ giữ khư khư cứ nghĩ như là báu vật mà sống mãi với quá khứ, nhưng anh làm cái gì để giá trị mới thay thể những giá trị của di sản không thì lại là một câu chuyện khác. Trong cách nhìn nhận phải hết sức sòng phẳng. Những gì mà chúng ta được đánh thức từ di sản, đấy là những giá trị miên viễn không bàn chuyện mới cũ gì cả. Nó có giá trị cốt lõi của văn hoá Việt, của tộc người Việt và chính điều đó nó làm cho dân tộc này trường tồn ở hình ảnh văn hoá chứ không phải hình ảnh vật chất.
Kinh phí để trùng tu tôn tạo các di tích văn hoá tâm linh lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn xã hội hoá (do dân góp). Ai góp nhiều thì người đấy có tiếng nói. Các đại gia bất chợt tự nhiên có tiếng nói nhiều khi là quyết định.
Khi mà tri thức trung lưu biến mất, không hiện diện thì đương nhiên mặt bằng của văn hoá dân tộc cũng bị bấp bênh. Ngày xưa rõ ràng lắm, văn hoá vịn vào tầng lớp trí thức trung lưu, họ sống không nhiều tiền nhưng mà phong lưu, hiểu biết.
- Thật ra là do quan niệm về vẻ đẹp của mỗi người, có người thì nghĩ di sản, văn hoá tâm linh là phải cũ, phải truyền thống, phải hoài niệm, cổ kính. Người thì cho là phải thật to, mọi thứ phải lộng lẫy, hoành tráng...
+ Đây sẽ là những tranh cãi khó dứt, chẳng qua đấy là những sự biện minh để mà biện hộ cho những sự đã rồi, giống như người có tiền họ có thể làm bất cứ điều gì. Họ cứ nghĩ tài sản của họ, không gian của họ muốn làm gì thì làm. Mô hình chung có những nơi đưa ra thẩm mỹ không thể tin được tại sao nó lại xuất hiện. Khi tôi còn công tác ở Ban Tuyên giáo Trung ương (ông nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương), tôi đã nói là rất cần luật chung cho văn học nghệ thuật, luật về bảo vệ di sản: Quyền lực của cơ quan quản lý đến đâu? Của cơ quan pháp luật đến đâu? Thực ra thời gian qua cũng đã có những xử lý, những chấn chỉnh… nhưng chưa thực sự hiệu quả.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Trần Mỹ HiềnXem thêm: /581056-auq-ueih-ohc-oas-hcit-id-oat-not-ut-gnurT/na-gnoc-ehgn-nav-nad-neid/nv.moc.dnac.acnv