- Làm bản sao xứ người, nhóm nhạc Việt có đi được đường dài?
- Các ban nhạc, nhóm nhạc Việt: Để tồn tại cần có bản sắc riêng
- K- pop "giãy chết", nhóm nhạc Việt vẫn cố ăn theo
Không có bản sắc, không thể thành công
Thị trường nhạc Việt không thiếu nhóm nhạc và vẫn thường xuyên có nhóm nhạc mới "trình làng" nhưng nhóm nhạc "sống khỏe" thì có thể đếm trên đầu ngón tay. "Công thức chung" của nhóm nhạc Việt ra đời thời gian gần đây là dàn ca sĩ trẻ trung, ngoại hình sáng sân khấu, thậm chí là hot boy, hot girl, vũ đạo tốt, có hơi hướng phát triển và kỳ vọng "tiếp bước" các nhóm nhạc đình đám trong khu vực.
FOR7 là nhóm nhạc mới nhất xuất hiện trong thị trường nhạc Việt. Từ khi xuất hiện đến nay, nhóm nhạc với 7 thành viên này thường xuyên hứng "gạch đá" từ cộng đồng mạng. Khán giả cho rằng, FOR7 là bản sao của nhóm nhạc Hàn Quốc GOT7. Hình ảnh quảng bá cũng như các sản phẩm âm nhạc của nhóm đều mang dáng dấp của GOT7. Sản phẩm âm nhạc đầu tiên của nhóm là MV "Anh đứng đây từ chiều" (sáng tác: nhạc sĩ Đỗ Hiếu) ra mắt cuối tháng 5 vừa qua nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Phần lớn khán giả cho rằng, điểm cộng duy nhất của FOR7 là ngoại hình đẹp, còn điều cần nhất là giọng hát lại quá yếu. Vũ đạo của các thành viên trong nhóm bị chê là hời hợt, diễn xuất "đơ". Bên cạnh đó, bối cảnh MV đơn giản, chưa được đầu tư kỹ lưỡng nên không gây được hứng thú cho người xem.
FOR7, nhóm nhạc tân binh được coi là bản sao của nhóm nhạc Hàn Quốc GOT7. |
Ra mắt cách đây 3 năm, nhờ chiến dịch quảng bá rầm rộ, Zero9 từng thu hút sự chú ý lớn của truyền thông và khán giả trẻ. MV "POM" - sản phẩm đầu tay của nhóm ra mắt không mấy suôn sẻ. Nhiều khán giả cho rằng, Zero9 thiếu giọng ca "át chủ bài", cộng với đó là giọng hát, vũ đạo của các thành viên trong nhóm mới ở mức "thường thường", chưa có gì nổi trội. Tính đến thời điểm hiện nay, MV "POM" đã thu hút hơn chục triệu lượt người xem trên Youtube, số người "thích" (like) là 122 nghìn nhưng số người không thích (dislike) cao gần gấp đôi, ở mức 207 nghìn.
Sau MV "POM", Zero9 cũng nỗ lực cho ra mắt một số sản phẩm âm nhạc khác nhưng không mấy thành công như MV "Xếp hình" (hiện có 1,3 triệu lượt người xem trên Youtube), "Pinocchio" (hiện có 12 triệu lượt người xem), "Jocker" (hiện có 1,8 triệu lượt người xem). Sau "Jocker" được sản xuất cách đây hai năm, Zero9 gần như không có sản phẩm âm nhạc nào đáng chú ý. Đó là chưa kể đến việc, nhóm nhạc này thường xuyên thay đổi nhân sự và các thành viên liên tiếp dính ồn ào đời tư.
Khác với FOR7 và Zero9, SGO48 được đào tạo theo hình mẫu của nhóm nhạc nổi tiếng Nhật Bản AKB48. Ra mắt vào cuối năm 2018, SGO48 có số lượng thành viên lên tới 20 người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, những sản phẩm âm nhạc của nhóm như "Shonichi - Ngày đầu tiên", "Heavy Rotation", "Koisuru Fortune Cookie"… không gây được tiếng vang như kỳ vọng.
Ngoài những nhóm nhạc trên, showbiz Việt còn không ít nhóm nhạc phát triển theo xu hướng nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc như Uni5, LipB, Lime, Monstar… nhưng đều không tạo được dấu ấn. Nếu xét về sắc vóc thì nhóm nhạc Việt không thua kém bất cứ nhóm nhạc nào trong khu vực. Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi chưa đủ để tạo nên thành công. Nhóm nhạc cần đến những giọng hát xuất sắc, đa màu sắc và vũ đạo điêu luyện.
Công nghệ đào tạo ngôi sao theo chuẩn Hàn Quốc, Nhật Bản với sự giúp đỡ của các chuyên gia, tập đoàn giải trí nước ngoài hoàn toàn có thể tạo ra những nhóm nhạc "na ná" nhóm nhạc trong làn sóng Hallyu. Điều này đồng nghĩa rằng, chúng ta đang tạo ra những nhóm nhạc "mang tính đại chúng" mà thiếu đi bản sắc văn hóa riêng có của mình. Thật đáng buồn khi xem những chàng trai, cô gái Việt Nam trẻ trung, xinh đẹp trình diễn ca khúc Việt Nam trong trang phục, điệu bộ mang hơi hướng của quốc gia khác.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa, điều cần nhất là giữ gìn bản sắc Việt thì các nhóm nhạc trẻ không làm được điều này. Với các nhà đầu tư thì xây dựng nhóm nhạc mang phong cách Hàn Quốc hay Nhật Bản là cách làm hợp xu thế, hướng tới hàng triệu khán giả Việt là "fan cuồng" của các nhóm nhạc nước ngoài. Tuy nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi khi thường xuyên bị "đặt lên bàn cân" so sánh với nhóm nhạc nước ngoài. Đây cũng là lý do tại sao, các nhóm nhạc Việt theo phong cách Hàn hay Nhật Bản không thành công trong thời gian qua.
Sẽ không có thời kỳ hoàng kim của các nhóm nhạc như trước đây?
Thị trường nhạc Việt từng có thời điểm hoàng kim với hàng loạt nhóm nhạc đình đám như: Quả Dưa Hấu, Ba Con Mèo, 5 Dòng Kẻ, 1088, H.A.T, AXN, Mây Trắng, The Men, Mắt Ngọc, 365daband, Vmusic… Theo thời gian, các nhóm nhạc lần lượt chia tay khán giả trong tiếc nuối. Nhiều ca khúc của các nhóm nhạc đã trở thành một phần ký ức thanh xuân tươi đẹp của các bạn trẻ thế hệ 7X, 8X.
Nhiều người cho rằng, các nhóm nhạc tan rã là do không cạnh tranh được làn sóng âm nhạc châu Á "đổ bộ" vào nước ta. Nhận định này chưa hẳn đã chính xác. Tôi cho rằng, sự tan rã của các nhóm nhạc đình đám một thời là hoàn toàn phù hợp với quy luật vận động, phát triển chung của xã hội. Thời điểm thịnh hành của các nhóm nhạc Việt cũng là thời điểm mà thị trường âm nhạc quốc tế chứng kiến sự bùng nổ của nhiều nhóm nhạc. Hiện nay, nhiều nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đã tan rã và nhóm nhạc Việt cũng nằm trong xu thế này.
Sự phát triển của thị trường âm nhạc không thể vắng bóng những nhóm nhạc. Trong ảnh: Các thành viên nhóm nhạc rất được giới trẻ yêu thích một thời - 365daband. |
Thông thường, các nhóm nhạc được lập ra khi thành viên tham gia còn trẻ, mới bước vào sự nghiệp ca hát. Khi vững vàng trong sự nghiệp, có tuổi đời, tuổi nghề, các nghệ sĩ có xu hướng tách nhóm, phát triển sự ngiệp solo. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến các nhóm tan rã sau khi phát triển đến thời kỳ đỉnh cao.
Đặc trưng của nhóm nhạc là hoạt động tập thể, có sự kết hợp của nhiều thành viên trong nhóm với ca tính nghệ thuật khác nhau. Chính vì vậy, hoạt động theo nhóm khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với hoạt động nghệ thuật độc lập. Do số lượng đông, chi phí mời nhóm nhạc tham gia chương trình nghệ thuật cao nên gây tâm lý e ngại cho các bầu show. Rõ ràng, cơ hội hoạt động nghệ thuật của các nhóm nhạc hạn chế hơnso với ca sĩ đơn lẻ.
Đối tượng hướng đến của các nhóm nhạc thường là khán giả trẻ. Khi lớp khán giả này thay đổi cũng là lúc các nhóm nhạc cần phải thay đổi. "Tre già, măng mọc", nhóm nhạc sau thay thế nhóm nhạc trước để phục vụ lớp khán giả mới là điều tất yếu. Phân tích như vậy để thấy rằng, sự tan rã của các nhóm nhạc phù hợp với sự vận động của thị trường âm nhạc trong quá trình phát triển nội tại của nó chứ không hẳn là do ảnh hưởng từ các trào lưu từ bên ngoài. Thị trường âm nhạc đang ngày càng bão hòa với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ mới thuộc nhiều dòng nhạc, xu hướng, phong cách khác nhau. Tôi cho rằng, sẽ không có thời kỳ hoàng kim của các nhóm nhạc như trước đây cũng như sẽ khó tạo nên những xu hướng âm nhạc rõ ràng trong thời kỳ hiện nay. Tất cả sẽ cùng tồn tại đan xen, song hành phát triển trong thị trường âm nhạc.
Sự phát triển của các nhóm nhạc mang đến sự đa dạng, nhiều mầu sắc trong thị trường âm nhạc, thông qua đó góp phần thúc đẩy thị trường âm nhạc phát triển. Không thể phủ nhận rằng, thị trường nhạc Việt vẫn có nhữngnhóm nhạc hoạt động tốt như Da LAB, Cá Hồi Hoang, Chillies… Những nhóm nhạc này không chạy theo khuôn mẫu các nhóm nhạc nước ngoài như diện mạo xuất sắc, vóc dáng chuẩn, chiến dịch quảng bá rầm rộ mà tập trung vào chất lượng âm nhạc. Mỗi sản phẩm âm nhạc nhóm đều được công chúng nồng nhiệt đón nhận.
Khi thị hiếu thưởng thức âm nhạc của khán giả ngày càng được nâng cao thì sản phẩm âm nhạc mới là yếu tố quyết định thành công của ca sĩ nói chung, nhóm nhạc nói riêng. Đây là điều mà các nhà đầu tư cần xác định và có định hướng đúng đắn khi đặt nền móng xây dựng nhóm nhạc Việt.
Tường PhạmXem thêm: /371056-maN-teiV-ni-edam-cahn-mohn-tahk-naV/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv