- Chiến dịch quảng bá du lịch trên nền tảng số “Việt Nam: Đi để yêu!”
- Ra mắt video clip “Bao la Việt Nam” quảng bá du lịch Việt Nam
- Quảng bá du lịch Việt Nam – TP Hồ Chí Minh tại WTM London
Triển lãm "Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch" là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) lần thứ 25 do Viện Phim Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề "Lưu trữ nghe nhìn trong thời đại thay đổi". Bằng những tư liệu, hình ảnh sưu tầm và đang lưu trữ, triển lãm giới thiệu 120 ảnh bối cảnh quay đặc sắc tại các vùng miền của đất nước Việt Nam. Đó là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, khung cảnh mênh mông rộng lớn của biển cả, sự huyền bí, lôi cuốn của các hang động, nét tươi mới, trù phú của những cánh đồng, ruộng bậc thang... trên khắp mọi miền đất nước.
Những bối cảnh phim được giới thiệu trong triển lãm. |
Triển lãm không chỉ là cơ hội để Việt Nam quảng bá những thành công trong lĩnh vực lưu trữ điện ảnh mà còn mở ra cơ hội tăng cường giao lưu, kết nối giữa các đơn vị sản xuất, lưu trữ điện ảnh trong và ngoài nước. Đồng thời đây cũng là dịp để quảng bá nền điện ảnh, qua đó quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên toàn bộ nội dung được Viện Phim đăng tải online, không gian triển lãm trên trang thông tin điện tử của Viện Phim Việt Nam cùng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube...
Tổ chức Giáo dục - Khoa học - văn hóa Liên hiệp quốc nhận định: Phim, hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý giá của mỗi dân tộc và nhân loại. Vì thế, chúng còn được đánh giá là di sản văn hóa. Thậm chí, với khả năng phổ biến rộng rãi, gần gũi với thực tế thì tư liệu, hình ảnh động càng có sức lan tỏa nhanh tới mọi đối tượng, vượt mọi biên giới đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Sức ảnh hưởng của phim, hình ảnh động tới con người ngày càng lớn trong thời đại công nghệ hiện nay. Chỉ cần ngồi ở một nơi nhưng con người có khả năng biết, tìm hiểu nhiều nơi trên thế giới.
Trên thế giới và tại Việt Nam, thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, nhiều khách du lịch đã đổ về điểm thăm quan nào đó sau khi nơi này xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh thu hút nào đó. Hay nói cách khác, nhiều địa điểm đã trở nên hút khách du lịch sau khi trở thành bối cảnh của một câu chuyện phim. Theo thống kê chưa đầy đủ nhưng có khoảng từ 5% đến 7% lượng du khách trên thế giới cho biết họ đi du lịch nhờ được gợi cảm hứng từ các bộ phim.
Đơn cử như sau khi phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" công chiếu thì những địa danh của New Zealand trong phim đã trở thành những điểm đón khách du lịch nổi tiếng thế giới. Chỉ riêng làng Hobbiton của Matamata mỗi năm đón khoảng 80.000 lượt khách tham quan. Tương tự như vậy, nhiều lượt khách du lịch đã đến nước Anh vì những cảnh quay trong các phim như "Harry Porter", "Sherlock Holmes"... Cũng như sau khi phim bom tấn "Võ sĩ đấu giác" tạo nên cơn sốt phòng vé thì Đấu trường La Mã (Ý) vốn đã đông khách du lịch lại càng đông hơn...
Điều này cũng xảy ra với những địa danh ở các đất nước Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... khi những nơi này trở thành bối cảnh của phim Hollywood hay những bộ phim chinh phục được khán giả quốc tế. Từ những minh chứng đó, ngành du lịch nhận ra rằng, hơn bất kỳ một cách thức quảng cáo nào, điện ảnh là một trong những kênh quảng bá du lịch hiệu quả hàng đầu. Không cần một lời giới thiệu nào, chỉ sau một bộ phim mà địa danh đó có thể tạo được ấn tượng trong tâm trí và trở thành điểm đến của không ít người.
Với điện ảnh Việt Nam, cách đây nhiều năm, có thể các nhà làm phim chưa chủ đích thông qua điện ảnh để quảng bá du lịch nhưng hiệu quả tình cờ là không thể phủ nhận. Không ít người đã háo hức đến với miền Tây sông nước để được tận mắt ngắm nhìn thiên nhiên khoáng đạt, con người chân phương hào sảng sau khi xem "Mùa len trâu" hay "Cánh đồng bất tận"...
Nhưng điểm nhấn đánh dấu sự ảnh hưởng của điện ảnh đến du lịch phải kể tới bộ phim "Chuyện của Pao" (đạo diễn Đỗ Quang Hải). Sau khi bộ phim ra mắt khán giả, những địa điểm là bối cảnh quay của phim ở Hà Giang đã tiếp đón số lượng du khách đông tới bất ngờ. Ai lên tới Hà Giang cũng đều cố gắng đến ngôi nhà của Pao, bờ rào đá, vạt hoa cải vàng... đã từng xuất hiện trong bộ phim. Sau này, địa phương giữ nguyên những địa điểm này thành nơi thăm quan cộng thêm nhiều dịch vụ tiện ích.
Điều này cũng tương tự với bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (đạo diễn Victor Vũ). Sau khi tạo nên hiện tượng phòng vé với doanh thu 78 tỷ đồng, những cảnh sắc tuyệt đẹp của mảnh đất Phú Yên trong phim đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch Phú Yên công bố, trước khi phim ra mắt, ngành này chỉ có thu nhập chiếm 12 - 13% nhưng sau đó lên tới 30%. Rất nhiều du khách đã chọn mảnh đất "hoa vàng cỏ xanh" là điểm đến cho chuyến du lịch của gia đình mình. Tiếp sau này, những bộ phim như "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", "Hạnh phúc mùa mẹ", "Mắt biếc", "Trạng Quỳnh",... cũng đã góp phần khiến các địa phương như Ninh Bình, Quảng Bình, Huế, Đà Lạt, Hội An... hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
Không chỉ quảng bá du lịch qua những bộ phim trong nước, du khách quốc tế sẽ biết tới Việt Nam nhiều hơn nếu như chúng ta có những địa danh trở thành bối cảnh của những bộ phim bom tấn của những nhà làm phim tên tuổi trên thế giới. Trước đây, Việt Nam đã từng gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế thông qua phim của những đạo diễn nước ngoài như quang cảnh Vịnh Hạ Long, Đồng Tháp phim "Người tình", TP Hồ Chí Minh, Hội An trong phim "Người Mỹ trầm lặng"... Nhưng chỉ đến khi bộ phim của Hollywood "Kong - Đảo đầu lâu" sử dụng cảnh quay tại Ninh Bình với doanh thu 563 triệu USD đã khiến ngành du lịch điện ảnh Việt Nam có được bước tiến đáng kể. "Làng thổ dân" trong phim đã được tái hiện và thu hút lượng lớn khách du lịch.
Có thể nói, với 120 bối cảnh phim trải dài khắp các vùng miền từ Bắc tới Nam trong triển lãm "Di sản tư liệu hình ảnh động trong quảng bá du lịch" đã cho thấy nguồn bối cảnh phong phú cho ngành điện ảnh. Đó là kho tài nguyên đầy tiềm năng để các nhà làm phim bắt tay với nhà làm du lịch khai thác. Tuy nhiên, việc quảng bá du lịch qua phim ảnh thời gian qua vẫn chưa xứng với tiềm năng đang có. Để có thể quảng bá hiệu quả du lịch qua điện ảnh đồng nghĩa với việc phải có những bộ phim hay, hấp dẫn khán giả.
Ngoài kịch bản phim hấp dẫn, diễn viên giỏi nghề thì những cảnh quay đẹp, hiện đại là một trong những yếu tố quan trọng để nâng tầm địa danh. Với đặc thù của điện ảnh là nghệ thuật tổng hòa của nhiều lĩnh vực nên các yếu tố cấu thành đều phải được coi trọng đúng mức. Cảnh sắc đẹp đến mấy nhưng câu chuyện phim không hấp dẫn thì sẽ không khác gì những thước phim quảng cáo du lịch thông thường. Ngược lại, câu chuyện phim hấp dẫn nhưng địa danh không được chú trọng bằng kỹ thuật quay đẹp mắt cũng không thể tạo được dấu ấn với công chúng. Vì thế, hiệu quả của cái bắt tay "du lịch - điện ảnh" phụ thuộc khá nhiều vào tài năng của các nhà làm phim.
Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho các đoàn làm phim quốc tế quay tại Việt Nam là yếu tố then chốt quảng bá du lịch Việt Nam tới khán giả quốc tế. Thực tế cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới đã kiếm bội tiền nhờ ngành du lịch điện ảnh. Với tài năng và công nghệ làm phim hiện đại, các nhà làm phim quốc tế sẽ biết cách để đưa cảnh sắc tự nhiên của Việt Nam trở thành dấu ấn trong những tác phẩm điện ảnh.
Khánh ThảoXem thêm: /771056-gnan-meit-gnux-auq-ueih-eD-hna-neid-auq-hcil-ud-ab-gnauQ/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv