TikTok mới đây đã trở thành ứng dụng phi trò chơi thứ 5 vượt qua mốc 3 tỷ lượt cài đặt toàn cầu trên các cửa hàng ứng dụng. Đây từng là thành tích "độc quyền" của Facebook. Theo công ty theo dõi Sensor Tower, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, TikTok vẫn mạnh mẽ phát triển và ngày càng trở nên phổ biến.
4 ứng dụng khác đạt thành tích này là WhatsApp, Messenger, Facebook và Instagram, tất cả đều thuộc sở hữu của Facebook – đế chế có trụ sở tại Thung lũng Silicon.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, TikTok đã ghi nhận số tiền tổng cộng 2,5 tỷ USD chi tiêu từ người dùng trên toàn thế giới. Chỉ có 4 ứng dụng phi trò chơi khác đạt được con số tương tự là Tinder, Netflix, YouTube và Tencent Video.
TikTok cũng là ứng dụng phi trò chơi được tải xuống nhiều nhất và có doanh thu cao nhất toàn cầu trong nửa đầu năm 2021, đạt gần 383 triệu lượt cài đặt mới và khoảng 919,2 triệu USD chi tiêu của người dùng.
Mặc dù lượt cài đặt TikTok trong 6 tháng đầu năm nay giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi tiêu của người dùng trong ứng dụng lại tăng tới 73%.
TikTok tăng trưởng liên tục, bất chấp việc tại Ấn Độ - một trong những thị trường lớn nhất của họ, ứng dụng vẫn trong tình trạng không khả dụng vì bị cấm do nguyên nhân liên quan đến an ninh quốc gia vào năm ngoái.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ tiến hành đánh giá bảo mật đối với bất kỳ ứng dụng nào liên quan đến đối thủ nước ngoài. Việc này diễn ra vào tháng 6, sau khi người tiền nhiệm của ông là ông Donald Trump cố gắng cấm các ứng dụng Trung Quốc ở thị trường Mỹ trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ.
Bên cạnh áp lực về pháp lý và căng thẳng địa chính trị, TikTok còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và ngày càng tăng từ những nền tảng khác. Họ cố gắng tận dụng định dạng video ngắn để tăng tính cạnh tranh với TikTok.
Ngày 13/7 vừa qua, YouTube (của Google) thông báo sẽ giới thiệu tính năng video ngắn có tên là YouTube Shorts đến hơn 100 quốc gia. Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021, Google tiết lộ Shorts đạt trung bình 6,5 tỷ lượt xem mỗi ngày.
Giới chuyên gia đánh giá rằng động thái "tấn công" mới của YouTube sẽ khiến thị trường video ngắn trở nên sôi động hơn cũng như hạn chế bớt tình trạng gần như độc quyền của TikTok trong nhiều năm qua.
Tháng 8 năm ngoái, Facebook đã thêm một phần dành riêng cho các video ngắn trong khi Instagram cũng ra mắt tính năng tương tự mang tên Reels gần như cùng thời điểm.
Tháng 1/2021, WeChat – siêu ứng dụng do gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent điều hành, đã ra mắt WeChat Channels, nền tảng cho phép người dùng chia sẻ các video ngắn.
Một số ứng dụng video ngắn khác như Kwai của Trung Quốc và Moj của Ấn Độ, cũng có những động thái nhất định để thách thức sự thống trị của TikTok trong thị trường.
Kuaishou Technology, công ty Trung Quốc điều hành Kwai, cho biết vào tháng trước rằng tổng số người dùng hoạt động hàng tháng trên một số nền tảng video ngắn của họ đã vượt qua con số 1 tỷ người.
Nguồn: SCMP
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị