Dịch COVID-19 khiến người lao động tự do vô cùng khó khăn, và họ luôn mong nhận được hỗ trợ từ Chính phủ - Ảnh: Đ.BÌNH
Đó là khuyến nghị của Oxfam Việt Nam (tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro thiên tai và cứu trợ nhân đạo, phát triển xã hội dân sự, dân tộc thiểu số và nâng quyền của phụ nữ) gửi các cơ quan báo chí ngày 15-7.
Phó giám đốc quốc gia Oxfam Việt Nam, ông Phạm Quang Tú, cho biết tổ chức này "hoan nghênh chính sách nhân văn và kịp thời của Chính phủ, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Chính sách này đã có một số điều chỉnh kịp thời, tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện nghị quyết 42 (gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thực hiện năm 2020)".
Theo ông Tú, Chính phủ đã mở rộng thêm các nhóm đối tượng chính được hưởng lợi và đã đưa ra những hướng dẫn thực hiện cụ thể cùng thời gian thực hiện rõ ràng, nhanh chóng đối với các nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động chính thức, phụ nữ có thai, trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế.
Tuy nhiên, đại diện Oxfam cũng cho rằng quyết định 23 chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động phi chính thức (người lao động tự do).
Theo Oxfam, số lao động tự do trong năm 2020 là 20,3 triệu người trong tổng số 48,8 triệu lao động trong độ tuổi (số liệu của Tổng cục Thống kê). Nhưng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, tỉ lệ chi trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chỉ đạt 22% toàn gói, trong đó có gần 12 triệu người được nhận hỗ trợ gần 11.800 tỉ đồng. Và chỉ hơn 1 triệu (trong tổng số hơn 20 triệu) lao động tự do được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng.
Theo ông Tú, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ năm 2020 thiếu hiệu quả là do thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này.
Đơn cử, quy định UBND cấp tỉnh tự quyết định bổ sung các nhóm công việc ngoài sáu nhóm công việc được liệt kê trong quyết định 15 thiếu rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các tỉnh, từ đó dẫn đến việc thực thi ở các tỉnh thành rất khác nhau, phần nào đã tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Trong 63 tỉnh thành phố, chỉ có TP.HCM đã chủ động mở rộng hỗ trợ các nhóm người lao động như nhóm giáo viên và nhân viên làm việc trong cơ sở mầm non ngoài công lập.
Từ những phân tích và kết quả thực hiện nghị quyết 42, Oxfam khuyến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định (hoặc giao cho Bộ Lao động, thương binh và xã hội) hướng dẫn thực hiện nghị quyết 68 đối với nhóm lao động tự do.
Trong đó quy định trách nhiệm thực thi chính sách của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này. Kết quả thực hiện hỗ trợ người lao động tự do trở thành một trong các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong ứng phó với tác động của COVID-19 tới đời sống của nhóm dân cư dễ bị tổn thương tại địa phương, đóng góp thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.
Ông Phạm Quang Tú, phó giám đốc quốc gia Oxfam Việt Nam - Ảnh: Oxfam
Oxfam bày tỏ mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố mở rộng hỗ trợ tất cả các nhóm việc làm khác nhau của người lao động tự do, và dựa trên tiêu chí duy nhất đó là bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của COVID-19.
Các địa phương cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục và quy định thời gian thực hiện để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, như rà soát nhóm người lao động tự do cần thực hiện theo nhiều kênh khác nhau (tổ dân phố rà soát, lập danh sách; chủ các cơ sở lập danh sách; người lao động tự do tự đăng ký…); bỏ yêu cầu người dân chứng minh cư trú hợp pháp.
Đặc biệt, Chính phủ cần giao Bộ Lao động, thương binh và xã hội xây dựng một cơ sở dữ liệu và báo cáo quốc gia, trực tuyến, theo thời gian thực, với các thông tin liên tuc cập nhật về người lao động tự do đăng ký và nhận hỗ trợ theo các kênh như trên. Làm vậy sẽ tránh được việc trùng lặp khi lập danh sách hỗ trợ đối với người lao động tự do di cư ở các địa bàn.
Oxfam cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ ngân sách đối với các tỉnh miền núi, các tỉnh đang gặp khó khăn để hỗ trợ lao động tự do, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh có lao động đi và tỉnh, thành phố có lao động đến.
TTO - Theo giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Hà Nội, người bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa... được ưu tiên đề xuất hỗ trợ. Người được hỗ trợ phải có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ.