Chính phủ bàn nhiều giải pháp chống dịch khu vực phía Nam, phối hợp tháo gỡ khó khăn
Minh Duy
(KTSG Online) - Các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Nai , Đồng Tháp hiện là những nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19. Khu vực này vẫn còn các nguồn dịch tiềm ẩn, chưa phát hiện hết trong cộng đồng nên dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tại TPHCM, tuy có tình trạng thiếu thực phẩm cục bộ trong vài ngày qua nhưng Bộ Công Thương cho biết số lượng thực phẩm và đồ tươi sống mà thành phố dự trữ đủ cho 12 ngày, tức qua thời điểm thực hiện Chỉ thị 16.
Người dân TPHCM đi qua một chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại quận 1. Ảnh: Minh Duy |
Số ca nhiễm ở TPHCM và phía Nam có thể tiếp tục tăng
Ngày 15-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 27 tỉnh, thành từ Phú Yên đến Cà Mau bàn về những giải pháp mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch Covid-19.
Trong đợt dịch lần thứ 4, bắt đầu từ cuối tháng 4 rồi cho đến thời điểm diễn ra cuộc họp này, cả nước có 33.909 ca Covid-19 trong nước, có 100 người tử vong.
Trong tuần, các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Nai , Đồng Tháp có nhiều ca nhiễm mới.
Theo baochinhphu.vn, Thủ tướng cho rằng, diễn biến dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam còn phức tạp, khó lường, các ca lây nhiễm có thể tăng lên. Khu vực này vẫn còn các nguồn dịch tiềm ẩn, chưa phát hiện hết trong cộng đồng.
Vì vậy, nếu không có giải pháp tốt thì dễ xảy ra vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm dễ dẫn tới chủ quan, gây ra hậu quả nặng nề hơn, làm cho đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp và các chuỗi cung ứng có thể bị tác động mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần nhìn nhận những vấn đề trên để chuẩn bị tốt hơn. Với TPHCM và các tỉnh có diễn biến dịch bệnh phức tạp, ưu tiên số 1 là tập trung phòng chống dịch hiệu quả, nhưng không bỏ qua cơ hội tận dụng được để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Người đứng đầu chính phủ đề nghị, trong tình hình mới phải có cách tiếp cận mới. Các địa phương cần bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, căn cứ điều kiện cụ thể để đưa ra những quyết sách phù hợp. Việc phòng, chống dịch cần đi theo hướng tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp phải được tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm để có thể quyết định những vấn đề có tính chất đột phá. Các địa phương phải thực hiện giao ban hàng ngày để nắm bắt tình hình, dự báo, rút kinh nghiệm về lãnh đạo.
Các bộ và địa phương cần có phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải bảo đảm giao thông thông suốt, không để ách tắc vận tải hàng hoá. Bộ Công Thương bảo đảm cung ứng, phân phối hàng hoá đầy đủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm hoạt động thông suốt các công cụ công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường sản xuất hàng hoá, cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân đang thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ Y tế đáp ứng các yêu cầu liên quan đến bảo đảm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị chống dịch, nhân lực y tế… Với việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, cần bổ sung nhóm ưu tiên là những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu công nghiệp…
Trong trường hợp cần thiết, các bộ ngành có thể lập bộ phận chỉ huy tiền phương, dứt khoát không thể tình trạng thiếu hụt, ách tắc và khó khăn cục bộ.
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở quận 7, TPHCM vào trưa nay (15-7). Ảnh: Minh Duy |
TPHCM dự trữ 120.000 tấn thực phẩm, đủ cho 12 ngày
TPHCM đang trong ngày thứ bảy của đợt giãn cách toàn thành phố để ngăn dịch. Tuy trong mấy ngày qua, tình trạng khan hiếm thực phẩm đã xảy ra trong một số thời điểm nhưng theo số liệu từ Bộ Công Thương, số lượng thực phẩm và đồ tươi sống mà TPHCM dự trữ đủ cho 12 ngày, tức qua thời điểm thực hiện Chỉ thị 16.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, mỗi ngày, người dân TPHCM tiêu thụ từ 9.000 - 10.000 tấn thực phẩm và đồ tươi sống. Hiện tại, lượng hàng dự trữ của thành phố là 120.000 tấn, đủ cho hơn 12 ngày.
Thực phẩm không thiếu nhưng do phải thực hiện một số biện pháp chống dịch như dừng các chợ truyền thống nên người dân khó khăn hơn trong mua sắm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sẽ phân công các cơ quan hai bên phối hợp hằng ngày để giải quyết các vấn đề khó khăn, sẵn sàng cung ứng đủ hàng hóa cho các địa phương, chống găm hàng ép giá và đẩy mạnh sản xuất “4 tại chỗ” các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức các “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Theo đó, từng địa phương phải xây dựng “luồng xanh” để lưu thông hàng hóa đi, đến hoặc đi qua địa phương nhằm giải quyết tình trạng hàng hóa có nơi bị ách tác do các địa phương có cách điều hành khác nhau.
Để giải quyết việc lưu thông hàng hoá, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thống kê toàn bộ lái xe đường dài, tập trung tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người này. Bộ Y tế nghiên cứu lại quy định xét nghiệm định kỳ cho lái xe vận tải hàng hoá.
Theo Phó thủ tướng, các địa phương cần có các phương án phân phối hàng hoá đến người dân, tổ chức các điểm bán hàng an toàn.
Mời đọc thêm:
Sẽ có thêm 20 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ em vào quí 4
Thay đổi cách xử lý ổ dịch, giảm thời gian cách ly F1 và người nhập cảnh
Hàng hóa không thiếu nhưng kênh phân phối tắc nghẽn
Người bị ảnh hưởng Covid-19 làm thủ tục gì để nhận hỗ trợ tiền mặt?