Theo thông tin mới nhất từ Cục Chăn nuôi, ngay trong tháng 7 này, các công ty thức ăn chăn nuôi trong nước lại chuẩn bị đồng loạt tăng giá thêm 5%. Từ đầu năm đến nay, đây là lần tăng thứ 6 của giá thức ăn chăn nuôi.
Như vậy, giá nhiều loại thức ăn đã tăng tới 40%, trong khi giá lợn hơi xuống dưới 60.000 đồng/kg, giá các mặt hàng thịt gia cầm thường xuyên ở ngưỡng dưới giá thành khiến người làm giống, người chăn nuôi chìm sâu trong thua lỗ.
"Nguồn vốn đang thiếu, giá cám đang cao nên không có vốn để vào gà, không có lãi cho người chăn nuôi", một chủ hộ chăn nuôi tại Xã Nam Điền, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết.
Cùng chung tình cảnh trên, 80% lò ấp trứng của một doanh nghiệp cũng đang phải ngừng hoạt động vài tháng nay. Không bán được gà giống nên trứng cũng không được ấp. Doanh nghiệp thua lỗ hàng năm nay.
"Do thức ăn chăn nuôi tăng cao, doanh nghiệp chúng tôi lỗ từ 2 đến 4 tỷ đồng mỗi năm", ông Đặng Như Bình - Công ty CP Tiên Viên cho biết.
Theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm, đến nay đã có khoảng 50% số trang trại lớn phải treo chuồng, và 2/3 số hộ chăn nuôi gia cầm ngừng tái đàn.
Mặc dù chưa đến mức phải treo chuồng nhưng với các hộ chăn nuôi lợn, lợi nhuận cũng đang bị bào mòn. Theo tính toán giá thành 1 kg thịt lợn hơi khoảng 58.000 đồng/kg, trong khi đó, giá bán hiện trên thị trường cũng chỉ từ 58.000 đến 60.000 đồng/kg.
"Giá cám liên tục tăng trong khi giá thịt lợn tiếp tục giảm thì nguy cơ bà con bỏ chuồng là điều tất yếu", ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc hợp tác xã Đồng Tâm nhận định.
Giá thức ăn thường chiếm khoảng 70% trong giá thành sản phẩm chăn nuôi, nên theo các doanh nghiệp nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều trang trại sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.
Việt Nam phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới. Việc giá thức ăn trong nước leo thang như một hệ quả tất yếu của tình trạng trên. Để kìm mức tăng giá của thức ăn chăn nuôi trong nước, mới đây Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu ngô và lúa mì là 2 loại nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Cục Chăn nuôi kiến nghị đưa thức ăn chăn nuôi thành mặt hàng bình ổn giá
Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) một lần nữa đưa ra kiến nghị đưa thức ăn chăn nuôi thành mặt hàng bình ổn giá. Trước đó 3 năm, đề xuất này đã được đưa ra, nhưng vẫn chưa thành hiện thực.
"Để thức ăn chăn nuôi trở thành mặt hàng bình ổn không phải là điều dễ dàng, song nếu đề xuất này được thực hiện nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho ngành chăn nuôi hơn, chủ động cho sản xuất hơn", ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá.
Mỗi năm Việt Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại bán đi hàng triệu tấn sắn, rồi hàng triệu tấn cám gạo cũng chưa có nghiên cứu chuyên sâu để đưa vào làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo các hiệp hội doanh nghiệp, đã đến lúc chúng ta phải có một chiến lược bài bản về tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước
Theo tính toán, mỗi năm toàn ngành nông nghiệp có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, hơn 3 triệu tấn sắn. Theo các nhà khoa học nếu tận dụng tốt nguồn nguyên liệu trên, chúng ta sẽ từng bước chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78241545061701202-gnouhc-oert-ioun-nahc-iougn-tam-gnohc-gnat-na-cuht-aig/et-hnik/nv.vtv