Thương vụ IPO tại Mỹ khiến Didi Global 'mắc kẹt'
Song Thanh
(KTSG) - Khi thực hiện thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đình đám hôm 30-6 vừa qua, Didi Global - nhà cung cấp ứng dụng gọi xe trực tuyến hàng đầu thế giới Didi Chuxing đã cố gắng cân bằng giữa áp lực từ Chính phủ Trung Quốc và các nhà đầu tư Phố Wall. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã thất bại thảm hại, khiến Didi Global rơi vào tình trạng mắc kẹt, và làm mất lòng cả hai phía.
Giới đầu tư Phố Wall hoang mang vì Didi Global
Trong những ngày cuối cùng trước khi Didi Global Inc. niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ vào cuối tháng trước, một sự “lệch pha nghiêm trọng” đã xuất hiện: những gì mà nhà cung cấp dịch vụ gọi xe khổng lồ trao đổi với các ngân hàng Phố Wall hoàn toàn không giống với mối quan hệ thực tế đang diễn ra giữa hãng và các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Các nguồn tin thân cận cho biết, giới chức quản lý Trung Quốc đã tin rằng Didi sẽ tạm dừng đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong khi vẫn đang giải quyết các lo ngại về bảo mật dữ liệu. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Didi lại đưa ra lời đảm bảo với các ngân hàng lớn tại Mỹ rằng, Bắc Kinh đã bật đèn xanh, cho phép hãng hoàn tất quá trình niêm yết.
Hệ quả là các ngân hàng Phố Wall - những người không hề hay biết gì về mối đe dọa sắp diễn ra từ Bắc Kinh, đã nhanh chóng thúc đẩy cho thương vụ IPO đầy tham vọng của Didi Global. Hôm 30-6, nền tảng gọi xe lớn nhất thế giới đã chính thức ra mắt tại sàn chứng khoán New York. Vào ngày giao dịch thứ hai, cổ phiếu của Didi đã bật tăng tới 16%, nâng định giá của công ty lên khoảng 80 tỉ đô la.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Giới chức Bắc Kinh, sau những phút bất ngờ ban đầu về đợt IPO, đã nhanh chóng triển khai những hành động cứng rắn. Hôm 2-7, chính phủ Trung Quốc đã đưa Didi Global vào diện điều tra an ninh mạng và cấm hãng tiếp nhận người dùng mới. Chỉ vài ngày sau đó, Bắc Kinh tiếp tục yêu cầu các cửa hàng ứng dụng ngừng cung cấp ứng dụng của Didi, đồng thời thông báo sẽ thắt chặt các quy định đối với các công ty Trung Quốc đã niêm yết hoặc muốn niêm yết ở nước ngoài.
Giờ đây, Didi hiện đang phải đối mặt với áp lực từ cả hai phía: các quy định thắt chặt kiểm soát tại quê nhà và phản ứng dữ dội từ các nhà đầu tư tại Mỹ và trên toàn cầu. Tính đến ngày 9-7, giá cổ phiếu của Didi Global đã giảm mạnh xuống 12 đô la, thấp hơn 14% so với mức giá IPO.
Kể từ sau tuyên bố rằng hãng không hề biết về kế hoạch thắt chặt kiểm soát của giới chức Trung Quốc, Didi Global đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào. Các đại diện quan hệ công chúng của hãng cũng từ chối trả lời các yêu cầu phỏng vấn.
Tại Mỹ, các ngân hàng hậu thuẫn cho thương vụ IPO đã phải đối mặt với làn sóng tức giận và nghi ngờ từ các nhà quản lý quỹ và các nhà đầu tư, những người liên tục chất vấn họ, vì sao không tiên liệu trước được điều này. Phát ngôn viên của Goldman Sachs Group Inc., Morgan Stanley và JPMorgan Chase & Co., ba ngân hàng bảo lãnh chính cho thương vụ IPO đã từ chối đưa ra bình luận.
Thậm chí, một số nguồn tin thân cận cho biết, ngay cả nhà đầu tư lớn của Didi, tập đoàn SoftBank cũng rất ngạc nhiên với những gì đã diễn ra.
Lòng tin của giới chức Trung Quốc bị phá vỡ
Theo WSJ, ban đầu Didi Global dự định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hãng đã từ bỏ kế hoạch này hồi đầu tháng 4, chủ yếu là do những yêu cầu nghiêm ngặt từ phía sàn chứng khoán, và tìm tới thị trường New York.
Để niêm yết tại New York, Didi hiểu rõ rằng, hãng cần nhận được sự chấp thuận ngầm từ phía Bắc Kinh, ngay cả khi không có quy định chính thức nào về việc này. Ban lãnh đạo hãng đã thảo luận về kế hoạch của mình với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan. Các nguồn tin cho biết, cả Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia - cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu tại Trung Quốc, cũng ủng hộ việc niêm yết cổ phiếu này.
Khi Didi nộp đơn xin IPO tại New York hồi đầu tháng 6, công ty dự kiến sẽ chính thức lên sàn vào đầu tháng 7 và đã thông báo kế hoạch này cho các quan chức tại Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, cũng như các cơ quan quản lý chứng khoán và không gian mạng tại Bắc Kinh.
Các quan chức Trung Quốc khi đó đã kêu gọi công ty hoãn việc niêm yết vì lo ngại rằng các tài liệu IPO theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Mỹ có thể chứa các thông tin và dữ liệu nhạy cảm, mà Bắc Kinh không muốn Washington có thể nắm giữ.
Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc cũng muốn giải quyết vấn đề liên quan đến các tài liệu kiểm toán. Hồi năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật, yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải giao nộp các tài liệu kiểm toán để các cơ quan quản lý của Mỹ kiểm tra, nếu không muốn có nguy cơ bị hủy niêm yết tại Phố Wall. Đây là điều Trung Quốc đã phản đối từ lâu, và hiện đang là một trong những vấn đề bất đồng lớn giữa hai quốc gia.
Đáp lại những lo ngại từ phía giới chức Trung Quốc, Didi Global cho biết, hãng chưa giao bất cứ tài liệu nhạy cảm nào cho các cơ quan quản lý của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Trung Quốc lập luận rằng, chính các cơ quan quản lý chứ không phải công ty mới có thể quyết định những gì được coi là nhạy cảm. Tại Trung Quốc, các nền tảng cung cấp dịch vụ gọi xe như Didi, được luật pháp phân loại là “nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng”, dấu hiệu cho thấy mức độ nhạy cảm an ninh quốc gia.
Đề xuất của Bắc Kinh yêu cầu Didi trì hoãn thương vụ IPO đã buộc công ty phải quyết định xem, cần ưu tiên tuân thủ các quy định của Mỹ hay Trung Quốc. Theo các nguồn tin, Didi đã phát đi tín hiệu tới cơ quan quản lý rằng, hãng sẽ xem xét yêu cầu này, và cảm thấy không có vấn đề gì khi phải hoãn thương vụ IPO nếu cần thiết.
Trong khi đó, ở New York, quá trình niêm yết vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ mạnh mẽ. Ban đầu, Didi Global mong muốn đạt được mức định giá hơn 80 tỉ đô la, nhưng sau đó đã hạ thấp kỳ vọng này, sau các cuộc thảo luận với những nhà đầu tư tiềm năng, vốn có quan điểm hoài nghi về mức định giá quá cao như vậy.
Hôm 10-6, Didi Global đã nộp hồ sơ IPO công khai lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ. Theo lịch trình thông thường, thương vụ IPO sẽ bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 7, phù hợp với kỳ vọng của giới chức Trung Quốc. Tuy nhiên, với sức ép từ các nhà đầu tư, Didi Global đã đẩy nhanh tiến trình này, đưa ra mức giá và quy mô mục tiêu cho đợt bán cổ phần hôm 24-6.
Theo các chuyên gia, đây được coi là một trong những khoảng thời gian ngắn nhất đối với một thương vụ IPO diễn ra trong thời gian gần đây.
Với tốc độ nhanh chóng đó, hôm 29-6, Didi rốt cuộc đã thiết lập mức định giá IPO của mình ở mức 14 đô la/cổ phiếu và bán ra số cổ phiếu trị giá 4,4 tỉ đô la, cao hơn so với dự kiến ban đầu, qua đó, bắt đầu đưa cổ phiếu của hãng lên giao dịch trên sàn NYSE vào ngày hôm sau. Đây được coi là giọt nước làm tràn ly, khiến các cơ quan quản lý tại Trung Quốc cảm thấy tức giận.
Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra bình luận cụ thể về thương vụ IPO này, một số nguồn tin của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, các cơ quan quản lý nghi ngờ việc đẩy nhanh tiến độ niêm yết của công ty là một hành vi cố ý gian dối, bất chấp các yêu cầu về việc lùi thời hạn IPO trước đó.
Những ảnh hưởng lan rộng
Hiện tại, tác động của vụ việc đã lan rộng ra ngoài phạm vi thương vụ IPO của Didi Global khi giới chức Trung Quốc tiếp tục mở các cuộc điều tra nhằm vào nhiều ứng dụng trực tuyến khác của Full Truck Alliance và Kanzhun, hai công ty cũng đã niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ, khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp này giảm mạnh. Quan trọng hơn, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rõ ràng về việc sẽ đẩy mạnh siết chặt các quy định đối với những công ty niêm yết tại nước ngoài.
Đây được coi là tín hiệu đáng lo ngại với các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, vốn đang đẩy mạnh IPO tại Mỹ để tận dụng sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Các dữ liệu của Bloomberg cho thấy, kể từ đầu năm tới nay, 37 công ty Trung Quốc đã niêm yết tại thị trường Mỹ, thu hút lượng vốn trị giá 12,9 tỉ đô la, vượt qua mức của cả năm 2020.
Các ngân hàng lớn tại Phố Wall cho biết, từ chỗ hào hứng đón nhận cổ phiếu Trung Quốc, giới đầu tư hiện đang có tâm lý cảnh giác, và điều này có thể khiến kế hoạch niêm yết tại Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc khác gặp khó khăn lớn trong thời gian tới. “Tôi hiểu thị trường, các nhà đầu tư vốn rất ghét sự không chắc chắn”, ông Brendan Ahern - Giám đốc đầu tư của KraneShares tại New York chia sẻ.
“Hành động đối với Didi và các công ty công nghệ khác mới đây cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cảnh giác với những rủi ro chính trị liên quan đến việc mở rộng thị trường và gọi vốn. Số đợt IPO ở New York của các công ty Trung Quốc có thể sẽ giảm khi những quy định nặng tay mới được đưa ra”, ông Yin Ran, một nhà đầu tư tại Thượng Hải, dự đoán.
Sự chậm lại của làn sóng IPO có thể khiến các công ty Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc gọi vốn, và ảnh hưởng tới hình ảnh của các doanh nghiệp này trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Yan Yiming, một luật sư ở Thượng Hải chuyên giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn nước ngoài, trong bối cảnh giới chức Mỹ ngày càng có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh đang chú trọng hơn tới việc bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân, hoặc bất kỳ thông tin nào được xem là quan trọng đối với “lợi ích quốc gia” từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ.
Nguồn: WSJ, Bloomberg, SCMP
Xem thêm: lmth.tek-cam-labolg-idid-neihk-ym-iat-opi-uv-gnouht/053813/nv.semitnogiaseht.www