Xe chuyển F0 vào Bệnh viện dã chiến số 3 ở khu tái định cư đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: HOÀNG AN
Ngày 16-7, đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND quận 12 về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Đức, quyền chủ tịch UBND quận 12, cho biết đến nay quận đã ghi nhận 736 ca COVID-19.
Giai đoạn từ ngày 9-7 đến 15-7, phát sinh 339 ca nhiễm. Trong đó, 50 ca tầm soát tại bệnh viện, 235 ca tầm soát trong cộng đồng, 32 ca trong khu cách ly, 22 ca trong khu phong tỏa. Hiện quận 12 có tổng cộng 200 khu vực phong tỏa.
Quận 12 đã đưa 4 phường Tân Thới Nhất, Thạnh Xuân, Thạnh Lộc và Hiệp Thành vào nhóm phường có nguy cơ rất cao. Các phường còn lại thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo ông Đức, quận 12 triển khai 60 đội lấy mẫu xét nghiệm đến từng cụm dân cư nhỏ, mời đại diện từng hộ ra lấy mẫu, đảm bảo giãn cách theo chỉ thị 16. Tại khu vực có nguy cơ rất cao, lấy mẫu 100% đại diện hộ gia đình.
Về công tác đảm bảo hàng hóa, quận 12 thực hiện bản đồ số, giới thiệu các điểm bán nhu yếu phẩm trên địa bàn và tổ chức hình thức "đi chợ giúp người dân" do đoàn thể quận, phường tổ chức.
Liên quan công tác hỗ trợ người dân, quận 12 đã phê duyệt 10.122 trường hợp lao động tự do bị mất việc làm. Đến nay đã chi hỗ trợ cho 7.297 người, với tổng số tiền hơn 10,9 tỉ đồng.
Cũng theo ông Đức, hiện nay việc điều chuyển số ca F0 (đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định) đến các bệnh viện điều trị còn chậm do phải chờ các bệnh viện sắp xếp, đôi khi hết chỗ.
Khó khăn thứ hai là đối với các trường hợp test nhanh dương tính, đang chờ kết quả RT-PCR hiện nay có số lượng nhiều, phải tạm cách ly tại khu cách ly của quận. Do vậy, quận 12 đề nghị TP tăng cường bác sĩ hỗ trợ công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe hằng ngày cho các trường hợp này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm việc tại quận 12 sáng 16-7 - Ảnh: ĐAN THUẦN
Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là vấn đề khó khăn chung của rất nhiều quận, huyện. Các địa phương phải tính toán không thể để những trường hợp F0, đặc biệt F0 có triệu chứng, bệnh nền ở khu cách ly tạm thời quá lâu.
"Tôi đã liên hệ lãnh đạo Sở Y tế để có hướng xử lý ngay vấn đề này. Ở góc độ địa phương, tôi đề nghị hết sức lưu ý, lực lượng bác sĩ, nhân viên y tế phải là người có chuyên môn vì những trường hợp F0, đặc biệt F0 có bệnh nền chuyển biến rất nhanh.
Lực lượng hỗ trợ từ các địa phương đến chi viện cho TP.HCM rất nhiều nên nếu thiếu nhân lực địa phương phải báo ngay, TP sẽ điều phối" - ông Phong nói.
Ông Phong đề nghị quận 12 cần phát huy các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, mời những đơn vị này tham gia lực lượng phối hợp.
Đồng thời phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng, thường xuyên kiểm tra bên trong những khu phong tỏa, không để xảy ra tình trạng lây chéo.
TTO - Gần 1.400 nhân viên y tế từ 15 đơn vị trên khắp cả nước chi viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại bệnh viện hồi sức 1.000 giường. Các lực lượng đang chạy đua hoàn thiện nơi điều trị để kịp đón bệnh nhân.
Xem thêm: mth.21791320161701202-mahc-noc-neiv-hneb-cac-ned-0f-neyuhc-cat-gnoc/nv.ertiout