Ngày 16-7, nguồn tin của PLO cho biết Văn phòng đại diện Công ty SUEK AG tại Hà Nội có trụ sở chính ở Thụy Sỹ vừa có đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND và Sở Y tế tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc tàu FAREAST HONESTY có thủy thủ nhiễm COVID-19.
Tàu FAREAST HONESTY có thủy thủ nhiễm COVID-19.
Cụ thể, ngày 14-7, Trung tâm Kiểm soát bệt tật (CDC) Bình Thuận có văn bản gửi Cảng vụ Hàng hải, Bộ đội Biên phòng và Hải quan Bình Thuận. Theo văn bản này, tàu FAREAST HONESTY, quốc tịch Hong Kong vận chuyển hơn 55.000 tấn than, có 21 thuyền viên mang quốc tịch Trung Quốc do ông Zang Jiyou làm thuyền trưởng.
Con tàu xuất bến từ Indonesia ngày 8-7 đến Cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận) lúc 10 giừo ngày 12-7. CDC đã lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả thuyền viên trước khi tàu vào cảng bốc dỡ hàng hóa và đến 8 giờ ngày 13-7, kết quả có ba thuyền viên dương tính với SARS-CoV-2.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để lây lan vào đất liền, CDC Bình Thuận đề nghị không tiếp nhận tàu cập cảng và đề nghị tàu quay lại nơi xuất phát hoặc về nước sở tại để điều trị.
Theo SUEK AG, họ là chủ hàng của lô hàng được vận chuyển bởi tàu FAREAST HONESTY cung cấp than Indonesia về cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (NMNĐ). Công ty cho rằng theo yêu cầu của CDC Bình Thuận hiện đang làm phát sinh rất nhiều khó khăn và tổn thất cho các bên liên quan.
Về phía người mua, NMNĐ Vĩnh Tân 4 đang thiếu hụt nguồn than để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện trong tình hình hiện tại là mùa cao điểm của nhu cầu sử dụng điện.
Về phía nhà cung cấp, SUEK AG đã làm việc với chủ tàu và các bên liên quan về phương án đưa tàu đến nước thứ 3 để xử lý y tế như gợi ý của CDC Bình Thuận nhưng hiện dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại tất cả các nước trong đó có Indonesia.
Do đó việc yêu cầu tàu quay trở lại nước sở tại hoặc đến nước thứ 3 khi trên tàu có ca nhiễm COVID-19 là không phù hợp (việc xuất hiện ca nhiễm trên tàu trong tình hình hiện nay là rủi ro khó tránh khỏi) và không có tính khả thi.
Về mặt kinh tế, nếu tàu hàng phải quay về nước thứ 3 đổi thuyền viên thì ước tính chi phí đi lại sẽ vào khoảng 1,65 triệu USD chưa kể các chi phí phát sinh có liên quan. Tổng thiệt hại ước tính trên 2 triệu USD trong khi NMNĐ Vĩnh Tân 4 một tháng cần tiếp nhận khoảng 600.000 tấn than tương đương 10 chuyến tàu.
Như vậy, nếu áp dụng quy định như hiện nay của CDC Bình Thuận, có thể có rất nhiều chuyến hàng không được cập cảng dỡ hàng, gây thiệt hại không lường hết được cho các nhà cung cấp đồng thời nguy cơ thiếu hụt than để sản xuất điện là hiện hữu.
Để hạn chế tổn thất cho các bên liên quan, Công ty này đề nghị lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các thuyền viên có mặt trên tàu FAREAST HONESTY đang neo đậu tại khu neo Bình Thuận để xác định chính xác số thuyền viên nhiễm virut COVID-19; cách ly toàn bộ những người đã nhiễm virus ra địa điểm được chỉ định bởi CDC Bình Thuận.
Xét nghiệm lại ba lần đối với những thuyền viên còn lại; phun khử trùng toàn bộ tàu; cho phép tàu vào cảng dỡ hàng nếu không phát hiện trường hợp dương tính.
Việc triển khai dỡ hàng hóa trên tàu phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế Việt Nam. Trong trường hợp toàn bộ thuyền viên trên tàu nhiễm virut COVID-19, đề xuất đưa toàn bộ những người này đi cách ly sau đó phun khử trùng toàn tàu và chủ tàu sẽ thuê một đội thuyền viên mới tại Việt Nam để đảm nhận việc dỡ hàng.
Toàn bộ chi phí xét nghiệm và tất cả các chi phí liên quan đến hướng xử lý trên sẽ do Công ty Suek AG phối hợp cùng chủ tàu để chi trả…
Theo CDC Bình Thuận, họ căn cứ vào Nghị định số 77/2017 quy định về quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu, cảng để ra văn bản trên để đảm báo công tác phòng chống dịch.
Trong khi đó, trên diễn đàn Thuyền viên Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng buộc tàu quay lại với chi phí vô cùng đắt đỏ là chưa hợp lý và nên giải quyết theo hướng đề nghị của Công ty SUEK AG.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Thuận chưa có ý kiến chính thức về vụ việc này.