Doanh nghiệp sản xuất cung ứng suất ăn hàng không cung cấp đến từng bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung - Ảnh: VACS
Trước tình hình dịch COVD-19 diễn biến phức tạp, ngành hàng không gặp vô vàn khó khăn, hàng loạt máy bay "nằm đất". Thay vì phục vụ nhóm khách hàng không, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không đã chuyển hướng, đổi mới các sản phẩm của hàng không để tìm cách bán hàng dưới... mặt đất.
Kinh doanh bán hàng, phòng chờ hạng thương gia vốn là thế mạnh của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, doanh nghiệp này đã phải tạm ngưng hàng hoạt cửa hàng, phòng chờ khiến doanh thu giảm mạnh.
Tìm hướng đi mới trong thời điểm dịch, Sasco đẩy mạnh kênh bán hàng online với hàng hoạt sản phẩm như thịt bò Úc, nước ép trái cây... với dịch vụ giao hàng tận nơi.
Đơn vị này cho biết thịt được nhập khẩu trực tiếp với các loại như thăn vai, thăn ngoại, giá từ 160.000 - 175.000 nửa ký. Đảm bảo an toàn quá trình giao sản phẩm đến tay khách hàng, doanh nghiệp này cho biết nhân viên giao hàng đã được tiêm vắc xin.
Tương tự, các doanh nghiệp cung ứng suất ăn hàng không cũng tìm lối ra trên bộ bằng "hạ cánh" sản phẩm xuống cửa hàng bán lẻ, khách sạn... trong thời điểm hàng không đang "ngủ đông".
Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không. Với việc cung cấp trung bình 22.000 suất ăn mỗi ngày cho các chuyến bay quốc nội, quốc tế từ sân bay Nội Bài, công ty thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 "ăn mòn" ngành hàng không, hoạt động kinh doanh của NCS cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng. Lũy kế cả năm 2020, công ty này lỗ 38,1 tỉ đồng, trong khi năm 2019 lãi sau thuế hơn 43 tỉ đồng.
Ngoài việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với lịch bay của các hãng hàng không trong mùa dịch, doanh nghiệp đã đã lên kế hoạch tiếp cận các nhóm khách hàng mới.
Chẳng hạn, dự án cung cấp bữa ăn nhẹ đạt chuẩn suất ăn hàng không quốc tế cho học sinh của một số hệ thống trường học quốc tế ở Hà Nội và Hải Phòng. NCS tập trung nghiên cứu và phát triển thêm các dòng sản phẩm mới như trà sữa, giò xào, bánh trung thu mang thương hiệu "Lotus Sky" để phục vụ các "khách hàng mặt đất".
Xí nghiệp Suất ăn Hàng không Tân Sơn Nhất (VACS) tại Tân Sơn Nhất, cũng định hướng phát triển sản phẩm mới cho thị trường trong nước với slogan "Both Cloud and Ground" - phục vụ đồ ăn trên không cho khách hàng dưới mặt đất.
Theo bà Phạm Nguyễn Việt Thi - phòng Marketing VACS - xuất phát từ nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe của đối tác là các trường học, bệnh viện, khách sạn… được sử dụng làm cơ sở cách ly, nhà máy, khách hàng nhân viên văn phòng, ý tưởng về những sản phẩm mới đã ra đời, đều là những sản phẩm thế mạnh của đơn vị như bánh ngọt, đồ ăn trên không, đồ ăn sơ chế cho người bận rộn. Những suất ăn này đáp ứng tiêu chuẩn thế giới với mức giá Việt.
Đại diện các doanh nghiệp cho biết hướng đi mới đã giúp những công ty này tồn tại được trong giai đoạn đầy biến động và mở ra cơ hội khai thác thị trường khách hàng mặt đất rộng lớn và đầy tiềm năng, khi cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm thê thảm.
Trong giai đoạn tới, "đại gia" cung ứng suất ăn hàng không NCS xác định lĩnh vực hoạt động chính là cung ứng sản phẩm dịch vụ suất ăn hàng không tại sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn, đẩy mạnh phục vụ suất ăn phục vụ thị trường phi hàng không hệ thống siêu thị, đại lý...
Dù vậy, các đơn vị cũng thừa nhận nhóm khách hàng mới hoàn toàn khác biệt về nhu cầu cũng như hành vi so với khách hàng truyền thống là các hãng hàng không. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận mới, hoàn toàn khác biệt.
TTO - Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh thành hạn chế chuyến bay khai thác đi, đến từ TP.HCM khiến sân bay nhộn nhịp nhất nước - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất - rơi vào tình cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
Xem thêm: mth.73440816161701202-ohp-gnoux-na-taus-aus-art-cu-ob-tiht-nab-gnohk-gnah-peihgn-hnaod/nv.ertiout