Tài xế xếp hàng ở Buôn Ma Thuột để làm "giấy thông hành" COVID-19 - Ảnh: TRUNG TÂN
Câu chuyện giới tài xế vạ vật trên đường vì giấy thông hành, những cán bộ y tế căng mình tại các chốt kiểm soát vì phải test nhanh hàng ngàn lượt người mỗi ngày đã quá quen thuộc và sinh ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười.
Việc phải "phòng vệ" từ xa của từng địa phương trong công tác phòng dịch là cần thiết, nhưng cách triển khai lại mỗi nơi một nẻo, không có sự thống nhất.
Ngày 10-5, trong văn bản gửi các địa phương triển khai xét nghiệm SAR-CoV-2, Bộ Y tế quy định, cùng với nhiều nhóm tuyến đầu, tài xế đường dài được test nhanh tại chốt, còn các đối đối tượng khác chỉ cần khai báo y tế tại chốt, test nhanh tại địa phương, cách ly tại nhà…
Đáng buồn là có những nơi, như Bình Phước, diễn giải quy định này bằng cách đẩy khó cho dân khi buộc các tài xế phải quay lại xin giấy thông hành, ngay cả với những người không dừng lại, cả công dân của tỉnh quay về.
Vậy nên mới có câu chuyện anh tài xế 7 ngày vạ vật trên xe để xin giấy thông hành mà Tuổi Trẻ Online đã phản ánh.
Hay như chuyện một thanh niên ở TP.HCM, dù có kết quả test nhanh âm tính, đã lặn lội về đến Đồng Tháp, nhưng chốt kiểm soát tỉnh này buộc anh này quay lại TP.HCM với quãng đường khoảng 200km vì… chưa có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Có thể thấy đã không có một cách hiểu thống nhất giữa các địa phương, cho dù đó là trên một cung đường từ Tây Nguyên về miền Đông, hay từ Sài Gòn đến miền Tây, khiến cho mỗi nơi một cách làm, và hệ quả là đẩy cái khó về cho người dân.
Cả quốc lộ kẹt cứng vì giấy thông hành - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho rằng việc đòi hỏi đại trà tất cả những ai qua chốt phải có giấy thông hành là một việc làm không cần thiết, và tỉnh này đã đề nghị Bộ Y tế có kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc có cần áp dụng giấy thông hành khi qua chốt hay không.
Đến nay, chưa thấy bất cứ một thông tin nào về xử lý những bất cập đối với giấy thông hành COVID-19 này.
Vì cho đến chiều 16-7, dù Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã yêu cầu cho những xe không dừng đỗ được đi không cần giấy thì Bình Phước vẫn "có giấy thông hành thì thông chốt". Tại các chốt kiểm dịch, tỉnh này vẫn không tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho tài xế đường dài…
Khi dịch đang căng thẳng, một mặt, giá cả tại những thành phố lớn như TP.HCM đang tăng nhanh vì tắc chuỗi cung ứng, trong đó có các xe hàng vì rắc rối của "giấy thông hành", nhu cầu thông xe là một điều "thiết yếu".
Đẩy khó lên vai người dân, hay đẩy khó cho tỉnh bạn là tâm lý của nhiều địa phương. Vì thế, rất cần có một giải pháp thống nhất từ trung ương đến các địa phương, với những hướng dẫn, giải pháp cụ thể, thống nhất để gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân.
Nếu xác định cần giấy thông hành, phải quy định rõ hơn, phải có nơi khi dân có việc quan trọng, sẽ được test nhanh và có ngay.
Còn nếu thấy không cần thiết, rườm rà, gây khó… cần nhận sai và loại bỏ để bàn bạc, đưa ra các giải pháp khả dĩ hơn…
TTO - Liên quan đến vụ "2 tỉnh không nhận, vạ vật ăn ngủ trên xe suốt tuần vì 'giấy thông hành'", nhiều tài xế chạy trên quốc lộ 14 qua tỉnh Bình Phước vẫn lo lắng trường hợp gặp sự cố, giấy xét nghiệm hết hạn giữa đường thì lại bị mắc kẹt.
Xem thêm: mth.64994555161701202-hnah-gnoht-yaig-ev-nad-iougn-ohc-ohk-yad-gnud/nv.ertiout