Trong cuộc họp Chính phủ chiều 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại khu vực phía Nam. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống. Vì vậy việc các cấp, các ngành đang chạy đôn chạy đáo để lo đủ nguồn thực phẩm cho người dân là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Tại TP Hồ Chí Minh, số ca nhiễm COVID-19 tăng cao khiến các chợ truyền thống lần lượt bị đóng cửa. Không những vậy, hiện hoạt động tại chợ cũng bị rút ngắn lại khiến cho việc cung ứng rau xanh cho nhu cầu người dân bị ảnh hưởng. Rau xanh đang là món ăn vắng mặt trong mâm cơm của nhiều gia đình do nguồn cung thiếu đột ngột.
Nguồn cung thiếu đột ngột, rau xanh tại TP Hồ Chí Minh tăng giá mạnh
Chợ đóng cửa nên những ngày vừa qua, người dân đã phải xếp hàng dài để được vào siêu thị. Nhu cầu duy nhất là được vào bên trong chỉ để mua rau.
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị trong ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: PLO)
"Bình thường mua 10.000 đồng, bây giờ 12.000 - 13.000 đồng nhưng phải đi sớm mới còn đồ tươi, còn đi muộn là hết", bà Lê Ngọc Anh, người dân quận 10, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Có lẽ chưa bao giờ nhu cầu mua một bó rau lại trở nên quan trọng với nhiều người dân TP Hồ Chí Minh như lúc này. Toàn thành phố chỉ còn 53 chợ hoạt động, các chợ đầu mối cũng bị đóng cửa vì dịch bệnh khiến nguồn cung về số ít chợ còn lại trở nên căng thẳng.
Trên các mạng xã hội, nhiều người đã ví von giờ mua được rau còn quý hơn mua được vàng. Cũng từ đây, mọi người bắt đầu san sẻ với nhau những bó rau củ làm quà quê gửi lên trong lúc hiếm hoi này. Còn nếu ai mua được rau ở chợ đành chấp nhận mức giá cao hơn nhiều lần so với trước đây.
Chợ Nguyễn Tri Phương vừa được hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa nhưng cũng chỉ cho hoạt động buổi sáng nên cũng chưa đủ đáp ứng hết nhu cầu của người dân.
Để giải quyết tình trạng này, các tiểu thương cũng như người dân mong mỏi thành phố sẽ sớm có giải pháp khôi phục lại hoạt động của một số chợ truyền thống.
TP Hồ Chí Minh nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa cho người dân
Không ít người dân lo lắng và đổ xô đi tích trữ lương lực, thực phẩm. Thống kê tại một số hệ thống phân phối cho thấy, nhu cầu tiêu dùng của người dân TP Hồ Chí Minh tăng từ 10 lần trở lên trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Dù đã lường trước nhiều kịch bản ứng phó, nhưng vẫn không tránh được tình trạng thiếu hàng hóa cục bộ ở một số thời điểm nhất định, đặc biệt là đối với nhóm hàng tươi sống.
Hàng ngày, cứ vào tờ mờ sáng, những kiện rau sẽ đến với các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên việc vận chuyển và phân phối hàng nông sản, hàng tươi sống gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để có được những mặt hàng nông sản xuất hiện trên bàn ăn của người dân thành phố, đòi hỏi sự nỗ lực của rất nhiều đơn vị liên quan.
"Hàng ngày, em và các nhân viên phải tiếp xúc với hàng ngàn khách hàng. Dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng mình cố gắng làm việc, vì đây là những mặt hàng thiết yếu cung cấp cho người dân dùng hàng ngày", anh Trần Quang Tiến Dũng, nhân viên siêu thị Vinmart 3/2, quận 10, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Một điểm điểm bán hàng lưu động tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: PLO)
Ghi nhận tại một trong những điểm bán hàng lưu động đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, 3 nhân sự được siêu thị điều động đến trực và lưu trú tại điểm bán trong suốt 15 ngày giãn cách. Điểm bán hàng lưu động này được triển khai nhằm giải tỏa một phần áp lực cho các siêu thị và chợ truyền thống. Khi đến mua hàng, người dân phải xếp hàng, mỗi lượt 5 người di chuyển thẳng, chỉ có một lối vào - ra, mua sắm đủ dùng và phải luôn đảm bảo giãn cách.
"Chính quyền địa phương hỗ trợ toàn lực cho điểm bán. Ở đây, chúng tôi cố gắng về hàng nhiều đợt cho bà con, đồng thời giữ giá bình ổn để bà con an tâm mua sắm", anh Lê Thành Nhàn, nhân viên siêu thị Co.opXtra Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, cho hay.
Nỗ lực đã rõ, tuy nhiên khi các chợ đầu mối và chợ truyền thống vẫn chưa thể tái hoạt động, các hệ thống phân phối với lượng khách hàng lên đến hàng triệu người mỗi ngày, khó khăn lớn nhất hiện nay là đảm bảo bằng được chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ra công văn khẩn đề nghị trước mắt, các địa phương cần chỉ đạo các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho lưu thông, tiêu thụ nông sản; đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lao động tham gia chuỗi cung ứng.
TP Hồ Chí Minh sau 1 tuần giãn cách
TP Hồ Chí Minh đã trải qua 7 ngày giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã đi đúng hướng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, để 7 ngày cuối không bị lãng phí, TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều việc phải làm chứ không chỉ lo việc nguồn cung thực phẩm cho người dân.
Nhìn lại quãng thời gian 7 ngày vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá vẫn còn nhiều thiếu sót trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, nhiều bất cập trong quy trình xử lý và điều trị F0 vẫn còn, như thời gian điều chuyển F0 từ địa phương đến các bệnh viện còn chậm. Công tác điều chuyển F0 từ tuyến cơ sở lên tuyến trên vẫn còn lúng túng.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. (Ảnh: NLĐ)
"Rút ngắn thời gian chờ đợi di chuyển các ca F0 đang được điều trị tại tuyến quận, huyện có dấu hiệu chuyển nặng đến các bệnh viện tuyến trên; giao cho Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đề ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; thiết lập ngay đường dây nóng, có trách nhiệm nắm chắc khả năng tiếp nhận của các bệnh viện điều trị ở tuyến trên; tiếp nhận thông tin của quận, huyện về trường hợp F0 đang chuyển biến nặng và kịp thời điều phối chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất điều trị", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cũng trong 7 ngày vừa qua, dựa theo số liệu được phân tích cho thấy, phần lớn các ca phát sinh mới đều trong khu cách ly và khu phong tỏa. Lãnh đạo UBND thành phố cho biết, không loại trừ có sự lây nhiễm chéo giữa các khu này.
Bên cạnh đó, với số ca nhiễm tăng mạnh như hiện nay, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu phải giảm áp lực cho khối điều trị để khối này tập trung xử lý các ca bệnh nặng, tránh để xảy ra trường hợp tử vong. Thành phố cũng tập trung vào việc nâng năng lực xét nghiệm của thành phố. Công tác xét nghiệm vẫn còn tập trung đông người, đôi lúc trả kết quả còn chậm, nhiều nơi vẫn chưa thành lập các tổ xét nghiệm.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn khi đưa vào hoạt động các khu cách ly mới, TP Hồ Chí Minh vừa ký quyết định thành lập Trung tâm mua sắm thiết bị y tế tạm thời.
Trong thời gian còn lại của việc giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu 100% quận, huyện và TP Thủ Đức phải lập tổ hỗ trợ, phản ánh nhanh tại địa phương; vận hành ngay đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân phiền hà vì hành xử của cơ quan chức năng.
VTV.vn - Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều mô hình mới đang được kích hoạt nhằm tăng lưu thông hàng hóa, hạn chế tối đa tình trạng người dân không mua được hàng thiết yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!