Hơn 400 con đông trùng hạ thảo tiêu huỷ nằm trong số hàng hóa vừa bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) bắt giữ gần đây tại Hà Nội.
Chiều 16.7, Tổ công tác 368 (Tổng cục QLTT) phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT và Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã tổ chức tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm, hàng hóa là mỹ phẩm, nước hoa… không có giá trị sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá hơn 2 tỉ đồng.
Số hàng hóa trên là tang vật đã bị lực lượng QLTT tịch thu trên địa bàn Thành phố Hà Nội thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Đáng chú ý, trong số hàng hóa bị tiêu hủy có 36 vỉ đông trùng hạ thảo, mỗi vỉ chứa 10 con được hút chân không, cùng một lượng lớn đựng trong hộp nhựa và túi bóng với tổng số lượng 480 con. Số đông trùng hạ thảo trên là tang vật của vụ buôn bán đông trùng hạ thảo không rõ nguồn gốc bằng hình thức livestream thông qua Facebook đã bị Tổ công tác 368 (Tổng cục QLTT) phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT và Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra và xử lý hồi tháng 6.2021.
Được biết, đây là một trong những vụ kinh doanh đông trùng hạ thảo lậu, không rõ nguồn gốc trên nền tảng thương mại điện tử lớn nhất từ trước đến nay được Cục QLTT Hà Nội kiểm tra, phát hiện và xử lý.
Tại thời điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở đã dành một khoảng rộng để dựng biển hiệu với nội dung “Đông trùng VIP Đông trùng hạ thảo Tây Tạng” phục vụ quá trình livetreams bán hàng.
Theo quy định của pháp luật, Tổng Cục Quản lý thị trường đã chủ trì tiêu hủy tất cả hàng hóa tang vật vi phạm hành chính dưới sự giám sát của lực lượng chức năng.
Toàn bộ số sản phẩm vi phạm được tiêu hủy đúng hình thức, quy trình, quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn. Sản phẩm sau khi tiêu hủy không còn giá trị sử dụng.
Công tác tiêu hủy được thực hiện công khai, thông tin rộng rãi nhằm tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong việc chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm về an toàn thực phẩm… tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xem thêm: odl.481139-gnat-yat-piv-oaht-ah-gnurt-gnod-noc-004-noh-yuh-ueit-ion-ah/gnourt-iht/nv.gnodoal