- Chứng khoán, bất động sản góp phần tăng thu ngân sách
- Hoãn thuế cho doanh nghiệp không làm thất thu ngân sách
Ngân sách thặng dư vì chi kém thu
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: thu nội địa đạt 56,3% dự toán, tăng 13,9%. Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.
“Kết quả thu NSNN 6 tháng được đánh giá là tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là ở một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo”, đại diện Bộ Tài chính thông tin.
Tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng gia tăng. |
Về chi NSNN, 6 tháng đầu năm ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán. Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước- 6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán. Theo Bộ Tài chính, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi); trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện trên 33,1 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra trên 323,9 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 7,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 30,2 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 6,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Tổng số nợ thuế nội địa đến 30/6/2021 ước gần 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2020. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng còn phức tạp, đòi hỏi ngành Tài chính cần làm tốt hơn công tác quản lý.
Ưu tiên kinh phí phòng, chống dịch
Trong nửa đầu năm 2021, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và thực hiện miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm mua vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch; 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ”, Bộ Tài chính thông tin
Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vaccine tiêm phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020; thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ vaccine đã huy động được khoảng 8 nghìn tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25 nghìn tỷ đồng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhất trí với các nhóm nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đề ra và chỉ đạo các cấp ở địa phương phải vào cuộc cùng ngành Tài chính thực hiện các giải pháp, phấn đấu tăng thu tối thiểu 3 - 5% so với dự toán Quốc hội giao. Đồng thời, toàn ngành triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, ứng phó với đại dịch.
Xem thêm: /864056-naot-ud-85-noh-tad-man-aun-hcas-nagn-uhT/us-ioht-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac