Vừa qua, trong cuộc họp trực tuyến về tình hình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu thiết lập đường dây nóng ở từng quận, huyện, TP Thủ Đức, sở, ngành, MTTQ Việt Nam TP, HĐND TP để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Giải đáp thắc mắc của người dân
Trao đổi với PV, anh Trần Hoan, ở quận Gò Vấp, cho biết thời gian đầu TP áp dụng Chỉ thị 16, cuộc sống người dân có phần bị rối dẫn đến nhiều trường hợp không biết xử lý như thế nào. Hiện có hai vấn đề mà nguời dân quan tâm: Một là khi có dấu hiệu của bệnh COVID-19 hoặc có liên quan dịch tễ tới một ổ dịch nào đó thì liên hệ với ai, qua số điện thoại nào để được hỗ trợ. Hai là người dân đang trong trường hợp đang khó khăn do dịch bệnh cần sự trợ giúp thì gọi tới đâu.
“Không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh để lướt mạng, cập nhật thông tin. Hoặc có thì cũng có người không biết sử dụng các ứng dụng như Zalo, Facebook. Do đó, số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ người dân trong lúc này là rất cần thiết” - anh Hoan nói.
Chị Anh Đào, ở quận Gò Vấp, cũng cho biết có những người dùng được mạng xã hội thì lên Facebook biết được các điểm phát lương thực miễn phí. Nhưng cũng có một số người đang gặp khó khăn do mất việc làm, không buôn bán được thì không biết xoay xở ra sao khi cần hỗ trợ. Phường cũng như các nhóm thiện nguyện cũng không thể biết hết được ai, nơi nào cần hỗ trợ, giúp đỡ.
“Tôi nghĩ các quận, huyện thiết lập được số điện thoại đường dây nóng sẽ rất hữu ích trong mùa dịch bệnh này. Khi cần người dân biết gọi ở đâu để được giúp đỡ” - chị Đào nói.
Anh Nguyễn Thiện, ở TP Thủ Đức, cho biết anh thường xuyên theo dõi thông tin trên địa bàn thông qua trang Zalo “Thành phố Thủ Đức” của UBND TP Thủ Đức. Ngày 11-7, anh đọc được thông tin TP Thủ Đức thông báo thiết lập đường dây nóng qua số điện thoại 0854.383438 hoạt động 24/7, tiếp nhận thông tin y tế liên quan đến dịch COVID-19.
“Ngay lập tức, tôi đã chia sẻ thông tin này cho các nhóm bạn bè, người thân trên địa bàn Thủ Đức để mọi người được biết. Tôi nghĩ đường dây nóng này sẽ hỗ trợ, giải quyết rất nhiều thắc mắc của người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay” - anh Thiện chia sẻ.
Đường dây nóng góp phần kiểm soát dịch bệnh
Trao đổi với PV, ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, cho biết việc tiếp nhận thông tin của người dân gửi đến đường dây nóng sẽ được lãnh đạo phường nghe và xử lý. Đường dây nóng sẽ tiếp nhận nhiều lĩnh vực mà người dân thắc mắc hoặc khó khăn trong mùa dịch. Ví dụ: Người dân báo đang gặp khó khăn nhờ phường hỗ trợ, có người thì thắc mắc về chính sách hỗ trợ gói 886 tỉ đồng của TP, có người thì gọi phản ánh khi thấy người khác vi phạm trong công tác phòng chống dịch… Tất cả thắc mắc, yêu cầu của người dân gọi đến đều được giải đáp, nếu ngoài khả năng xử lý, phường sẽ chuyển thông tin đến các đơn vị liên quan ngay.
“Việc thiết lập đường dây nóng hỗ trợ rất nhiều cho địa phương trong công tác phòng chống dịch. Đây cũng là kênh thông tin để phường nắm chính xác hơn về những tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có giải pháp xử lý nhanh, kịp thời” - ông Bình chia sẻ. Được biết ngày 14-7, trên trang Zalo “UBND quận Gò Vấp” của UBND quận Gò Vấp cũng có thông báo danh sách những số điện thoại liên hệ để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Theo đó, người dân tại quận Gò Vấp liên hệ qua số điện thoại của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận: (028) 39 962 793 và Cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM: (028) 38 272 361 - (028) 38 293 771 để được hỗ trợ.
Ngoài ra, UBND quận Gò Vấp cũng thiết lập đường dây nóng số 0908.083.885 cùng với 18 số điện thoại khác tại UBND các phường, Trung tâm Y tế quận, bệnh viện quận để tiếp nhận và xử lý thông tin về dịch COVID-19.
Tại quận 12, UBND quận này đã thiết lập nên bản đồ số phục vụ cho việc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, người dân chỉ cần truy cập vào địa chỉ: http://covid.quan12.gov.vn/map. Đây là bản đồ tổng quan về tình hình dịch trên địa bàn quận 12. Trong bản đồ này thể hiện đầy đủ các điểm đang phong tỏa, các trạm y tế, các cửa hàng để mua lương thực và số điện thoại kèm theo.
Trên địa bàn phường Tân Thới Nhất, quận 12, ngoài việc thông báo số đường dây nóng, phường còn công bố cả số điện thoại của lãnh đạo phường để người dân tiện liên lạc khi cần thiết.
Ông Lưu Minh Đạt, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, cho biết việc tiếp nhận đường dây nóng phường giao cho hai cán bộ phường trực và tiếp nhận. Chủ yếu người dân thắc mắc về những chính sách hỗ trợ của TP và phản ánh những người có hành vi vi phạm việc phòng chống dịch trên địa bàn.
“Để giúp những phản ánh của người dân được xử lý nhanh nhất, chúng tôi đã công bố rộng rãi số điện thoại cá nhân của lãnh đạo phường để người dân biết. Cần phản ánh thông tin ở lĩnh vực nào, người dân sẽ gọi ngay người phụ trách để được giải quyết ngay” - ông Đạt cho biết.•
Truy vết F0 nhanh từ đường dây nóng Đường dây nóng được thiết lập sẽ giúp các cơ quan chức năng của TP Thủ Đức truy vết, khoanh vùng được nhanh để sớm tách các F0 ra khỏi cộng đồng, từ đó sớm kiểm soát được dịch bệnh. Khi người dân có các biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 như sốt, ho khan, đau tức ngực, mất vị giác… cần liên hệ ngay tới đường dây nóng để các đội phản ứng nhanh tiến hành xuống lấy mẫu bệnh phẩm ngay tại nhà. UBND TP Thủ Đức |