Ngày 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
Tổ công tác này được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 17-6-2020 của Thủ tướng.
Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Tổ phó thường trực là Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Các Tổ phó Tổ công tác là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT và Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Thành viên Tổ công tác là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Tài chính, TN&MT, Công Thương, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT, Ngoại giao, Công an, KH&CN, VH-TT&DL, LĐ-TB&XH, TT&TT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ công tác giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Cạnh đó, đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.
Tổ công tác còn tham mưu cho Thủ tướng các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới; chủ động tiếp cận, đàm phán với các Tập đoàn lớn, có công nghệ cao nhằm vận động, xúc tiến đầu tư.
Tổ công tác còn có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, đầu tư vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao gắn với hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển.
Cùng với đó, hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam; định kỳ hằng quý hoặc trong trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng kết quả, tiến độ, hướng xử lý nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân liên quan…
Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; mời các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ.
Các dự án thuộc phạm vi nhiệm vụ rà soát của Tổ công tác gồm dự án đầu tư công (dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài); dự án đầu tư kinh doanh (dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI); dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định này và Quy chế hoạt động của Tổ công tác.
Tổ công tác làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về phần việc được phân công. Đáng chú ý, Tổ trưởng Tổ công tác được sử dụng con dấu của Thủ tướng. Tổ phó thường trực Tổ công tác sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện nhiệm vụ và điều hành hoạt động của Tổ công tác. Các Tổ phó Tổ công tác và thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ được giao của Tổ công tác...
Kinh phí hoạt động của Tổ công tác, nhóm giúp việc được bố trí riêng trong dự toán ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan theo quy định hiện hành.