Tối 16/7, TP.HCM tiếp tục họp báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Về việc xác minh hệ thống Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng, Phó Cục Trưởng cục Quản lý thị trường TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Sau khi chúng tôi nhận được thông tin, cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tổ chức hai đoàn đi kiểm tra một số cửa hàng trong chuỗi bán hàng của Bách Hóa Xanh trong chiều ngày 16/7”.
Thực tế, tại các điểm được kiểm tra thì hàng hóa của Bách Hóa Xanh từ rau củ quả, thịt tôm, hải sản, các đồ dùng thiết yếu đều đầy đủ.
Việc tổ chức bán hàng phối hợp với các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách, kiểm soát số lượng người vào trong siêu thị xếp hàng là thực hiện nghiêm túc. Số lượng người mua không nhiều.
"Chúng ta cũng cần xác định rõ, việc tăng giá quá mức, tăng giá bất hợp lý, tăng giá lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính thì những điều đó là vi phạm. Cơ quan quản lý sẽ căn cứ theo các văn bản quy phạm pháp luật sẽ có xử lý khi chứng minh được đầy đủ các dấu hiệu hành vi vi phạm đó", ông Đạt nói.
Những mặt hàng không nằm trong danh mục quản lý giá hoặc phải đăng ký giá, công bố giá thì doanh nghiệp thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá theo quy định. Còn giá cả đó đúng hay sai, có quá mức hay không thì phải có cơ quan chức năng đưa ra đánh giá.
“Chúng ta rất khó để nhìn vào mà đánh giá việc tăng giá đó có hợp lý hay không, có vi phạm hay không. Đối với hệ thống Bách Hóa Xanh, người bán hàng có trả lời rằng, không có tăng giá đột biến”, ông Đạt thông tin.
Vì thế, cục Quản lý thị trường TP.HCM chưa đủ căn cứ đánh giá mà cần tìm hiểu thu thập thêm thông tin để có kết luận.
"Chúng tôi cần xác minh thêm qua chứng từ. Nếu đầu vào tăng thì đầu ra phải tăng theo. Cục Quản lý thị trường TP.HCM đề nghị cơ quan chuyên môn về tài chính, chính quyền địa phương đưa ra đánh giá, tham vấn về dấu hiệu tăng giá bất thường để có căn cứ xử lý", ông Đạt nhận định.
Trước đó vào ngày 13/7, cục Quản lý thị trường TP.HCM đã có văn bản thông tin đường dây nóng của Cục và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại TP.HCM (Ban Chỉ đạo 389) để người dân kịp thời phản ánh hành vi thu lợi bất chính trong dịch bệnh.
Sau 3 ngày công bố rộng rãi, nhiều người dân cho biết không nhận được phản hồi từ đường dây nóng. Lãnh đạo cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, về quy trình làm việc, sau khi tiếp nhận và phân loại, thông tin phản ánh của người dân sẽ được chuyển đến cho lãnh đạo phụ trách liên quan.
Sau khi xem xét, lãnh đạo chuyển thông tin cho kiểm sát viên để xác minh và xử lý đối tượng vi phạm (nếu có) theo quy định.
Thừa nhận hệ thống còn bất cập, ông Đạt phân trần: “Hiện nay chúng tôi mới chỉ có hai số điện thoại bàn, dùng ưu tiên để nhận thông tin, chứ không phải là hai tổng đài có nhiều kênh tiếp nhận hay nhiều máy đầu ra. Đây là đường dây nóng hết sức thô sơ”.
Do hai số điện thoại Cục cung cấp là điện thoại bàn nên tại nhiều thời điểm đã xuất hiện tình trạng hệ thống bị treo, các cuộc gọi chồng lấn với nhau,... khiến người dân không nhận được phản hồi.
Để khắc phục vấn đề đó, đơn vị đang có dự thảo phương án thành lập tổng đài tiếp nhận thông tin để tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân một cách có hệ thống, khoa học kĩ thuật.
Trong thông cáo báo chí phát ra, chủ quản của hệ thống Bách Hòa Xanh là tập đoàn Thế giới Di động khẳng định "Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân".
Thứ nhất là thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.
Thứ hai là chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục từ kho đến cửa hàng khi nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến. Nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.
Thêm nữa là chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng ngàn tài xế giao hàng và nhân viên kho. Chi phí để lấy giấy xét nghiệm chỉ có giá trị 3 ngày cho hàng trăm nhân viên đi làm ở 2 tỉnh lân cận nhau.
Hay chi phí thuê chỗ ở cho nhân viên ở gần kho và cửa hàng để hạn chế di chuyển giữa 2 tỉnh lân cận hoặc giảm thiểu nguy cơ nhân viên bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa.