Dù bị cấm ở Việt Nam, nhưng liên tục trong thời gian qua, tiền ảo trở thành công cụ cho các nhóm đối tượng lợi dụng để lừa đảo người dân. Vấn đề cho thấy các cơ quan quản lý cần nhìn nhận rõ những nguy cơ, rủi ro tiềm tàng của loại hình này trước khi chính thức thí điểm và sử dụng tiền ảo trên thị trường.
Chiêu thức “ve sầu thoát xác”
Gần đây, khi hoạt động đầu tư ngoại hối thu hút sự chú ý lớn của người dân, nhiều sàn forex trái phép đã mọc lên tràn lan. Theo một thống kê của Công an TP.Hà Nội, thị trường Việt Nam đang có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép (sàn forex) tồn tại.
Để lấy lòng tin của nhà đầu tư, các đối tượng đứng sau quảng cáo rằng sàn forex có nguồn gốc từ nước ngoài, độ uy tín cao, có các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, từ 15 - 30%/tháng.
Có một điểm đáng chú ý trong cách thức hoạt động của một số sàn forex trái phép hiện nay là sau khi đã thu hút được một số lượng lớn tiền đầu tư từ phía người dân, các sàn này bắt đầu tuyên bố sẽ chính thức phát hành một đồng tiền ảo. Và họ ngang nhiên quy đổi tiền của nhà đầu tư sang các đồng tiền ảo này và cho hay sẽ chuẩn bị lên sàn giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, sự thật đã lộ diện. Giá trị của đồng tiền ảo của các sàn forex trái phép vô cùng thấp. Người tham gia lúc này mới tá hỏa là số tiền lớn đổ vào sàn forex đã bốc hơi theo ảo vọng tiền ảo.
Đơn cử như đầu tháng 2.2021, Công an TP.Đà Nẵng đã cảnh báo về chiêu thức của tổ chức Lion Group, đầu tư ngoại hối thông qua sàn giao dịch điện tử Fx trading markets. Các thành viên của tổ chức Lion Group giới thiệu là có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và xây dựng một cộng đồng gần 40.000 nhà đầu tư tham gia.
"Người muốn gia nhập Lion Group gửi tiền đầu tư cho Ban chuyên gia của Lion Group với số tiền tối thiểu là 1.000 USD. Số tiền đầu tư sẽ được Ban chuyên gia giao dịch giúp với cam kết lợi nhuận 0,8 đến 1% mỗi ngày và 20-24% hằng tháng. Người tham gia có thể tăng thêm thu nhập thông qua việc phát triển mạng lưới, đội nhóm của riêng mình bằng cách kêu gọi, vận động người khác tham gia (giống hình thức đa cấp)" - cảnh báo của Công an TP.Đà Nẵng cho biết.
Trong quá trình hoạt động, nhóm Lion Group đã quy đổi số tiền đầu tư của người tham gia ra đồng tiền ảo có tên là FXT. Tiền ảo FXT này ban đầu chỉ được giao dịch trong nội bộ nhóm Lion Group và sàn FX Trading Markets. Để thuyết phục nhà đầu tư tiếp tục bỏ tiền, những leader của sàn này thường đưa ra những hứa hẹn đồng FXT trong tương lai sẽ được niêm yết trên các sàn quốc tế.
Đặc biệt, giá của đồng tiền ảo FXT trong một thời gian dài liên tục lao dốc không phanh. Khi tham gia vào Lion Group, những người tham gia phải bỏ tiền để mua FXT của tuyến trên với giá 1 FXT = 1 USD. Tuy nhiên, sau đó 1 FXT chỉ bằng 0,05 - 0,08 USD. Như vậy, người tham gia mất đến 92 - 95% số tiền đã đầu tư. Và tới ngày 27.6 vừa qua, sàn ngoại hối fxtradingmaket của nhóm Lion Group đã ngừng giao dịch khiến hàng nghìn người tham gia điêu đứng. Các nhà đầu tư đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đã bỏ ra.
Trước đó, báo chí cũng phản ánh về những dấu hiệu bất thường nhóm Fly Team và sàn ngoại hối Defi. Cụ thể, muốn nạp tiền vào sàn Defi, người tham gia cần mua đồng tiền ảo có tên là USE, với giá trị sàn tự quy đổi là 1 USE = 1 USDT (trong đó 1 USDT tương đương khoảng 23.000 đồng).
Điều đáng nói, quy trình rút tiền từ sàn Defi không hề đơn giản, người tham gia bắt buộc phải dùng đồng USE để mua 1 đồng tiền ảo khác có tên là DEF với mức phí rút lên tới 10%. Theo lời quảng cáo của nhóm Fly Team, đồng tiền ảo DEF rất có giá trị, bởi được tạo ra dựa trên nền tảng Blockchain của TRON (TRX), có lượng cung ban đầu là 17 triệu DEF, trong thời gian tới, có thể sẽ tăng giá trị gấp hàng chục lần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, để tạo ra những đồng tiền như trên là hết sức đơn giản và đồng DEF cũng chưa được niêm yết trên bất cứ sàn giao dịch nào. Bởi lẽ đó, nguy cơ rủi ro là rất lớn với người dân khi tham gia vào sàn Defi.
Cần lưu ý về những rủi ro
Sử dụng đồng tiền ảo để trục lợi chính là một cảnh báo cho các cơ quan hoạch định chính sách, cần có những giải pháp phù hợp khi đưa thí điểm sử dụng loại hình này trên thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đặng Văn Sáng, các đồng tiền ảo thu hút sự quan tâm lớn và đã có những tác động nhất định đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới. Có thể nhìn nhận một số rủi ro chính như sự thuận tiện trong việc chuyển đổi và tính ẩn danh nhất định của tiền mã hóa sẽ khiến cho việc thống kê, cũng như kiểm soát luồng vốn vào - ra và trong nội tại nền kinh tế sẽ là bài toán khó đối với cơ quan chức năng. Từ đó, sẽ là nguồn cơn cho các giao dịch phi pháp, rửa tiền và thất thu thuế.
"Đầu tư không kiểm soát tiền ảo đang gây ra nhiều hệ lụy xã hội, mất an toàn an ninh trật tự tại các địa phương. Nguy cơ bị lừa đảo và mất trắng rất nhiều tiền đối với các nhà đầu tư và người dân nhẹ dạ, tham lợi nhuận cao. Các giao dịch tiền mã hóa hầu hết sẽ diễn ra trên các blockchain không thông qua hệ thống ngân hàng, khiến kinh tế “ngầm” bất hợp pháp bùng nổ mạnh mẽ hơn và nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ kéo theo vấn đề “chảy máu ngoại tệ” - TS Đặng Văn Sáng phân tích.
Chuyên gia kinh tế ủng hộ việc cần phải ban hành khung pháp lý để quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, góp phần bảo đảm an toàn cho thị trường tài chính. Đồng thời, cần siết chặt quản lý hoạt động giao dịch của các tổ chức tín dụng cũng như các trung gian thanh toán nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Xem thêm: odl.612139-oa-neit-ev-yl-pahp-gnoh-ol-nahc/taul-pahp/nv.gnodoal