Phố cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn.
Là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ XVII và XVIII.
Thành phố này vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, đặc biệt với khu phố cổ gồm hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây.
Một cơ quan hành chính nhà nước ở phố cổ Hội An.
Khu nhà cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện tích vào khoảng 2 km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Điều đặc biệt của những ngôi nhà trong phố cổ là những ngôi nhà mang những hình dạng hình dáng màu sắc tương đối giống nhau.
Nhập gia tùy tục, trước vẻ đẹp khá nguyên bản của kiến trúc phố cổ, với những ngôi nhà đặc trưng về hình dáng, màu sơn vàng, mái ngói đỏ, cửa gỗ nâu, đèn lồng màu sắc.... những doanh nghiệp khi đến đây kinh doanh buộc phải tôn trọng sự nhất quán về kiến trúc tổng quan và không gian phố thị. Dù là nhà băng lớn, chuỗi cà phê trà sữa nổi tiếng, hay thương hiệu thời trang hàng đầu, đã đến Hội An đều phải giữ nguyên bản những ngôi nhà, từ mảng tường vàng tới cửa gỗ nâu cho thật chuẩn mực.
Chi nhánh Ngân hàng Sacombank tại TP Hội An.
Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An chính là những ngôi nhà phố một hoặc hai tầng với đặc trưng chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài tạo nên kiểu nhà hình ống. Những vật liệu chính dùng để xây dựng nhà ở đây đều có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và bão lụt hàng năm của vùng này.
Chi nhánh của Ngân hàng Eximbank ở Hội An.
Thông thường, các ngôi nhà có kết cấu kiểu nhà khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Khuôn viên trung bình của các ngôi nhà có chiều ngang khoảng 4 đến 8 mét, chiều sâu khoảng 10 đến 40 m, biến thiên theo từng tuyến phố. Bố cục mặt bằng phổ biến của những ngôi nhà ở đây gồm: vỉa hè, hiên, nhà chính, nhà phụ, hiên, nhà cầu và sân trong, hiên, nhà sau ba gian, vườn sau.
Một cơ sở trà sữa Gong Cha tại Hội An.
Thực chất, nhà phố ở Hội An bao gồm nhiều nếp nhà bố trí theo chiều sâu và cấu thành không gian kiến trúc gồm 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Cách phân chia này phù hợp với mặt bằng hẹp và kết hợp nhiều công năng của ngôi nhà. Có thể nhận thấy đây là một sản phẩm kiến trúc mang tính văn hóa khu vực.
Những ngôi nhà ở Hội An hầu hết được làm theo dạng hai mái, đa số nhà chính và nhà phụ không chung một mái mà là hai nếp mái kế tiếp nhau. Rất ít trường hợp mái nhà chính phủ lên cả phần nhà phụ. Ngược lại, đa số nhà cầu được lợp theo kiểu bốn mái.
Quán cà phê Highlands Coffee ở Hội An.
Về kết cấu mái, hầu hết hệ thống mái của các ngôi nhà cổ sử dụng mái vì kèo gỗ truyền thống được lợp ngói âm dương hoặc mái ngỏi vẩy truyền thống làm nên đặc trưng của những căn nhà cổ này. Trong giai đoạn vài trăm về trước đây kiểu mái ngói thịnh hành và được ưa chuộng và những gia đình gần thị cảng có điều kiện kinh tế phát triển khá giả mới đủ điều kiện để xây dựng những loại ngói này.
Cửa hàng kinh doanh thương hiệu nổi tiếng Adidas ở phố cổ Hội An cũng chỉ treo biển hiệu đơn sơ thế này.
Ở vùng ngoài khu vực phố cổ, nhiều ngôi nhà tầng có phần "hiện đại" hơn đã được xây dựng nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với không gian chung về màu sắc và chiều cao. Có thể thấy cửa hàng FPT Shop dưới đây đã thuê một mặt bằng có phần rộng rãi và "thoải mái" trang trí ngoại thất hơn một chút. Tuy nhiên, so với nhận diện chung khá sặc sỡ của hệ thống này trên toàn quốc thì hình ảnh dưới đây vẫn rất "Hội An".
Việc trang trí theo nhận diện thương hiệu thông thường của doanh nghiệp dường như bị "vô hiệu" khi xuất hiện ở Hội An - đô thị cổ xinh đẹp đang được bảo tồn nghiêm ngặt với vị thế của một di sản văn hóa thế giới.
Mỹ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị