Rau củ quả và trứng gia cầm, hàng thực phẩm tươi sống vẫn đang là những mặt hàng TP.HCM thiếu nhiều nhất, giá bán ngoài chợ nhiều mặt hàng tăng gấp 2-3 lần. Sở Công Thương TPHCM đang tìm nguồn hàng tại khu vực miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và thậm chí cả miền Bắc.
Giá cao cũng không có để mua
Chiều 17.7, anh Nhất Trung (phường 3, quận Bình Thạnh) di chuyển tới chợ Bà Chiểu để mua thực phẩm thế nhưng cũng khó để mua được mặt hàng cần thiết.
"Nhà có 8 người, tôi định mua vài vỉ trứng để dùng dần nhưng giá cao quá. Người bán nói 50.000 đồng/vỉ cũng không có nhiều để mua. Mấy nay đi chợ, các mặt hàng cũng đều khan hiếm, giá khá cao", anh Trung cho hay.
Đến mua ngay sau anh Trung nhưng không còn trứng, chị Huyền (Phường 1, Bình Thạnh) cho biết, đến mấy điểm mua hàng mà không có trứng để mua. "Biết mua ở chợ giá cao hơn, tôi vẫn chấp nhận mà không có hàng để mua", chị Huyền nói.
Khảo sát tại một số điểm bán lẻ rau, cửa hàng tạp hóa ở TPHCM các mặt hàng như trứng, rau xanh, hành lá, ngò... đang trở nên khan hiếm, giá tăng vọt.
Cần giải quyết điểm nghẽn trong khâu thu mua, phân phối thực phẩm
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc cung ứng hàng hóa về Thành phố đang gặp một số khó khăn.
Có một số mặt hàng các nhà cung cấp gần như không đảm bảo được nguồn cung theo nhu cầu dù đã có hợp đồng từ trước, giá ngoài thị trường cũng rất cao.
“TPHCM hiện cũng xuất hiện "2 giá trứng". Đó là giá ở siêu thị và giá bên ngoài. Một số người vào siêu thị thu gom trứng rồi đem ra ngoài bán. Vì vậy, thời gian qua một số hệ thống đã có chính sách bán cho người tiêu dùng tối đa 2 vỉ trứng mỗi người, không bán nhiều” – ông Phương nói.
Hiện tại, mỗi ngày Thành phố thiếu 1.000 tấn lương thực, thực phẩm.
Theo ông Phương, hiện nay có điểm nghẽn trong khâu thu mua, phân phối thực phẩm. Lực lượng thực thi công vụ tại các địa phương hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng, quá khắt khe trong thực hiện quy định. Ông Phương nêu ví dụ tại các địa phương có tình trạng xử phạt người dân thu hoạch vì tập trung đông người.
Sở Công Thương TPHCM kiến nghị UBND TPHCM và Trung ương, Bộ Công Thương có chỉ đạo thống nhất để áp dụng chung, tránh mỗi nơi mỗi kiểu cá biệt. Sở đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người trực tiếp người sản xuất và lưu thông hàng hóa. Theo đó, TPHCM đã có ưu tiên cho đối tượng này nhưng còn chờ địa phương khác để đó là giải pháp lâu dài.
Khi nhiều tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, ngành Công thương TPHCM đã rà soát nguồn hàng tại khu vực miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và thậm chí miền Bắc để tìm nhà cung ứng hàng hóa đạt yêu cầu.
Lãnh đạo sở Công Thương TPHCM đã hỗ trợ các đơn vị tìm nguồn hàng, không lấy hàng từ hệ thống siêu thị vì cũng đang quá áp lực.
Ông Phương cho biết, Sở Công thương đã kêu gọi các doanh nghiệp logistic, các doanh nghiệp có hệ thống phân phối các cửa hàng để cùng tham gia bán hàng, cung ứng cho người dân như VnPost, ViettelPost, Biti’s…
“Họ chưa có kinh nghiệm phân phối hàng lương thực thực phẩm trong thời gian ngắn kết nối. Vì thế ban đầu là bán hàng dễ, đơn giản như gạo, đường, dầu ăn rồi từ từ sẽ mở rộng mặt hàng”, ông Phương nói.
Giải pháp căn cơ được Sở Công Thương TPHCM kiến nghị, được lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo là tích cực nghiên cứu phương án mở lại chợ truyền thống.
Cụ thể là sẽ ưu tiên bán mặt hàng thiết yếu, đầu tiên là rau - củ - quả. Cùng với đó là lựa chọn tiểu thương có kinh nghiệm, phối hợp cùng chính quyền địa phương quản lý, phát phiếu mua hàng.
Việc bán hàng nên đóng gói sẵn để giảm tiếp xúc giữa người bán với người mua. Mỗi phường xã phấn đấu có ít nhất 1 điểm bán hàng.
“Khi các chợ hoạt động trở lại như phương án đề ra, các thương lái quay lại giao hàng thì nguồn hàng sẽ không thiếu, đáp ứng phân phối cho người dân”, ông Phương nhận định.