vĐồng tin tức tài chính 365

Cổ phiếu 'vua' đối mặt áp lực điều chỉnh ngắn hạn!

2021-07-18 09:57

Cổ phiếu 'vua' đối mặt áp lực điều chỉnh ngắn hạn!

Linh Trang

(KTSG) - Xét ở yếu tố triển vọng kinh doanh lẫn mặt bằng định giá và nguồn cung cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được nhận định sẽ sớm chịu áp lực giảm giá.

Ồ ạt tăng vốn

Với đà tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán trong sáu tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã và đang tận dụng cơ hội này với các kế hoạch tăng vốn “khủng” bằng việc phát hành thêm cổ phiếu hay trả cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, một lượng lớn cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ được cung ứng ra thị trường trong hai quí cuối năm. Lượng cổ phiếu lớn này cộng với việc giá hiện tại của cổ phiếu ngân hàng đã ở mức cao khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại giá nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm chịu áp lực điều chỉnh mạnh.

Cụ thể mới đây, hai ngân hàng MB và VietinBank đã thông báo chốt danh sách chia cổ tức vào nửa đầu tháng 7-2021. Theo đó, dự kiến chỉ trong 1-2 tháng nữa, hơn một tỉ cổ phiếu CTG của VietinBank và gần 980 triệu cổ phiếu MBB của MB sẽ được cung ứng thêm ra thị trường.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, hai ngân hàng trên sẽ tiếp tục tung ra thị trường hàng trăm triệu cổ phiếu nữa qua chia cổ tức năm 2020 (VietinBank) và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP - cổ phiếu thưởng hoặc bán cho người lao động (MB). Trước đó, ngày 16-6, thêm 175 triệu cổ phiếu trả cổ tức của SHB đã được đưa vào giao dịch trên thị trường.

Một số ngân hàng khác cũng đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông và số cổ phiếu này dự kiến sẽ về đến tài khoản của nhà đầu tư trong quí 3-2021. Cụ thể, ACB phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 25%), VIB phát hành 443 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 40%), VietBank phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 14%).

Nhà đầu tư được khuyến nghị không nên mua đuổi cổ phiếu ngân hàng, mà chỉ nên mua vào khi thị trường điều chỉnh và lựa chọn những mã cổ phiếu có triển vọng tốt, được định giá hợp lý hoặc có các câu chuyện riêng.

Trong khi đó, một loạt ngân hàng khác cũng đã thông báo tỷ lệ chia cổ tức và dự kiến sớm chốt danh sách phát hành cổ phiếu trong hai quí tới. Điển hình như MSB phát hành 347 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 30%, NamABank phát hành 105 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, OCB phát hành 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 25%, BacABank phát hành 44,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 6,3%, HDBank phát hành 398 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 25%…

Còn Vietcombank đang chờ Chính phủ phê duyệt phương án chia cổ tức 27,6% bằng cổ phiếu. Nếu được phê duyệt, hơn một tỉ cổ phiếu Vietcombank sẽ được tung ra thị trường. Tương tự, BIDV cũng đang đợi phương án tăng vốn được phê duyệt. Nếu được chấp thuận, ngoài phát hành gần nửa tỉ cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 và 2020 trong quí 3 và quí 4 năm 2021, BIDV sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới.

Áp lực điều chỉnh ngắn hạn

Lợi nhuận lớn cộng với chia cổ tức ở mức cao là động lực khiến cổ phiếu ngân hàng thăng hoa trong sáu tháng đầu năm nay, với mức tăng từ 50% - hơn 100%. Theo dữ liệu từ FiinPro, lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quí đầu năm đã tăng trưởng rất tốt bất chấp dịch Covid-19. Tổng thu nhập hoạt động quí 1-2021 của các ngân hàng tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước mặc dù có giảm nhẹ 1,2% so với quí 4-2020 nhờ tăng trưởng cả thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ (thanh toán và bán chéo bảo hiểm). Trong khi đó, nợ xấu lại ở mức tương đối thấp (1,41%).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, triển vọng tích cực của cổ phiếu ngân hàng trong năm nay đã phản ánh đáng kể vào diễn biến giá thời gian vừa qua. Thời điểm hiện tại đã bắt đầu xuất hiện những lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro pha loãng các chỉ số định giá sau khi ngân hàng phát hành tăng vốn thành công.

Yếu tố phát hành cổ phiếu một mặt có tác động khá tích cực ở góc độ cải thiện năng lực vốn của ngân hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về quản trị rủi ro, nhưng điều này cũng tạo nên rủi ro pha loãng cổ phiếu. Cụ thể, trong tổng số 102.600 tỉ đồng giá trị phát hành vốn mới (bao gồm đã thực hiện và dự kiến thực hiện trong năm 2021) của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết thì các ngân hàng chiếm 21,4%; tương đương khoảng 22.000 tỉ đồng.

Nếu tính cả hình thức phát hành chia tách, thì tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân năm 2021 của các ngân hàng dự kiến tăng 17,6% so với năm 2020. Đây là lý do khiến thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các ngân hàng ước tính chỉ tăng 4,6% trong năm nay dù lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 23,8%.

Tín dụng cá nhân, thường là nguồn thu tín dụng lớn và đóng góp lớn vào NIM (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí là phải trả) của các ngân hàng trong thời gian qua, đã có dấu hiệu chững lại và chỉ ngang bằng với tín dụng doanh nghiệp. Chưa kể là trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã giao Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng nhằm giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp ngay trong tháng 7 này. Nếu thực hiện đúng như chỉ đạo trên, NIM của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ chịu áp lực giảm trong hai quí cuối năm.  

Như vậy, xét ở yếu tố triển vọng kinh doanh lẫn mặt bằng định giá và nguồn cung cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu ngân hàng được nhận định sẽ sớm chịu áp lực giảm giá. Bên cạnh đó, dòng tiền trong quí 3-2021 cũng được dự đoán sẽ lan tỏa sang nhiều nhóm ngành hơn, thay vì tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng như những tháng qua.

Mặc dù yếu tố cổ phiếu bị pha loãng, giảm giá cũng có thể sẽ kích thích sức mua tăng trở lại nhưng sức mua này (nếu có) nhiều khả năng cũng sẽ không diễn ra đồng loạt ở tất cả ngân hàng, mà tập trung ở nhóm được nới “room” tín dụng, kết quả kinh doanh tốt, nợ xấu thấp. Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị không nên mua đuổi cổ phiếu ngân hàng, mà chỉ nên mua vào khi thị trường điều chỉnh và lựa chọn những mã cổ phiếu có triển vọng tốt, được định giá hợp lý hoặc có các câu chuyện riêng.

Xét một cách tổng thể thì dù có thể đối mặt với điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn nhưng nếu về mặt bằng giá hợp lý, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu đáng đầu tư nhất trên sàn chứng khoán trong năm nay nhờ kết quả kinh doanh vượt trội so với nhiều ngành khác, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.

Xem thêm: lmth.nah-nagn-hnihc-ueid-cul-pa-tam-iod-auv-ueihp-oc/603813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cổ phiếu 'vua' đối mặt áp lực điều chỉnh ngắn hạn!”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools