Cần có luật lệ cho bitcoin
Trần Quốc Hùng (*)
(KTSG) - Bitcoin đã thu hút sự chú ý của nhiều người, phần lớn vì giá của nó tăng rất cao trong một thời gian trước khi giảm giá nhanh chóng. Đằng sau hiện tượng bitcoin là một thực tế không khả quan lắm: đồng tiền mật mã được lưu hành nhiều nhất này đã không đáp ứng được các hứa hẹn ban đầu là một hệ thống bình đẳng giữa người sử dụng để thực hiện việc chi trả nhanh chóng và tiện lợi, đồng thời cũng là công cụ lưu trữ giá trị.
Trong khi đó, các rủi ro của bitcoin ngày càng lớn thêm. Việc tạo ra và sử dụng bitcoin gắn liền với sự tập trung quyền vào một số nhỏ người vận dụng và sở hữu bitcoin, phí phạm quá nhiều năng lượng, thị trường thiếu minh bạch, dao động giá cả quá lớn, và được dùng vào các dịch vụ bất hợp pháp.
Nói chung, các rủi ro này và những hứa hẹn không thành đòi hỏi cần phải tăng cường luật lệ để quản lý tiền mật mã, nhất là bitcoin. Hiện nay, luật lệ về vấn đề này ở các nước trên thế giới rất khác nhau; từ chỗ không có luật lệ, đến kiểm soát một phần và cấm hoàn toàn. Cần thảo luận và ban hành các biện pháp nhằm: (1) lưu ý đến các tương tác giữa tiền mật mã và hệ thống tài chính chính thức; (2) bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đầu tư; (3) duy trì sự ổn định tài chính; (4) bảo đảm an ninh công cộng (như chống rửa tiền, tài trợ các hoạt động khủng bố, và các hành vi bất hợp pháp khác).
Lý thuyết và thực hành
Cơ quan công quyền cần tăng cường việc theo dõi và giám sát các hoạt động tiền điện tử để bảo vệ an ninh công cộng. Đặc biệt các cơ quan có nhiệm vụ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cần giám sát chặt chẽ các dịch vụ bitcoin. |
Công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger technology) là nền tảng của các đồng tiền mật mã, đã được phổ biến với sự ra đời của bitcoin năm 2008. Công nghệ này giúp các thành viên trong mạng bitcoin xác nhận các dịch vụ tài chính. Những người làm việc này được gọi là “thợ mỏ” (miners). Việc xác nhận dịch vụ cụ thể là giải bài toán ngày càng khó, và sau đó thợ mỏ được thù lao bằng đồng bitcoin vừa được tạo ra. Bằng cách này, các thành viên trong mạng có thể trao đổi bitcoin với nhau mà không cần dựa vào và bị theo dõi bởi hệ thống ngân hàng. Mạng bitcoin vì thế được coi là “không cần tin tưởng” - không đòi hỏi người sử dụng phải tin tưởng vào một tổ chức thứ ba nào khác.
Trong thực tế, hoạt động đào bitcoin ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi đầu tư vào khả năng tính toán điện tử rất lớn. Không phải ai cũng có thể đào được. Hiện nay, năm tổ hợp đào bitcoin lớn nhất kiểm soát 64% tổng số hashrate (khả năng tính toán điện tử cần thiết để có thể đào, tức là tiến hành xác nhận các dịch vụ trao đổi trong mạng bitcoin). Như thế, một vài tổ hợp đào bitcoin có thể ảnh hưởng tiến trình này bằng cách gây chậm trễ hay phủ định việc xác nhận dịch vụ, trái ngược với ý muốn dân chủ hóa hệ thống chi trả.
Hoạt động đào bitcoin tập trung vào những vùng có giá điện tương đối rẻ hay dễ bị thất thoát do quản lý lỏng lẻo. Theo bản đồ đào mỏ bitcoin của Đại học Cambridge, hơn 80% hoạt động đào trên thế giới tập trung vào các vùng xa xôi ở bốn nước: Trung Quốc có hơn 65% tổng số hashrate, tập trung ở các vùng như Nội Mông hay Tân Cương - từ mấy tháng nay Trung Quốc đã bắt đầu ngăn cấm các hoạt động đào này; Nga 6,9%; Kazakstan 6,2%; Iran 3,8%.
Sự tập trung hashrate vào các nơi thiếu minh bạch đã tăng sự mờ ám và thiếu rõ ràng trong hoạt động đào bitcoin. Để so sánh, Mỹ có 7,2% hoạt động đào mỏ bitcoin.
Các vùng có nhiều đào mỏ bitcoin nói trên sản xuất điện bằng than đá hay các nguồn năng lượng hóa thạch khác, làm cho bitcoin trở thành “đồng tiền dơ bẩn” (về môi trường). Hàng năm sử dụng điện để đào bitcoin tương đương với tiêu thụ điện mỗi năm của Na Uy và bằng với dấu chân than (carbon footprint) của Morocco, theo Diginomics bitcoin Energy Consumption Index.
Tính chất “không cần tin tưởng” của bitcoin đã được đề cao ngay từ đầu. Điểm được nhấn mạnh là các cá nhân có thể tham gia mạng bình đẳng và ngang hàng nhau (peer - to - peer network) để trao đổi các vật có giá trị mà không cần sự kiểm soát của cơ quan nhà nước hay qua trung gian của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, hơn cả chục năm sau khi bitcoin ra đời, những người ủng hộ nó dường như đã chấp nhận hiện tượng tập trung quyền vào một số nhỏ thợ mỏ và người sở hữu bitcoin. Đó là một thực tế hoàn toàn trái ngược với viễn tượng một mạng chi trả phân tán và dân chủ hóa. |
Trong 12 năm qua, bitcoin được quảng cáo là có thể chi trả nhanh, ít tốn kém và hữu hiệu hơn các phương tiện chi trả thông dụng khác. Nhưng bitcoin chỉ được chấp nhận sử dụng với một số ít cửa hàng và chỉ chiếm 5% doanh số bán hàng của họ.
So với thẻ tín dụng, cần nhiều thì giờ hơn để xác nhận và hoàn tất một dịch vụ: trung bình thực hiện được 4,6 dịch vụ bitcoin/giây so với hơn 1.700 dịch vụ/giây cho Visa. Thợ mỏ có thể từ chối không xác nhận dịch vụ nếu cho là phí quá thấp. Hồi tiền lại? Không thể có vì chi trả bằng bitcoin không thể hoàn lại, loại trừ khả năng sửa sai lầm hay lừa đảo.
Sở hữu bitcoin, cũng như đào bitcoin, rất tập trung. Khoảng 1.000 người, gọi là cá voi, sở hữu 40% tổng số bitcoin. Các cá voi có khả năng ảnh hưởng và khuynh loát thị trường bitcoin, gây thiệt hại cho nhiều người khác.
Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, bitcoin không phải là phương tiện chi trả và thanh toán cho người sử dụng bình thường. Hơn nữa, sự dao động giá cả quá lớn làm bitcoin không thích hợp để làm phương tiện để dành. Bitcoin như thế trở thành phương tiện để đầu cơ. Người đầu tư vào bitcoin kỳ vọng giá sẽ tăng lên khi có nhiều người khác cũng mua bitcoin mặc dù nó không có giá trị nội tại hay giá trị sử dụng nào. Đây là mô hình cổ điển của một bong bóng đầu cơ! Một điều quan trọng được nhắc tới trong kỳ vọng bitcoin luôn tăng giá là theo giao thức của bitcoin (bitcoin protocol), tổng số phát hành bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị - hiện nay đã có 18,7 triệu bitcoin đang lưu hành.
Đối với các phần tử xấu, bitcoin là môi trường thích hợp để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, tài trợ hoạt động khủng bố, thu tiền chuộc trong các cuộc tấn công mạng, và mua bán các chất liệu bị luật cấm. Tuy các dịch vụ này để lại vết chân điện tử nên có thể bị truy dõi, nhất là qua các sàn giao dịch đổi bitcoin ra tiền chính thức, nhưng tính chất ẩn danh của bitcoin vẫn làm cho việc điều tra rất khó khăn.
Khung luật lệ quản lý
Khung luật lệ quản lý bitcoin trên thế giới rất hỗn hợp, từ ngăn cấm hoàn toàn, đến nhiều cách và mức độ quản lý khác nhau, và không có luật lệ gì cả. Theo Hội đồng Ổn định tài chính (Financial Stability Board), một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ theo dõi hệ thống tài chính toàn cầu, một số nước như Algeria, Bolivia, Ecuador, Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cấm hoàn toàn bitcoin. Một số khác chỉ cấm một phần, như Việt Nam và Nga cấm dùng bitcoin trong việc chi trả và thanh toán, nhưng chưa cấm mua bán và đầu tư bitcoin.
Trung Quốc thì đã cấm các cơ sở dịch vụ tài chính có đăng ký không được tham gia các hoạt động tiền mật mã và không được cung cấp các dịch vụ lưu trữ, thanh toán và chi trả cho các người dùng tiền mật mã. Gần đây, nước này đã tăng cường cấm hoạt động đào bitcoin.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thì coi bitcoin là đồng tiền ảo phân tán (virtual decentralized currency) nhưng không phải là tiền được pháp luật công nhận (legal tender). ECB khuyến cáo các cơ sở dịch vụ tài chính cần phải bảo đảm có chế độ quản lý rủi ro thích hợp khi làm các thương vụ tiền điện tử, trong khi khung luật lệ đang được nghiên cứu và ban hành.
Ở Nhật, bitcoin và các đồng tiền mật mã khác được phép dùng để chi trả, thanh toán nhưng không được công nhận là đồng tiền chính thức. El Salvador là nước đầu tiên công nhận bitcoin là đồng tiền chính thức trong nước. Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật công nhận và quản lý các sàn giao dịch bitcoin.
Chính phủ liên bang Mỹ thì xem bitcoin với nhiều cách khác nhau.
Bộ Tài chính Mỹ xem bitcoin như là đồng tiền ảo phân tán, nhưng không phải là đồng tiền chính thức. Các doanh nghiệp hỗ trợ dịch vụ bitcoin được coi là công ty chuyển tiền, phải chịu sự quản lý của Hệ thống thực thi Luật về tội phạm tài chính (Financial Crimes Enforcement Network) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, gồm cả bổn phận phải báo cáo các dịch vụ tài chính đáng nghi ngờ.
Cơ Quan Thuế vụ Nội địa (IRS) coi bitcoin như là tài sản, chịu thuế trên sai biệt giá cả tài sản (capital gain tax).
Ủy ban Buôn bán hợp đồng tương lai (Commodity Futures Trading Commission) thì xem bitcoin là hàng hóa, như thế các dịch vụ liên hệ đến bitcoin hay các hợp đồng dựa trên bitcoin thuộc sự quản lý mình.
Ủy ban Giao dịch chứng khoán (SEC) cho là bitcoin tự nó không phải là chứng khoán, nhưng tài sản hay đồng xu biểu hiện bitcoin thì được coi là chứng khoán, như thế thuộc quyền quản lý của SEC. Phát hành đồng xu này cho công chúng để gây quỹ dựa trên hứa hẹn tung ra tiền mật mã trong tương lai được coi như phát hành chứng khoán lần đầu, nên phải đăng ký với SEC. Các quỹ đầu tư để hơn 40% tài sản vào bitcoin thì phải đăng ký theo các Luật Công ty đầu tư (Investment Company Act) và Cố vấn đầu tư (Investments Advisors Act). Các sàn giao dịch giúp buôn bán, trao đổi bitcoin cũng phải đăng ký, trừ khi được miễn vì là sàn giao dịch thay thế (alternative trading venues). Tuy nhiên phần lớn các cơ sở này đã không đăng ký với SEC. Ông Gary Gensler, Chủ tịch SEC, vừa tuyên bố là “muốn tăng cường quản lý các sàn giao dịch tiền mật mã, gồm cả các sàn chỉ giao dịch bitcoin”.
Các tiểu bang và thành phố Mỹ cũng áp dụng các luật lệ khác nhau về bitcoin. Quan điểm pháp luật bao gồm từ thân thiện, như bang Wyoming cấp giấy phép cho ngân hàng đặc biệt nhận ký gửi (deposit taking) tiền mật mã, đến cấm đào bitcoin hay yêu cầu các sàn giao dịch hay doanh nghiệp phục vụ bitcoin phải đăng ký là công ty chuyển tiền. Một số bang như New York, Rhode Island và Arizona có tiếng là không thân thiện với bitcoin vì muốn tăng quản lý các hoạt động này. Nhiều bang khác thiết lập sân chơi với khung luật lệ lỏng lẻo (regulatory sandbox) để khuyến khích công nghiệp mới, ít ra trong thời đầu.
Cập nhật hóa khung pháp lý
So sánh giữa lợi ích và rủi ro của tiền mật mã đã nghiêng về phía rủi ro. Vì thế cần phải xét lại và cập nhật khung luật lệ trên toàn cầu để quản lý tốt tiền mật mã. Sau đây là một số biện pháp có thể thực hiện được.
Đầu tiên và quan trọng nhất là xét lại sự phân biệt giữa các trao đổi trong mạng bitcoin và các tương tác với hệ thống tài chính thường dùng. Thí dụ về các tương tác này có thể kể là việc đổi bitcoin ra tiền chính thức và ngược lại, việc phát hành và mua bán tài sản hay đồng xu bitcoin như là chứng khoán hay hợp đồng phái sinh (derivative contracts). Điều này rất quan trọng vì bitcoin ngày càng được nhiều người biết. Việc tập trung thợ mỏ và sở hữu bitcoin tạo ra cơ hội để khuynh loát thị trường, gây thiệt hại cho nhiều người.
Tình hình này làm cho việc phân biệt giữa bitcoin và tài sản bitcoin trở nên khó khăn hơn. Vì thế, Hội đồng ổn định tài chính cần cập nhật và mở rộng các khuyến nghị năm 2020 về quản lý và giám sát tiền mật mã ổn định (global stablecoins) để bao gồm tất cả tiền mật mã, nhất là bitcoin.
Thứ hai, cần có biện pháp để tăng tính minh bạch và bảo vệ người đầu tư. Nếu như việc phát hành lần đầu đồng xu tiền mật mã cần phải đăng ký, thì việc đào mỏ nhiều bitcoin cũng cần thông tin và đăng ký vì nó ảnh hưởng đến tình trạng cung và cầu của thị trường và tính nguyên lành (integrity) của mạng bitcoin. Các yêu cầu này sẽ giúp cho các thành viên hiện tại và tương lai của mạng bitcoin biết mình đang làm gì.
Ngoài ra, người sở hữu bitcoin nhiều hơn mức quy định cần báo tin này, tương tự như việc người đầu tư phải báo cáo khi thu mua hơn 5% số cổ phiếu của một công ty.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bitcoin cần báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền về kết quả lời hay lỗ do thay đổi giá bitcoin trong tài khoản các thân chủ, để tránh việc trốn thuế; tương tự như luật lệ cho các công ty môi giới chứng khoán.
Thứ ba, khung luật lệ được cập nhật này cần bảo đảm sự ổn định tài chính. Các doanh nghiệp tài chính phải đăng ký cần có khả năng theo dõi, quản lý và báo cáo rủi ro khi làm các dịch vụ môi giới bitcoin. Các biện pháp quản lý rủi ro này cần đề phòng sự mất mát tiền của hay uy tín do bị hack hay khách hàng bị trộm mất bitcoin.
Cuối cùng, cơ quan công quyền cần tăng cường việc theo dõi và giám sát các hoạt động tiền mật mã để bảo vệ an ninh công cộng. Đặc biệt các cơ quan có nhiệm vụ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cần giám sát chặt chẽ các dịch vụ bitcoin. Việc trao đổi bitcoin quá 10.000 đô la Mỹ cần phải được báo cho cơ quan hữu trách, tương tự như việc báo cáo của các ngân hàng.
Tính chất “không cần tin tưởng” của bitcoin đã được đề cao ngay từ đầu. Điểm được nhấn mạnh là các cá nhân có thể tham gia mạng bình đẳng và ngang hàng nhau (peer - to - peer network) để trao đổi các vật có giá trị mà không cần sự kiểm soát của cơ quan nhà nước hay qua trung gian của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, hơn cả chục năm sau khi bitcoin ra đời, những người ủng hộ nó dường như đã chấp nhận hiện tượng tập trung quyền vào một số nhỏ thợ mỏ và người sở hữu bitcoin. Đó là một thực tế hoàn toàn trái ngược với viễn tượng một mạng chi trả phân tán và dân chủ hóa.
-----------
(*) Kinh tế gia ở Mỹ
Xem thêm: lmth.nioctib-ohc-el-taul-oc-nac/613813/nv.semitnogiaseht.www