Mới đây, trong thông báo gửi cổ đông và khách hàng về việc giá một số mặt hàng tăng cao trong thời gian gần đây, Thế Giới Di Động khẳng định, Bách hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, công ty không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các loại chi phí đầu vào tăng lên.
Tại buổi làm việc với Quản lý thị trường ngày 16/7, Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh thừa nhận việc tăng giá hàng hóa trong những ngày vừa qua nhưng khẳng định không phải vì lợi nhuận mà vì các yếu tố khách quan cũng như khó khăn từ việc giãn cách xã hội, yêu cầu gắt gao của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, khi những giải thích từ phía Bách Hóa Xanh không đủ làm dịu dư luận, thì mới đây cộng đồng kinh doanh lại thêm một lần xôn xao khi mạng xã hội xuất hiện công văn Bách Hóa Xanh gửi các chủ mặt bằng đề nghị giảm 50% giá thuê trong vòng 1 năm.
Nội dung của công văn như sau:
Công Ty Cổ Phần Thương Mại Bách Hóa Xanh (BHX) trân trọng và biết ơn sự hợp tác của ông bà trong sự phát triển của hệ thống Siêu thị Bách Hóa Xanh trong thời gian qua.
Bách Hóa Xanh luôn cố gắng duy trì sự phát triển lâu dài, hợp tác bền vững để tạo ra giá trị chung cho các đối tác. Tuy nhiên, có sự thật không thể phủ nhận là sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 gần đây ngày càng mạnh mẽ, không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế lớn, mà còn gây khủng hoảng cho hàng triệu doanh nghiệp, con người trên khắp Việt Nam. Làn sóng Covid vẫn cứ âm thầm diễn ra và tăng mạnh trong vài tuần vừa qua đến nay, khiến chính phủ các cơ quan phải thực hiện lệnh cách ly, giãn cách xã hội trên diện rộng. Nhiều cửa hàng phải tạm dừng/đóng cửa, thu nhập giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, mức chi tiêu của người dân trong giai đoạn này rất hạn chế, đồng thời người dân phải cách ly ở nhiều nơi dẫn đến sức mua giảm, hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển để tiêu thụ. Chúng tôi cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khó khăn chung của dịch bệnh, mặc dù Ban giám đốc và nhân viên của Bách Hóa Xanh đã tìm kiếm nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh hàng hóa.
Chúng tôi tin rằng sự bền vững cùng phát triển phải được ghi nhận và chia sẻ từ hai phía. Từ phía Bách Hóa Xanh luôn nỗ lực để duy trì phát triển kinh doanh, nhờ đó chi trả và tiếp tục thanh toán chi phí mặt bằng thuê cho Quý đối tác. Từ phía đối tác Bách Hóa Xanh mong Quý đối tác đồng lòng, chia sẻ giảm 50% giá thuê trên mỗi tháng với thời gian trong vòng 01 (một) năm để chung sức cùng Bách Hóa Xanh xử lý các ảnh hưởng từ dịch bệnh. Đây là sự sẻ chia vô cùng đặc biệt đó giá trị to lớn từ Quý đối tác để giúp chúng ta vượt qua giai đoạn này, và tiếp tục đồng hành ổn định cùng nhau trong thời gian tới.
Kính mong Quý đối tác chia sẻ và cùng chúng tôi phát triển để vượt qua khó khăn chung.
Hồi tháng 4 năm ngoái, trong cao điểm của làn sóng dịch đầu tiên, Thế Giới Di Động cũng đưa ra một văn bản gửi các đối tác cho thuê mặt bằng. Thế Giới Di Động cho biết muốn nhận được sự hỗ trợ trong việc điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 12 tháng, miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh để ngừa dịch COVID-19. Nội dung văn bản này và văn bản mới đây của Bách Hóa Xanh gần như giống nhau: đề nghị giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong 1 năm/12 tháng.
Tuy nhiên, việc đề nghị giảm giá mặt bằng lần này của Bách Hóa Xanh này khiến giới kinh doanh bất động sản bán lẻ khá bất ngờ. Bởi mặc dù nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng Bách Hóa Xanh thì ngược lại khi doanh số tăng cao. Tình huống lần này khắc hẳn với bối cảnh của Thế Giới Di Động hơn 1 năm trước, bởi ngành bán lẻ điện thoại - điện máy là lĩnh vực không thiết yếu và buộc phải đóng cửa ngừng kinh doanh trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16.
Mới đây trong buổi làm việc với cơ quan chức năng, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết, hệ thống Bách Hóa Xanh có 580 điểm bán tại TPHCM. Trước khi áp dụng Chỉ thị 16, mỗi ngày Bách Hóa Xanh chỉ bán được khoảng 500 đến 600 tấn hàng hóa, còn trong thời gian giãn cách, hệ thống tiêu thụ khoảng 2000 đến 2.500 tấn hàng hóa mỗi ngày, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân. Như vậy trong giai đoạn giãn cách, lượng bán thực phẩm tại Bách Hóa Xanh tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường.
Cụ thể, trong ngày 14/7 là 2.500 tấn, ngày 15/7 là 2.100 tấn. Hệ thống đang nỗ lực để đẩy sản lượng này lên 3.000 tấn và giữ ổn định mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của người dân.
Báo cáo thị trường bán lẻ Việt Nam 2020 của Euromonitor dùng từ "đáng chú ý" để mô tả về Bách Hoá Xanh. Năm 2020, đơn vị này có tốc độ mở chuỗi và tăng trưởng doanh thu nổi bật trên thị trường. Năm 2020, chuỗi mở thêm 700 cửa hàng, trung bình mỗi tháng mở thêm 58 cửa hàng mới. Có những thời gian cao điểm như tháng 5/2020, chuỗi này mở tới 131 cửa hàng, tháng 6/2020 mở 121 cửa hàng.
2 năm trước, Bách Hoá Xanh chỉ đóng vai trò khá khiêm tốn với mức đóng góp vào doanh thu của tập đoàn vào tháng 5/2019 chỉ ở mức 7,3%. Thời điểm này, Bách Hoá Xanh được giao nhiệm vụ mở rộng mạng lưới, tăng doanh thu trên từng cửa hàng và đạt điểm hoà vốn.
Đến tháng 5/2021, chuỗi này tăng gấp 3,3 lần số cửa hàng so với 5/2019, lần đầu tiên doanh thu vượt mốc 2.500 tỷ đồng, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ 2020. Theo giải tích của Thế giới di động, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.
Kênh BHX online tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng đơn hàng và doanh thu đóng góp. Số lượng và giá trị giao dịch của BHX online trong 5 tháng đầu năm nay gấp lần lượt là 4,8 lần và 3,9 lần số lượng và giá trị giao dịch trên kênh này cùng kỳ năm 2020.
Với những bước tiến lớn như vậy, 5 tháng đầu năm 2021 Bách Hoá Xanh đã đóng góp lên tới 20,5% (khoảng 10.600 tỷ đồng) cơ cấu doanh thu toàn tập đoàn Thế giới di động.
Kiều Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị