vĐồng tin tức tài chính 365

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 3: Sa bước không nhà

2021-07-18 12:12
Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 3: Sa bước không nhà - Ảnh 1.

Cô bé nhỏ xíu đã phải bán kẹo giữa đường đêm nguy hiểm - Ảnh: TÂM LÊ

Những cảnh đời trên đường đêm

Mỗi tối, người qua đường cạnh ga Hà Nội lại gặp cảnh người mẹ ôm hai con nhỏ ngồi sát vách tường. Bắt đầu từ 22h đêm cho tới 1h sáng, ai thương tình sẽ cho mẹ con chị một ít tiền, đồ ăn qua bữa.

Người mẹ là chị Trịnh Thị Hoa (nhân vật đã đổi tên), quê ở Nam Định. Vợ chồng chị rời quê đã lâu để lên Hà Nội mưu sinh. Chị thuê trọ ở khu nhà chật hẹp ven sông Hồng. Vợ chồng chị lần lượt sinh thêm 2 con ngoài kế hoạch, khiến gia đình càng thêm khó khăn với 6 miệng ăn của hai vợ chồng và 4 đứa con.

Ngày chưa dịch bệnh, chị Hoa làm hai việc. Ban ngày chị chạy bàn, rửa bát cho quán bún chả. Ban đêm chị bán ngô, khoai nướng trên cầu Long Biên. Nhưng cả hai việc này đều phải nghỉ đứt quãng nhiều lần vì dịch và chị chưa biết xoay xở thế nào để có cái ăn cho đàn con nhỏ.

Bế tắc, chị ôm các con ngồi ở phố, hy vọng lòng hảo tâm cho chút tiền, lon sữa. Chị chọn ngồi giờ khuya vì hay có đoàn từ thiện đi phát đồ ăn và nước uống trên đường phố. "Tôi không muốn con nhỏ ở đường khuya như vậy, nhưng bố nó ở nhà rượu chè, không ai trông nom được" - chị Hoa thở dài.

Chồng chị Hoa không có việc làm ổn định, lại thường xuyên nát rượu và mắng chửi vợ con. Con trai đầu có thể giúp được gia đình thì lại đang ở tù vì trộm cắp vặt, đứa thứ hai đang được một tổ chức bảo vệ trẻ em nhận chăm sóc cho ăn ở, học hành.

"Chị Hoa còn hai con nhỏ, chúng tôi khuyên chị không cho con ra ngoài đường, nhất là lúc đêm khuya. Nếu chị không thực hiện, tổ chức sẽ không hỗ trợ chị nữa" - Hoàng Anh, nhân viên tổ chức Rồng Xanh giúp đỡ trẻ đường phố ở Hà Nội, cho biết. Nhưng người mẹ này chưa thể làm như vậy, chị vẫn thấy lợi ích cấp thiết của những hộp cơm từ thiện và những món đồ hỗ trợ.

Ở một góc phố khác bên hồ Thiền Quang, bà Huỳnh Thị Quý (đã đổi tên) và cô cháu gái 7 tuổi đang ngồi gom vỏ lon nước ngọt để đổi lấy bánh mì. Bà Quý nói: "Bánh mì không có ruột, hai ngàn một cái chứ không phải loại kẹp thịt 20 ngàn đâu". 

Bà cháu thi thoảng xin được suất cơm từ thiện, tối về ngủ ở túp lều rách nát dựng tạm bên cái mương cạn. Chúng tôi theo hai bà cháu về nơi ở, đã không thể tin vào mắt mình. Một cái lều rách nát, xung quanh cây cỏ mọc um tùm, ẩm thấp, đầy côn trùng.

Bà Quý sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng cuộc sống tạm bợ nay đây mai đó. Bà chỉ có một con trai thì đã chết vì ma túy, cô con dâu bỏ đứa cháu 2 tuổi cho bà nuôi rồi "mất tích". Hai bà cháu dắt díu nhau đi nhặt phế liệu sống qua ngày, cháu bé ốm đau mãi rồi cũng phổng phao nhờ tình thương của những người qua đường.

"Mấy nay dịch giã quá, quán trà đá không được mở, quán ăn cũng đóng cửa nên vỏ lon không có để nhặt" - bà Quý than thở. Thấy hoàn cảnh bà, những người hàng xóm hảo tâm đã giúp một ít gạo, tiền. Tổ chức Rồng Xanh đang sắp xếp thuê cho bà cháu một phòng trọ, cháu bé sẽ được giúp đỡ đi học...

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 3: Sa bước không nhà - Ảnh 2.

Hai đứa trẻ mất việc làm, co ro ngủ trên đường gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội - Ảnh: TÂM LÊ

Có gia đình cũng như không

Thực tế dù đã có nhiều chương trình này nọ, nhưng hình ảnh người lớn dắt, bế theo trẻ ngồi ở góc đường để nhận sự thương hại đã quen với nhiều người. Một số trường hợp do hoàn cảnh khó khăn thật sự, nhưng nhiều người đã "đẩy" trẻ ra mưa nắng, bụi đường để trở thành công cụ kiếm tiền cho họ.

Thậm chí, một số trẻ còn thường xuyên bị bạo hành bởi mẹ và bố dượng đều nghiện ngập ma túy, rượu chè. Và cũng có trẻ bố mẹ ở quê vô tình lẫn cố ý gửi con lên thành phố để kiếm tiền cho gia đình, rồi rơi vào vòng xoáy khổ sở, khắc nghiệt của đường phố.

Đỗ Văn Long (tên nhân vật đã đổi) 14 tuổi, quê ở Thanh Miện, Hải Dương là con ngoài giá thú của một người phụ nữ chưa chồng. 

Vì không chịu được điều tiếng dư luận, chị đã bỏ lại con nhỏ để vào Tây Nguyên. Bố của cậu bé không nhận nuôi cậu và đã đi lấy vợ khác. Long lang bạt ra Hà Nội, ngủ ở bến xe, trên ghế đá công viên, đã chịu đói trước khi gặp nhân viên giúp trẻ đường phố.

"Lúc chúng tôi đưa Long về quê, đằng ngoại cũng không nhận nuôi, đằng nội cũng từ chối. Chúng tôi thật sự buồn. Tại sao dòng máu của họ mà vì một chút sĩ diện họ đã vứt bỏ con cháu mình. Chúng tôi còn bị sốc khi biết Long bị đối xử rất tệ bạc" - Đỗ Duy Vị, nhân viên Tổ chức Rồng Xanh, đã tận tâm giúp Long về gặp gia đình, rồi lại phải đưa cậu bé trở lại Hà Nội, tâm sự mà rớm nước mắt.

Bây giờ Long đang được tổ chức của Vị hỗ trợ học văn hóa, tiếp đến sẽ học nghề. Hy vọng sau này Long có cuộc sống tốt đẹp hơn, được yêu thương và chia sẻ.

Trên đường phố vắng buồn mùa dịch giã, chúng tôi gặp Nam đang khoác balô đi liêu xiêu trên vỉa hè. Nam quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, cậu ra Hà Nội để tìm việc làm nhưng 2 tháng vẫn chưa có việc làm ổn định. Cậu bé mới 13 tuổi, ban ngày đi khắp nơi từ công viên, bến xe, quán nét. Chỗ nào có việc cậu nhận làm, để mong được ăn ngủ tại chỗ.

Hôm nào không có việc, bụng đói, Nam tìm chỗ ngủ ở nơi đoàn từ thiện hay phát cơm, bánh mì, nước uống để được no bụng. 

Cậu không muốn về nhà vì mẹ đã mất, bố lấy vợ hai. Nam còn 3 đứa em nhỏ, bố làm thợ xây lo từng bữa ăn nên kinh tế gia đình eo hẹp. Cậu bé thường xuyên chịu những trận đòn roi vô cớ, bị bỏ đói, bị mắng chửi. Chán nản, cậu bỏ nhà đi biệt, hy vọng tới thành phố sẽ vui và no hơn.

"Em không muốn về đâu, về có khi còn bị đánh chửi đau hơn" - Nam buồn bã. Hôm trước nhân viên bảo vệ trẻ đường phố đã gặp Nam, họ thuyết phục cậu về tổ chức để tham quan. 

Nếu Nam thích môi trường ở đó, có thể ở lại, cậu sẽ được ăn ở, vui chơi và học tập. Còn nếu Nam muốn về quê, họ sẽ đưa về và hỗ trợ học phí để cậu đi học trở lại. Nhưng cậu bé đã quen sống đường phố, chưa chịu gật đầu.

Dịch giã bùng phát, việc làm không có, Nam thường bị đói nên định gặp lại nhân viên của tổ chức bảo vệ trẻ em và sẽ ở lại một thời gian. Cậu mong có việc làm và được đi học nghề sửa chữa ôtô.

Buổi tối, ở một ngã tư trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, chúng tôi gặp một cô bé bán kẹo, bông tai láu lỉnh. Bé mới 6 tuổi, mẹ bảo đi bán được bao nhiều mang về cho mẹ và em gái. Hai ngày sẽ tới ngã tư này một lần, nói rồi cô bé vù chạy ra lan can đường khi những làn xe đang vùn vụt lao qua.

Mới mấy tuổi đầu, bé thơ đã phải sa bước ra đường phố để kiếm tiền cho người lớn...

Dịch giã, nhiều hàng quán ế ẩm, thậm chí phải đóng cửa đã khiến trẻ nghèo ở quê lên phụ việc mất chỗ làm, mất miếng ăn, chiếu ngủ. Một số trẻ có gia đình, kịp trở về quê thì dù khó khăn vẫn tạm có cuộc sống an toàn.

Nhưng nhiều trẻ mồ côi hay bị bỏ rơi, đối xử tệ bạc vẫn đang lang thang đường phố để tìm bữa đói, bữa no qua ngày từ lòng hảo tâm hoặc công việc không ổn định, thậm chí bị lợi dụng.

*********

Có hoàn cảnh gia đình, chịu nhiều tổn thương, khốn khổ, các trẻ rời quê lên phố để tìm giấc mơ cổ tích, nhưng thực tế không đơn giản như mong muốn...

>> Kỳ tới: Những đứa trẻ khác biệt

Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 2: Những bữa cơm không noTrẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 2: Những bữa cơm không no

TTO - Những đứa trẻ đường phố không nhớ ngày cuối cùng chúng được ăn đủ ba bữa cơm no là khi nào.

Xem thêm: mth.28520901271701202-ahn-gnohk-coub-as-3-yk-hcid-aum-ohp-gnoud-ert/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trẻ đường phố mùa dịch - Kỳ 3: Sa bước không nhà”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools