Sáng 18.7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp đi thăm, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại một số chợ truyền thống đang hoạt động.
Tại chợ Bình Thới (quận 11), ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng Ban quản lý chợ - cho biết, chợ tạm đóng cửa từ ngày 30.6 vì có ca nhiễm COVID-19 và đã mở cửa trở lại từ ngày 9.7.
Với 297 tiểu thương ngành hàng thực phẩm, Ban quản lý chợ đã sắp xếp luân phiên để mỗi ngày có khoảng 85 tiểu thương bán hàng.
Theo Ban quản lý chợ Bình Thới, tất cả tiểu thương đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính, đã được tiêm ngừa COVID-19. Ngoài ra, cứ 5 ngày 1 lần, lực lượng y tế quận 11 sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với thành viên Ban quản lý và tiểu thương chợ.
Ông Nguyễn Bá Tùng cho biết đã cấp hơn 14.000 thẻ đi chợ cho người dân. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ đã phối hợp cùng Sở Công Thương TPHCM tổ chức thí điểm cho người dân đăng ký đi chợ qua tổng đài điện thoại (028) 3622 2988. Dựa theo danh sách này, Ban quản lý chợ sẽ nhắn tin trước nửa tiếng cho người dân tới đúng giờ đã đăng ký.
“Thời gian nhận hàng của tiểu thương từ 4-5h sáng, người dân sẽ đi chợ trong khoảng thời gian từ 5-11h trưa, sau đó, tiểu thương dọn hàng và khử khuẩn toàn bộ chợ” - ông Tùng thông tin.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao cách thức tổ chức thực hiện và hiệu quả hoạt động của chợ Bình Thới. Ông Nguyễn Thành Phong lưu ý Ban quản lý chợ cố gắng từng thời điểm nên hạn chế bớt người vào chợ.
Đồng thời, lãnh đạo TPHCM lưu ý quận 11 cùng Ban quản lý chợ cứ 4-5 ngày phải lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên để kịp thời khoanh vùng, truy vết nếu có xuất hiện ca nhiễm tại chợ.
Sáng cùng ngày, đoàn làm việc cũng đã đến thăm và kiểm soát tại chợ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp và chợ Ngã Ba Bầu (quận 12).
Tại chợ hành Thông Tây, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết, trên địa bàn quận có 12 chợ truyền thống. Gần đây, quận tổ chức tầm soát cho tiểu thương chợ và phát hiện 1 số tiểu thương dương tính với virus SARS-CoV-2 nên đã tạm ngưng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch.
"Sau thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tổ chức xét nghiệm nhiều lần cho tiểu thương, Ban quản lý chợ Hạnh Thông Tây thấy an toàn nên cho mở cửa hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân" - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, với những chợ đang tạm đóng cửa nhưng có mặt bằng thông thoáng, quận Gò Vấp sẽ nghiên cứu để tổ chức lại việc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống cho bà con.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo quận phải nghiên cứu, cấp thẻ cho người dân ra vào chợ, đặc biệt là phải chú ý đến giá cả bình ổn cho người dân.
Theo Sở Công Thương TPHCM, tính đến ngày 17.7, TPHCM có đến 188 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối ngưng hoạt động. Toàn TPHCM chỉ còn 46/237 chợ còn mở cửa bán hàng lương thực, thực phẩm cho người dân.
Trong số này, có 4 chợ đã khôi phục hoạt động sau thời gian thực hiện các công tác phòng, chống dịch là chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ và chợ An Đông.
Trong tuần tới, một số địa phương dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả tại chợ sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án tổ chức hoạt động chợ được duyệt.