Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho cấp mới hoặc đổi sổ đỏ là tài sản chung ghi cả họ tên vợ và chồng. Việc này được lý giải nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu kiện khi giải quyết tranh chấp về đất đai, từng bước giúp phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bộ cho rằng trên thực tế, nhiều khi bên mua chỉ có chồng hoặc vợ đi giao dịch mua bán nhà đất và ký hợp đồng sau đó đứng tên một mình trên sổ đỏ. Tuy nhiên việc đứng tên một người không là căn cứ để xác định quyền sở hữu riêng của chồng hoặc vợ. Nhiều trường đã xảy ra tranh chấp khiến mất nhiều thời gian chứng minh.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về quyền của phụ nữ với tài sản chung trong hôn nhân, trong đó có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cho biết nhiều người vẫn hiểu lầm về quyền của vợ chồng với tài sản nhà đất. Đề xuất của Bộ Tài Nguyên Môi trường "không phải quy định mới" mà chỉ thúc đẩy việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn khi đi làm thủ tục. Đây là văn bản cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi cấp mới hoặc cấp đổi sổ đỏ.
Việc ghi cả tên vợ, chồng vào giấy chứng nhận bất động sản là tài sản chung của vợ chồng nhằm bảo đảm bình đẳng quyền lợi của hai bên. Điều này đã được quy định tại khoản 4 điều 98 Luật đất đai 2013, điều 76 Nghị định 43/2014 và khoản 1 điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Theo luật sư, với bất động sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân (trừ việc được tặng cho, thừa kế riêng), việc chỉ ghi tên vợ hoặc chồng trên giấy chứng nhận không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu, sử dụng của bên còn lại. Mọi hành vi định đoạt tài sản chung là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Nếu một bên tự ý định đoạt bất động sản mà không có văn bản thỏa thuận thì tổ chức công chứng sẽ lập tức từ chối công chứng, UBND cấp xã từ chối chứng thực. Trong trường hợp thực hiện xong thủ tục sang tên nhà đất là tài sản chung mà không có văn bản thỏa thuận thì người còn lại có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.
Trường hợp xảy ra tranh chấp giữa vợ và chồng, nếu không có căn cứ xác định tài sản mà vợ và chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của một bên thì tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung.
Cách đổi sổ đỏ đứng tên vợ hoặc chồng sang đứng tên cả hai
Luật sư Trang cho hay, với giấy chứng nhận đã cấp chỉ đứng tên vợ hoặc chồng nay bạn có nhu cầu cấp đổi để ghi cả tên vợ và chồng sẽ thực hiện theo các bước sau:
- Người sử dụng đất nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận cho Văn phòng đăng ký đất đai bao gồm: đơn đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK; bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.
- Văn phòng Đăng ký đất đai có trách nhiệm, kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị và trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyết định; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời gian thực hiện thủ tục này là 7 ngày.
Xem thêm: lmth.5385234-gnohc-ov-iah-net-ihg-od-os-auc-yl-pahp-irt-aig/ten.sserpxenv