Trong văn bản vừa gửi đến các tỉnh, thành trên cả nước, Tổng cục Đường bộ cho biết hiện nay một số loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn cần ưu tiên vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng bao gồm nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh…
Vì vậy, ngành đường bộ đề nghị các Sở GTVT yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải in bổ sung thêm nhãn “hàng mau hỏng” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán trên kính xe kèm với thẻ nhận diện đã được cấp trước đó.
Mục đích là để các chốt kiểm soát nhận biết và tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông một cách nhanh nhất.
Nhãn hàng bổ sung được Tổng cục Đường bộ quy định.
Cạnh đó, các sở cần báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và thông báo cho các chốt để có biện pháp ưu tiên cho phương tiện đã dán nhãn trên được lưu thông nhanh qua chốt.
“Các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cam kết sử dụng nhãn “hàng mau hỏng” đối với đúng loại hàng hóa mau hỏng, đúng các quy định về việc sử dụng thẻ nhận diện, di chuyến đúng luồng, tuyến, dừng, đỗ bốc xếp dỡ hàng hóa đã ghi trong giấy vận tải…” - Tổng cục Đường bộ yêu cầu.
Để chuẩn bị sẵn sàng khi các tỉnh áp dụng chỉ thị 16 vào ngày 19-7, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết đã yêu cầu Sở GTVT các tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh địa phương để hướng dẫn đơn vị vận tải tham gia vận chuyển phải đảm bảo quy định của Bộ Y tế; thực hiện cấp Thẻ nhận diện cho phương tiện theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ.
“Các tỉnh cũng cần yêu cầu các đơn vị vận tải hướng dẫn lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách thực hiện nghiêm ngặt thông điệp 5K trong suốt hành trình, có giấy xét nghiệm COVID-19 (âm tính) còn hiệu lực. Song song đó, chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, nước uống và đồ dùng cá nhân, thuốc men để hạn chế dừng đỗ dọc đường…” - ông Huyện khuyến cáo.