vĐồng tin tức tài chính 365

Lời thề kêu oan của tử tù gây rúng động nước Mỹ

2021-07-18 16:34

Ngày 6/6/2016 , Kerry Max Cook, 60 tuổi, mặc đồ đen, mái tóc bạch kim cắt ngắn, mắt thâm quầng, vẻ mặt lo lắng bước vào phòng xét xử. Ông nhìn quanh căn phòng chật kín người, trong đó có cả 3 cựu phạm nhân được trắng án sau tổng cộng 60 năm ngồi tù oan.

Họ đến từ cách xa hàng trăm km để tham dự buổi điều trần này. Cook bước đến bắt tay chào họ.

Một lúc sau, 9h30, thẩm phán bước ra, đọc bản tuyên bố không truy tố tội Giết người với Cook rồi đập chiếc búa xuống bàn. Mọi việc diễn ra trong 13 phút nhưng Cook đã "chiến đấu" gần 4 thập kỷ để có được thời khắc này.

Năm 1978, bồi thẩm đoàn kết tội Cook trong vụ sát hại nữ thư ký 22 tuổi, Linda Jo Edwards. Vụ án khiến các nhà điều tra và công tố viên của thành phố bối rối vì tính chất man rợ. Cook được miêu tả là "con quái vật", là kẻ giết người khét tiếng nhất ở quận Smith, bang Texas. Trong nhiều năm, các công tố viên 4 lần khép Cook vào án tử hình.

Nhưng Cook luôn khẳng định vô tội, nói rằng không có động cơ gây án. Vụ án thu hút sự chú ý, và nhiều người tin Cook.

Kerry Max Cook ngồi tù 20 năm vì bị buộc tội giết một cô gái không hề quen biết. Ảnh: NYTimes

Kerry Max Cook ngồi tù 20 năm vì bị buộc tội giết cô gái không quen biết. Ảnh: NYTimes

Linda Edwards có chiều cao nổi bật, làm việc tại thư viện Đại học Texas Eastern. Tháng 5/1977, cô chuyển sống ở khu nhà dành cho những người độc thân trẻ tuổi. Sáng 10/6 cùng năm, xác cô được tìm thấy trong tình trạng loã thể, nhiều vết đâm. Hành vi gây án tàn bạo của thủ phạm đã gây chấn động thành phố.

Bạn cùng phòng của Linda nói khi trở về sau cuộc hẹn lúc 0h45’ hôm đó đã nhìn thấy người đàn ông mảnh mai, rám nắng trong phòng của Linda. Cô đoán "có vẻ là James Mayfield, bạn trai cô ấy".

Trả lời điều tra viên, James, người cha của 3 đứa trẻ, thừa nhận ngoại tình với Linda, nhưng chia tay đã 3 tuần. "Đêm đó, tôi ở nhà với con", James nói và được con gái 16 tuổi chứng thực.

Căn cứ hiện trường, kết quả khám nghiệm tử thi, chuyên gia tâm lý học tội phạm xác định: Kẻ sát nhân là đàn ông 18-30 tuổi, đồng tính hoặc lưỡng tính, có thể nghiện ma tuý, yếu sinh lý và chắc chắn là sống nội tâm và mắc chứng "thù địch bệnh lý" với phụ nữ.

Cảnh sát bắt đầu đến từng căn hộ lấy dấu vân tay của đàn ông nhưng không mẫu nào phù hợp với hiện trường.

Ngày 2/8 năm đó, tài xế xe tải sống cùng chung cư với nạn nhân gặp các thám tử để khai về một người bạn ở nhờ vài hôm trong quãng thời gian xảy ra vụ án. Theo lời tài xế, đó là thanh niên 21 tuổi, lưỡng tính, và đã rời đi vài ngày sau cái chết của Linda. "Tên anh ta là Kerry Max Cook".

Cook bị bắt ngay sau đó. Anh ta sinh năm 1956, tính lầm lì, thích chuốc thuốc mê và nhiều thử nghiệm tình dục. Anh ta lớn lên ở châu Âu, năm 1972 gia đình chuyển đến Texas, Mỹ.

Cook thường xuyên gây gổ với cha mẹ, bỏ nhà đi nhiều lần, bỏ học, bị bắt vài lần khi còn là trẻ vị thành niên. Mãn hạn tù, Cook sống lang thang và khiêu vũ trong các câu lạc bộ đồng tính.

Cook phủ nhận liên quan vụ giết người, nói thậm chí còn không biết nạn nhân. Giải thích cho dấu tay của mình trên bậu cửa, Cook nói đôi khi thấy Linda thay đồ nên dựa vào cửa dể nhìn kỹ hơn.

Các nhà điều tra tỏ ra nghi ngờ. Cook không có bằng chứng ngoại phạm. Nơi Cook bị tạm giam, một phạm nhân làm chứng "đã nghe Cook thú nhận giết cô gái".

Tại phiên xét xử Cook, tháng 6/1978, kết hợp tất cả điều này, công tố viên buộc tội: Cook thất vọng về tình dục nên vào căn hộ của Linda. 60 bức ảnh rùng rợn được trưng ra. Cook bị gọi là "tên bệnh hoạn đồng tính".

Các luật sư của Cook bất lực trước chứng cứ của ba công tố viên. Cook bị kết án tử hình, gục đầu khóc. Bước khỏi phiên toà với đôi tay còng và khuôn mặt đẫm nước mắt, Cook thề: "Một ngày nào đó, tôi sẽ chứng minh mình vô tội. Dù phải mất 10 năm, hay 20 năm".

Hai tháng sau, chính người bạn tù lúc trước làm chứng "Cook thú tội với tôi" đã rút lại lời khai. Anh ta cho hay các công tố viên đề nghị ra làm chứng chống lại Cook để đổi lại sẽ được truy tố tội danh nhẹ hơn. "Cook chưa bao giờ chuyện trò với tôi", anh ta nói. "Lời dối trá của tôi đã đẩy Cook vào bản án tử hình".

Trong khi đó, đợi thi hành án, Cook bị bạn tù hành hạ, xâm hại tình dục, dùng dao khắc đầy những từ thoá mạ lên đùi. Cook rơi vào tuyệt vọng, tìm nhiều cách tự sát.

Kerry Max Cook tại trại giam năm 1979. Ảnh: Twitter

Kerry Max Cook tại trại giam năm 1979. Ảnh: Twitter

Anh ta được đưa đến khu tâm thần. Gần đến ngày thi hành án vào 8/7/1988, Cook cố tự sát một lần nữa. "Tôi thực sự vô tội", anh ta hét lên, dùng dao cứa cánh tay, chân và cổ họng của mình song được các bác sĩ kịp thời cứu mạng.

Một trong những lá thư mà Cook đã gửi trong thời gian này là một lời cầu xin viết tay dài 61 trang cho Centurion Ministries, tổ chức phi lợi nhuận hành động để minh oan cho những người bị kết án sai, từng giúp 9 tù nhân được ân xá. "Tôi từng dính vào ma túy và rượu, những cuộc vượt ngục, cãi lời cha mẹ. Tôi đã làm rất nhiều điều ngu ngốc, nhưng tôi thề không giết cô Linda", Cook viết.

Khi tiếp cận vụ án, tổ chức này nhận ra các cảnh sát không tìm thấy vũ khí giết người, cũng chưa bao giờ gửi quần áo của nạn nhân đến phòng thí nghiệm để giám định. Họ cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao cảnh sát lại nhanh chóng bỏ qua người đàn ông ngoại tình, James Mayfield, trong diện tình nghi? Trong khi mô tả về thủ phạm cũng phù hợp nhất với anh ta.

Chỉ một tháng trước khi vụ giết người xảy ra, James đã bỏ vợ con và đến sống trong một căn hộ với Linda, cô nhân tình chỉ hơn con gái lớn của anh ta 5 tuổi. Nhưng chỉ 4 ngày sau đó, James đổi ý, quay về với vợ. Linda cố tự tử, tạo ra vụ bê bối nổi tiếng toàn trường khiến James bị sa thải khỏi công việc thủ thư. Mối quan hệ hai người sau đó cũng căng thẳng.

Cảnh sát chưa bao giờ khám xét 7 chiếc ôtô của James, nhà của anh ta hoặc căn hộ anh ta ở với Linda. Họ cũng chưa thẩm vấn vợ Jame cũng như bất kỳ ai tại thư viện. Khi cảnh sát yêu cầu James và con gái kiểm tra với máy phát hiện nói dối song luật sư của James phản đối. Việc này được các nhà điều tra ưng thuận một cách dễ dàng.

Centurion Ministries bắt đầu làm những gì mà cảnh sát không làm: phỏng vấn bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp của James. "James không chỉ có một tình nhân", "anh ta có một "tính khí khủng khiếp", bạn bè James trả lời.

Nhân viên ở thư viện nói Linda "yêu James điên dại", và luôn lảm nhảm về việc sẽ tìm cách lấy lại James bằng mọi giá. Vào ngày bị sát hại, cô khiến ông ta bất ngờ khi tìm đến tận nhà riêng để nói chuyện với hai vợ chồng, chỉ vài giờ trước khi bị giết.

Trong khi đó, một đồng nghiệp cho biết, sau vụ án, anh ta tìm thấy tại thư viện có cuốn Tội phạm tình dục, trong đó có các đồ họa về các nữ nạn nhân của những vụ án tàn bạo, giống hệt các vết thương trên người Linda. Cuốn sách này được chính James đặt mua. Những lời này từng được khai với cảnh sát, nhưng họ "hầu như không để tâm".

Tháng 11/1992, phiên tòa kháng cáo thứ hai của Cook được chuyển đến xử tại tại tòa án Quận Williamson, cách đó hơn 300 km vì tai tiếng của nó đã quá lớn ở quận Tyler, nơi vụ án xảy ra.

Ở tuổi 36, khi Cook bước vào phòng xử án, tóc đã bạc trắng. Bồi thẩm đoàn bác tất bằng chứng và những lỗ hổng pháp lý và thiếu sót điều tra được thu thập, nghiên cứu hàng năm qua.

Cook bật khóc, song vẫn như phiên toà đầu tiên anh ta tiếp tục thề: "Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cho đến khi được minh oan". Nỗ lực kháng cáo ở phiên toà thứ ba, cũng không đem đến kết quả khác. Cook bị tuyên tử hình lần thứ hai.

Luật sư của anh đã đệ đơn kháng cáo dài 213 trang với 55 điểm sai sót, lần đầu tiên tóm tắt những hành vi sai trái và sai lầm trong vụ án. Vị này mô tả những mưu đồ của cơ quan công tố và giới điều tra, liên tục từ năm 1977 đến năm 1992. "Họ cố tình làm bẽ mặt bị cáo bằng những chi tiết về đồng tính luyến ái; cố tình tạo ra định kiến, ấn tượng và nhân thân xấu cho thân chủ của tôi theo cách hèn hạ", ông ta viết.

Lần này, nỗ lực được đền đáp. Tháng 11/1996, CCA ra phán quyết, tuyên bố "hành vi sai trái của cơ quan công tố và cảnh sát đã làm ô nhiễm toàn bộ vấn đề này ngay từ đầu". Lần đầu tiên, một thẩm phán cho phép Cook tại ngoại.

Tháng 2/1999, hơn 20 năm sau vụ án, cơ quan điều tra cho biết "một vết tinh dịch đã được phát hiện trên đồ lót của nạn nhân", ngay trước khi phiên toà kháng cáo thứ 4. Công tố viên và thẩm phán lập tức áo dụng thoả thuận nhận tội với Cook: Nếu nhận tội giết người với bản án 20 năm, và vì đã chấp hành quá thời hạn tù, Cook sẽ được tự do tại toà.

Thẩm phán cho Cook 30 phút để quyết định. Đối mặt với sự lựa chọn đầy kịch tính: Nhận tội và được trả tự do ngay lập tức, hoặc ra tòa và có thể đối mặt với khả năng bị hành quyết. Cook sợ hãi sẽ lại thua trong "cuộc chiến" đầy mệt mỏi này. Anh chấp nhận thỏa thuận.

Kerry Max Cook và mẹ trong ngày được tại ngoại, tháng 11/1996. Ảnh: AP

Kerry Max Cook và mẹ trong ngày được tại ngoại, tháng 11/1996. Ảnh: AP

Hai tháng sau, kết quả ADN trả về cho thấy "tinh dịch thuộc về James Mayfield". Phát biểu với các phóng viên, công tố viên cho rằng "Có thể nó đã có từ vài tuần trước khi nạn nhân qua đời. Cook đã nhận tội, đó là sự thật".

Nhưng truyền thông không hài lòng với câu giải thích này. Họ tiếp tục đưa tin về sự việc, phát hiện thêm những bê bối trong hoạt động pháp lý của quận Smith ở quá khứ.

Cook tuy được tự do song vẫn mang tội Giết người. Được tiếp năng lượng từ truyền thông, anh đã đưa câu chuyện của mình đi xa hơn trên thế giới, tại các sự kiện ở Paris, London và Rome, kêu gọi bãi bỏ hình phạt tử hình. Anh được kết bạn với những người nổi tiếng, xuất hiện trên truyền hình với Susan Sarandon, Morgan Freeman, Robin Williams...

Tuy nhiên với tiền án giết người trong hồ sơ, Cook gặp nhiều khó khăn. Nhiều lần anh phải chuyển nhà sau khi những người hàng xóm phát hiện ra quá khứ. Một người phụ nữ đe dọa sẽ dán các biển báo "kẻ sát nhân bị kết án sống ở đây" trước khu dân cư. Cook được tuyên trắng án trong mắt công chúng, nhưng điều đó là chưa đủ. Điều anh thực sự muốn là được minh oan.

Dự án Innocence, tổ chức phi lợi nhuận quốc gia, với sự trợ giúp của xét nghiệm ADN, đã minh oan thành công hơn 300 người, quyết định giúp Cook. Họ đệ đơn đề nghị xét nghiệm ADN trên các bằng chứng hiện trường. Nếu kết quả xét nghiệm không cho thấy sự hiện diện tại hiện trường là người khác, Cook có thể được tuyên vô tội.

Kết quả đúng như vậy, không có ADN của Cook trên bất cứ thứ gì tại hiện trường. ADN trên đồ lót của Linda vẫn được kết luận là của James Mayfield. Tháng 9/2015 Cook và các luật sư của dự án Innocence đã đệ đơn yêu cầu hủy bỏ bản án của Cook dựa trên bằng chứng ADN.

Các thẩm phán quận Smith, đã nhanh chóng lên lịch cho phiên điều trần vào hôm 6/6/2016, nơi các công tố viên quận Smith đồng ý bãi bỏ cáo buộc tội Giết người đối với Cook, sau gần 40 năm.

Nhưng điều này không khiến Cook hài lòng. Ông muốn được luật pháp công nhận "thực sự vô tội". Điều này cũng đồng nghĩa với việc công tố viên và thẩm phán quận Smith phải thừa nhận đã mắc sai lầm.

"Họ không thể thừa nhận có lẽ Tiểu bang Texas đã suýt xử tử một người đàn ông vô tội", luật sư của Cook khuyên anh bằng lòng với việc bãi bỏ truy tố. Nhưng Cook khăng khăng những kẻ cố tình kết tội oan phải trả giá.

"Hãy nghĩ đến những doạ đầy tôi phải chịu trong tù, không thể thoả hiệp với sự tự do nửa vời này", Cook nói và hiện hành trình đi tìm lời phán quyết "thực sự vô tội" của anh vẫn chưa dừng lại.

Hải Thư (Theo Texas Monthly)

Xem thêm: lmth.5845234-ym-coun-gnod-gnur-yag-ut-ut-auc-nao-uek-eht-iol/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lời thề kêu oan của tử tù gây rúng động nước Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools